Gói kích thích cần có quy mô đủ lớn
Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về thực hiện ngân sách 2021, dự toán ngân sách, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2022 tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV, Uỷ ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, gói kích thích kinh tế với quy mô đủ lớn sẽ tạo hiệu ứng, lan tỏa, bảo đảm phục hồi kinh tế, an sinh xã hội.
Báo cáo thẩm tra nhấn mạnh: Với tác động nghiêm trọng của dịch COVID-19, mục tiêu phục hồi kinh tế, tạo nguồn lực bảo đảm an sinh xã hội là cấp bách. Việc này càng quan trọng trong bối cảnh GDP quý III giảm mạnh.
Do đó, Chính phủ cần chủ động, khẩn trương triển khai gói kích thích, phục hồi kinh tế, tạo đòn bẩy cho tăng trưởng. Gói kích thích này cần được xây dựng trên cơ sở đồng bộ chính sách tài khoá, tiền tệ; nghiên cứu lựa chọn đối tượng phù hợp để bổ sung gói hỗ trợ cấp bù lãi suất và có chính sách thu phù hợp, tính đến miễn, giảm, giãn thuế, phí và lệ phí.
Ngoài ra, cũng cần cân nhắc giảm mức nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp... trong phương án xây dựng gói kích thích kinh tế.
Thực tế, thời gian qua, nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khó khăn do dịch COVID-19 được Chính phủ ban hành như tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021; cho phép lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn đến cuối năm 2021.
Cụ thể đến ngày 15/10, số tiền miễn, giảm, giãn các loại thuế, phí, tiền thuê đất đạt khoảng 95.100 tỷ đồng. Khoảng 24,26 triệu lượt đối tượng được hỗ trợ gần 21.900 tỷ đồng và cho vay 566 tỷ đồng để trả lương cho trên 161.000 lượt lao động. Chính phủ đã giải quyết hưởng hỗ trợ cho gần 430.000 lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và trên 111.000 người dừng tham gia, tổng số tiền 1.251 tỷ đồng.
Tới giữa tháng 10, tổng số tiền lãi các tổ chức tín dụng miễn, giảm cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi địch COVID-19 là gần 27.000 tỷ đồng. Chính phủ cũng đã báo cáo cấp có thẩm quyền đồng ý về chủ trương cho miễn, giảm một số loại thuế, phí, lệ phí để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, khoảng 21.300 tỷ đồng.
Để có thêm thêm nguồn lực, dư địa cho chương trình phục hồi kinh tế, nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ cần tính toán điều hành hợp lý, hiệu quả giữa chính sách tài khoá, tiền tệ đồng thời khơi thông các nguồn lực còn bỏ ngỏ. Phân tích cụ thể về vấn đề này, Uỷ viên chuyên trách Uỷ ban Quốc phòng - An ninh Trịnh Xuân An cho rằng, vừa qua ngân sách đã chi rất nhiều cho phòng, chống dịch COVID-19 nhưng thực tế nguồn lực vẫn còn nhiều mà chưa được khơi nguồn hết, ví dụ như từ nguồn cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước vừa qua làm chậm, nợ đọng thuế nhiều. Nếu xử lý được, sẽ có thêm nguồn cho chi phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế.
Còn theo Uỷ viên thường trực Uỷ ban Kinh tế Phan Đức Hiếu, các giải pháp Chính phủ đưa ra những tháng cuối năm 2021 và năm 2022 cho phát triển kinh tế - xã hội đã khá đầy đủ nhưng chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế cần được sớm ban hành, tốt nhất là ban hành ngay trong năm 2021 bởi chiến lược này ngoài ý nghĩa để phục hồi kinh tế còn thể hiện cam kết với các nhà đầu tư, để họ yên tâm làm ăn kinh doanh, khôi phục sản xuất...
Những ý kiến này là hoàn toàn xác đáng bởi phục hồi kinh tế, tạo nguồn lực bảo đảm an sinh xã hội không thể chỉ bao gồm những chính sách, giải pháp đơn lẻ mà cần có chiến lược tổng thể, để vừa giải quyết những yêu cầu trước mắt, vừa tạo tiền đề cho những năm tiếp theo.
Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ Hai, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ sẽ khơi thông mọi nguồn lực cho phòng, chống dịch và đầu tư, sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội. Ngoài ra, Chính phủ sẽ điều chỉnh linh hoạt chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác để giữ vững ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Bản chiến lược tổng thể phòng, chống dịch và chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội cũng sẽ sớm được hoàn thiện, báo cáo.