Gói 120.000 tỷ đồng đã tìm được 100 dự án nhà ở xã hội cần vay vốn
Báo cáo về việc triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, qua báo cáo của các địa phương, đến nay đã có khoảng 100 dự án thuộc đối tượng cho vay của gói tín dụng hỗ trợ này.
Bộ Xây dựng đã có văn bản đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện nhiệm vụ đã giao tại Đề án đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021- 2030.
Qua báo cáo của các địa phương, đến nay đã có khoảng 100 dự án thuộc đối tượng cho vay của gói 120.000 tỷ đồng. Các địa phương đã công bố nhu cầu vay vốn từ gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, như Bình Định vay 1.832 tỷ đồng; Phú Thọ vay 441 tỷ đồng; TP. Đà Nẵng vay 545 tỷ đồng, Trà Vinh nhu cầu vay 420 tỷ đồng; Bắc Giang vay 4.527 tỷ đồng và TP. Hải Phòng vay 3.892 tỷ đồng.
Thực tế, các địa phương mới triển khai được hơn một tháng và gói 120.000 tỷ đồng cho cả giai đoạn và các địa phương đang trong quá trình tổng hợp công bố nên mới chỉ có kết quả bước đầu. Trong thời gian tới, khả năng sẽ có nhiều dự án tham gia gói tín dụng này.
Vì vậy, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, để thực hiện đạt mục tiêu đề ra và giải ngân hiệu quả gói hỗ trợ, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các Bộ, ngành, địa phương tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách pháp luật như tập trung sửa đổi Luật Nhà ở và các pháp luật khác có liên quan.
Theo Công ty Chứng khoán VNDirect, dòng vốn FDI chảy vào lĩnh vực bất động sản trong 5 tháng đầu năm giảm hơn 61% so với cùng kỳ. Số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, vốn ngoại rót vào bất động sản trong 5 tháng đầu năm nay chỉ đạt 1,16 tỷ USD. Con số này giảm 61,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Xếp về tỷ trọng, nguồn FDI đổ vào thì lĩnh vực bất động sản hiện tại đứng thứ 3, lần lượt sau lĩnh vực sản xuất và tài chính – ngân hàng. Trong khi đó, ở cuối quý I/2023, lĩnh vực bất động sản đứng thứ 2 về đầu tư FDI.
Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng, nguyên nhân giảm đến từ những thách thức pháp lý và khối nội thiếu kinh nghiệm M&A, giá mua và bán chưa gặp nhau là một trong những lý do chính khiến FDI giảm.
Trong khi đó, sức khỏe tài chính của ngành này vẫn đang chịu áp lực khá lớn từ đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp, tập trung từ tháng 6/2023 đến tháng 9/2023 (khoảng 82.000 tỷ đồng).