Gom động lực cho tăng trưởng
Cùng với sản xuất phục hồi thì động lực quan trọng của tăng trưởng chính là cộng đồng doanh nghiệp. Tổng cục Thống kê khẳng định bức tranh doanh nghiệp đang rất tươi sáng khi 9 tháng đầu năm số doanh nghiệp thành lập mới đạt 81.500 doanh nghiệp và quay trở lại sản xuất trên 20.000 doanh nghiệp. So với doanh nghiệp đang hoạt động thì số này chiếm trên dưới 25%.
Tăng trưởng kinh tế quý III/2016 ước đạt 6,4%, cho thấy sự bứt phá mạnh mẽ của cả nền kinh tế so với quý I (5,48%) và quý II (5,78%). Mặc dù vậy, sự tăng tốc muộn màng này vẫn chưa đủ để kéo cả cỗ xe tăng trưởng đã chạy ì ạch suốt nửa quãng đường năm 2016, đạt được tốc độ như kỳ vọng. Số liệu được Tổng cục Thống kê công bố trong buổi họp báo tổ chức ngày 29/9 cho thấy, 9 tháng đầu năm 2016, GDP ước tăng 5,93% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bứt phá tạo đà tăng tốc
Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, kết quả trên cho thấy nền kinh tế tiếp tục xu hướng tăng trưởng GDP quý sau cao hơn quý trước. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn mức tăng 6,53% của cùng kỳ năm 2015. Nguyên nhân chủ yếu do ngành công nghiệp khai khoáng tiếp tục giảm sút và nông nghiệp tăng trưởng thấp hơn mức tăng cùng kỳ năm trước.
Số liệu thống kê cũng phản ánh thực tế là tổng thể nền kinh tế chưa có sự đột phá. Song đáng mừng là nếu xét kết quả sản xuất của các ngành kinh tế, trừ nông nghiệp và khai khoáng, thì công nghiệp chế biến chế tạo, xây dựng, dịch vụ, đều có mức tăng trưởng tốt.
Cụ thể, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,65%, là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ 6 năm gần đây. Ngành công nghiệp khai khoáng tiếp tục giảm sâu khi quý III giảm 6,8%, trong khi trước đó quý II giảm 5,3%, quý I tăng 0,2%. Tính chung 9 tháng, ngành khai khoáng giảm tới 3,6%, đã làm hụt đi 0,28 điểm % vào tăng trưởng của cả khu vực công nghiệp và xây dựng, khiến khu vực này chỉ tăng 7,19% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều mức tăng 9,86% của 9 tháng năm 2015.
Trong bối cảnh đóng góp của cả ngành nông nghiệp và công nghiệp vào tăng trưởng đều giảm sút, dịch vụ đã trở thành người hùng của tăng trưởng. Khu vực này trong 9 tháng đầu năm tăng 6,66%, đóng góp 2,55 điểm %, trong khi đóng góp của nông nghiệp và công nghiệp đều thấp hơn, lần lượt là 0,11 điểm % và 2,52 điểm %. Đây cũng là điểm khác biệt so với các năm trước.
Phân tích sâu hơn, ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia cho biết, mức tăng 5,93% tuy thấp hơn so với cùng kỳ năm 2015, nhưng tăng trưởng qua từng quý vẫn cao lên và giữ được quý sau cao hơn quý trước.
Điều đặc biệt là riêng tăng trưởng quý III đã có bứt phá mạnh mẽ, thể hiện ở độ doãng giữa quý III và quý II (0,63 điểm %) là gấp đôi so với giữa quý II và quý I (0,3 điểm %). Độ doãng giữa quý III và quý II năm nay cũng chỉ thấp hơn khi so với cùng kỳ năm 2014, còn lại đều cao hơn các năm trong giai đoạn 2011-2015. Đây sẽ là đà tăng tốc hiệu quả cho quý cuối năm.
“Đặc biệt, thực tế này phá vỡ quan điểm tăng trưởng của Việt Nam vẫn dựa vào khai thác tài nguyên. Vì 9 tháng tăng trưởng khai khoáng âm, nông nghiệp cũng ở mức độ hạn chế nhưng chúng ta vẫn đạt tăng trưởng chung”, ông Tuyến nhận xét.
Kỳ vọng động lực mới
Tổng cục Thống kê đánh giá, kết quả đạt được phản ánh nỗ lực của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp, các cấp ngành, và cả người dân trong việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã được đặt ra. “Với cái đà của 9 tháng và nhất là quý III thì kỳ vọng quý IV chúng ta sẽ có bứt phá mạnh hơn nữa, và hy vọng tốc độ này có thể tương đương quý IV/2015”, ông Hà Quang Tuyến nhận định.
Sức bật mạnh mẽ hơn của quý IV thể hiện ở khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản trong 9 tháng đã ấm lên dù 6 tháng tăng trưởng âm. Biểu hiện khác là nhập khẩu hàng hóa trong 9 tháng đầu năm đã tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2015, trong khi 6 tháng đầu năm giảm 0,5%.
Ông Tuyến phân tích, nhập khẩu của Việt Nam có tới 90% là nguyên liệu máy móc thiết bị cho sản xuất kinh doanh. Vì vậy tăng trưởng nhập khẩu thể hiện sản xuất phục hồi mạnh mẽ, sẽ có tác động tích cực tới tăng trưởng quý tới.
Cùng với sản xuất phục hồi thì động lực quan trọng của tăng trưởng chính là cộng đồng doanh nghiệp. Tổng cục Thống kê khẳng định bức tranh doanh nghiệp đang rất tươi sáng khi 9 tháng đầu năm số doanh nghiệp thành lập mới đạt 81.500 doanh nghiệp và quay trở lại sản xuất trên 20.000 doanh nghiệp. So với doanh nghiệp đang hoạt động thì số này chiếm trên dưới 25%, là con số lớn.
Đồng thời, trong 81.000 doanh nghiệp thành lập mới, có 78.000 doanh nghiệp, chiếm 95,8% đã thực sự đi vào sản xuất kinh doanh. Điều này cho thấy môi trường đầu tư tốt đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp đi vào hoạt động ngay.
Điều tra xu hướng kinh doanh do Tổng cục Thống kê thực hiện cũng cho thấy có tới 83,6% doanh nghiệp trả lời tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và tốt hơn trong quý IV. Đây chính là động lực cho tăng trưởng trong quý IV, ông Nguyễn Bích Lâm khẳng định.
Cộng đồng doanh nghiệp cũng là 1 trong 3 nhóm phải tập trung làm động lực tăng trưởng kinh tế trong quý IV cũng như các năm tiếp theo, theo khuyến nghị của Tổng cục Thống kê.
Nhóm động lực thứ hai cho tăng trưởng, theo cơ quan này, là tái cơ cấu toàn nền kinh tế, đặc biệt nhấn mạnh tới ngành nông nghiệp. Xâm nhập mặn đã vào đến vùng lõi của đồng bằng sông Cửu Long, lũ ở vùng này năm nay hầu như không có, do đó đây không phải hiện tượng nhất thời mà sẽ còn dai dẳng. “Tái cơ cấu khu vực này là rất quan trọng, vì đây vẫn phải là cứu cánh của nền kinh tế”, ông Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh.
Cuối cùng, theo Tổng cục Thống kê, cần đẩy mạnh nhu cầu tiêu dùng trong nước và coi đây là động lực quan trọng của tăng trưởng. Trước đây nền kinh tế tập trung vào xuất khẩu, nhưng tới đây cần coi trọng thị trường 90 triệu dân trong nước để đảm bảo tăng trưởng của cả nền kinh tế.
Với các phân tích này, ông Nguyễn Bích Lâm đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm nay sẽ quanh mức 6,3-6,5%. “Mặc dù vậy, để đạt được 6,5% cũng sẽ là vô cùng khó khăn”, ông Lâm chốt lại.