Gỡ vướng bất động sản: Nước chảy chỗ trũng?
Trong khi những ông lớn “top” ngành như Novaland, Hưng Thịnh… liên tục nhận tin vui nhờ được gỡ vướng dự án, thì hàng loạt doanh nghiệp địa ốc tại Đồng Nai bên bờ vực phá sản đang “kêu cứu” vì tắc nghẽn pháp lý, dự án chậm tiến độ nhiều năm.
Một nhóm công ty đầu tư dự án bất động sản tại Đồng Nai vừa có đơn đề nghị cứu xét khẩn cấp gửi Tỉnh ủy, UBND, HĐND tỉnh mong sớm xem xét, quyết định cho các doanh nghiệp tiếp tục thực hiện dự án và có giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đang triển khai.
Khó khăn vẫn bủa vây
Trong đơn “kêu cứu”, tập thể nhà đầu tư cho biết trong quá trình thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh, doanh nghiệp đã tuân thủ các quy định về thủ tục pháp lý và thực hiện nghĩa vụ tài chính, nhằm sớm hoàn thành dự án đưa vào hoạt động như đã cam kết với tỉnh và các cổ đông góp vốn.
Tuy nhiên, từ cuối năm 2020 đến nay, trong quá trình thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan, các dự án đều bị thông báo tạm ngưng với lý do chờ giải trình một số vấn đề liên quan đến kết luận của Kiểm toán Nhà nước. Kết quả, nhiều dự án bị chậm tiến độ, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, trong ba năm qua, thị trường bất động sản chịu tác động lớn bởi dịch bệnh. Đến nay, các doanh nghiệp đã và đang cố gắng vượt qua khó khăn để hoàn thành dự án nhưng vẫn bị tạm ngưng thực hiện để chờ kết quả xem xét và quyết định của các sở, ngành.
Những điểm nghẽn trên khiến doanh nghiệp đã khó khăn lại càng thêm khó khăn, phải cắt giảm 95% nhân sự, hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng, rơi vào tình trạng nợ xấu.
Do đó, các doanh nghiệp kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét và sớm có kết quả thống nhất với Kiểm toán Nhà nước; đồng thời có các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục đất đai cho các dự án đang thực hiện, tạo điều kiện chủ đầu tư hoàn thành dự án đúng quy định, thoát khỏi bờ vực phá sản.
Chỉ quan tâm “ông lớn”?
Những khó khăn của nhóm doanh nghiệp tại Đồng Nai khiến không ít người đặt câu hỏi, phải chăng các chính sách gỡ vướng đang chỉ hướng tới các đại gia đầu ngành mà “bỏ quên” các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn cũng đang rất khó khăn?
Vấn đề đặt ra là hoàn toàn có cơ sở, bởi trên cùng địa bàn tỉnh Đồng Nai, thời gian qua, Tổ công tác của Thủ tướng cũng đã liên tục làm việc để giải đáp, hướng dẫn trực tiếp và hướng dẫn bằng văn bản đối với hàng chục dự án bất động sản lớn, nổi bật có các dự án của Novaland, Hưng Thịnh...
Điển hình như trường hợp của Novaland với dự án Aqua City. Sau khi chính thức cho phép NVL bán nhà tại đại dự án này, mới đây, Đồng Nai tiếp tục ban hành hai quyết định giao đất cho Novaland và công ty con tiếp tục làm dự án tại Aqua City. Việc được cởi trói, giúp “đại gia” địa ốc hàng đầu phía Nam thu về những khoản tiền khổng lồ, thoát hiểm ngoạn mục.
Đáng chú ý, diễn biến thực tế cho thấy, không chỉ tại Đồng Nai, việc các chính sách gỡ vướng đang tập trung quá lớn vào các đại gia đầu ngành, trong khi phần nào đó bỏ quên các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang xảy ra ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
Bàn về thực tế đang xảy ra, đại diện một doanh nghiệp đang phát triển nhiều dự án bất động sản ở Đông Nam bộ, cho rằng “nước đang chảy chỗ trũng”, hiện khó khăn, vướng mắc chủ yếu là ở các doanh nghiệp kinh doanh đất nền, các dự án có quy mô vừa và nhỏ. Còn với các dự án quy mô của những doanh nghiệp lớn đang chuyển biến tích cực và hầu hết đã dần được tháo gỡ.
Cần phải nói thêm, sự vào cuộc của Chính phủ đang đẩy nhanh quá trình gỡ vướng cho hàng trăm dự án bất động sản. Song, sự “lệch pha” giữa các quy định pháp lý mà chưa có hướng giải quyết triệt để vẫn khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó.
Tại phiên họp tổ của Quốc hội thảo luận về kinh tế xã hội cách đây không lâu, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu cho hay, bất chấp những nỗ lực của Chính phủ, cơ chế, chính sách trong lĩnh vực bất động sản đang rất vướng, có những việc mà địa phương "hỏi mãi không ai trả lời".
Chuyển biến rõ ràng là có, song theo giới phân tích, tốc độ gỡ vướng vẫn cần đẩy nhanh tốc độ hơn bởi các doanh nghiệp bất động sản, đặc biệt là quy mô vừa và nhỏ, vẫn đang ở giai đoạn đuối sức, chỉ cần các chính sách ngưng “thẩm thấu” là đà hồi phục có thể bị đứt. Minh chứng rõ ràng nhất là số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong 3 quý đầu năm 2023 chỉ bằng phân nửa doanh nghiệp giải thể, hoặc “chết lâm sàng” (tạm dừng hoạt động).
Ông Phạm Lâm - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn DKRA, từng nhấn mạnh ách tắc lớn nhất hiện tại là pháp lý, trong đó đầu bảng là đền bù, tiền sử dụng đất, chấp thuận chủ trương đầu tư, đất công xen kẹt...
Riêng ở TP. Hồ Chí Minh, theo ông Lâm, từ năm 2022 đến nay liên tục hô hào tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhưng thực tế vẫn chưa có một kết quả nào rõ ràng. “Những khó khăn của doanh nghiệp đang rất nghiêm trọng, nên nếu không thể khơi thông về dòng tiền thì việc đẩy nhanh tốc độ gỡ khó về cơ chế, chính sách là giải pháp tối cần thiết lúc này”, đại diện DKRA cho hay.