Gỡ "thẻ vàng" thủy sản: Quản lý chặt giám sát hành trình

Theo Việt Nguyễn/Báo Quảng Nam

Để góp phần cùng cả nước gỡ “thẻ vàng” thủy sản của Ủy ban châu Âu (EC), việc ngư dân lắp đặt, vận hành thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên rất quan trọng. Tuy vậy, Quảng Nam gặp khó với vấn đề này.

Tàu cá có chiều dài hơn 15m bắt buộc phải lắp đặt giám sát hành trình để sản xuất xa bờ. Ảnh: Việt Nguyễn
Tàu cá có chiều dài hơn 15m bắt buộc phải lắp đặt giám sát hành trình để sản xuất xa bờ. Ảnh: Việt Nguyễn

Nhiều tàu chưa lắp đặt

Theo quy định của Luật Thủy sản, chủ tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên bắt buộc phải sản xuất ở vùng biển xa bờ và phải lắp đặt, vận hành giám sát hành trình (GSHT) trong suốt chuyến biển. Tuy nhiên, nhiều tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên vẫn chưa lắp đặt GSHT.

Giải thích lý do chưa lắp đặt GSHT trên tàu cá có chiều dài 15,5m của mình, ngư dân Đ.V.S. (thôn Tân An, Bình Minh, Thăng Bình) cho biết, do trữ lượng hải sản ngày càng ít nên tàu cá làm nghề lưới rê tầng đáy khi thì sản xuất ở tuyến lộng, khi thì đánh bắt hải sản ở vùng biển xa bờ. Ngư dân chưa lắp đặt, vận hành GSHT vì sợ ngành chức năng biết phạm vi, tọa độ đánh bắt hải sản và bị phạt vì sai ngư trường.

“Có thể tôi sẽ chuyển hẳn tàu cá sang khai thác hải sản ở tuyến lộng nên không phải lắp đặt GSHT. Cái khó là tàu 15,5m, cải hoán để giảm chiều dài thân tàu xuống dưới 15m không đơn giản, lại tốn nhiều công sức, tiền bạc” - ông S. nói.

Một số ngư dân cho hay, trên thị trường có đến 5 loại GSHT, giá cao và chênh nhau hàng chục triệu đồng/sản phẩm, nhưng khi bị lỗi thì nhà cung cấp rất chậm khắc phục.

Bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Nam cho biết, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hiện có 701 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên, trong đó 635 tàu đã hoàn thiện lắp đặt GSHT. Trong số 66 tàu chưa lắp đặt GSHT, có nhiều tàu đang nằm bờ, chờ thanh lý hoặc có công suất nhỏ, chỉ phù hợp sản xuất ở tuyến lộng. Ngành thủy sản đang rà soát để có nhóm giải pháp phù hợp.

Theo đó, nhóm tàu chờ thanh lý và người mua là ngư dân trên địa bàn tỉnh sẽ bắt buộc phải lắp đặt GSHT; nhóm tàu có công suất nhỏ thì vận động chủ tàu cải hoán để sản xuất ở tuyến lộng; nhóm tàu chưa lắp đặt GSHT sẽ tạo điều kiện để hoàn thành lắp đặt trước ngày 31.12 đến.

Cần đồng bộ vào cuộc

Tại cuộc họp trực tuyến mới đây với đại diện 28 tỉnh thành về gỡ “thẻ vàng” thủy sản, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, đã 4 năm kể từ khi EC phạt “thẻ vàng”, nghề cá có nhiều chuyển biến nhưng điểm yếu dai dẳng là ngư dân chưa hoàn thiện lắp đặt, vận hành GSHT khi sản xuất trên các vùng biển xa.

Đây là vấn đề rất quan trọng, bởi liên quan đến quản lý, kiểm soát, không cho tàu cá đến vùng biển nước ngoài khai thác hải sản và chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định - những nội dung lớn trong khuyến cáo gỡ “thẻ vàng” của EC.

Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ 28 tỉnh thành phải vận động ngư dân, hoàn thành lắp đặt, vận hành GSHT. UBND tỉnh đã giao Sở NN&PTNT triển khai ngay các nhiệm vụ, giải pháp để đến ngày 31.12 ngư dân hoàn thành lắp đặt, vận hành GSHT theo thời hạn Thủ tướng Chính phủ đặt ra.

Điều đáng nói, hiện nay, ngư dân bắt buộc khai báo các thủ tục xuất bến với các trạm kiểm soát biên phòng ở Cửa Lở, An Hòa (Tam Hải, Núi Thành) và Cửa Đại (Hội An), còn khu vực bãi ngang, ngư dân tự điều tàu ra biển, không khai báo.

Ông Hồ Nguyễn Tùng - cán bộ phụ trách thủy sản của UBND xã Tam Tiến (Núi Thành) cho biết, xã có hơn 10 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên chưa lắp đặt GSHT nhưng chưa bị xử phạt khi sản xuất trên biển.

Là địa bàn bãi ngang ven biển, chủ tàu cá khi ra biển sản xuất, thỉnh thoảng mới qua trạm kiểm soát biên phòng làm thủ tục nên lực lượng chức năng cũng khó giám sát. Trong khi đó, tàu kiểm ngư của tỉnh hư hỏng nên thanh tra thủy sản không có phương tiện tuần tra trên biển để xử lý các sai phạm của ngư dân.

Bà Phạm Thị Hoàng Tâm cho rằng, để quản lý, kiểm soát chặt chẽ hơn về GSHT trên tàu cá của ngư dân, ngành biên phòng cần chỉ đạo các đồn, trạm kiểm soát biên phòng thực hiện giám sát nghiêm quy định tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên khi ra biển bắt buộc phải vận hành GSHT.

Cứ đều đặn 3 ngày, lực lượng biên phòng cập nhật, thông báo đầy đủ danh sách tàu cá đi sản xuất xa bờ để ngành thủy sản quản lý chặt, xử lý nghiêm nếu tàu cá vượt ra ngoài phạm vi khai thác hải sản cho phép.

“Các địa phương ven biển cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, yêu cầu chủ tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên phải ký cam kết vận hành GSHT 24/24 giờ khi hoạt động trên biển. Nếu ngư dân tắt GSHT, khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài sẽ bị tịch thu giấy phép khai thác hải sản và phạt nặng lên đến 1 tỷ đồng” - bà Tâm nói. 

Từ đầu năm đến nay, Chi cục Thủy sản Quảng Nam đã xử phạt 824 triệu đồng đối với nhiều ngư dân vi phạm các quy định khai thác hải sản, trong đó phạt 715 triệu đồng đối với các ngư dân tắt GSHT khi sản xuất trên vùng biển xa. Đáng nói, đã có tàu cá của ngư dân Núi Thành bị bắt giữ, đang chờ xử lý khi đưa tàu đến vùng biển của Thái Lan khai thác hải sản.