Làm gì để có mức tăng trưởng tiềm năng?
Để vực dậy được mức tăng trưởng tiềm năng (khoảng 7%) của nền kinh tế, thách thức ngắn hạn là tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Còn trong trung hạn, đặc biệt đến năm 2020, là kiểm soát nợ công ở mức bền vững.
Chia sẻ của ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright về triển vọng kinh tế Việt Nam và các thách thức cần giải quyết trong ngắn và trung hạn.
Phóng viên: Ông có thể cho biết nhận định của mình về triển vọng kinh tế năm nay?
Ông Nguyễn Xuân Thành: Đến thời điểm này của năm 2016, chúng ta đang có những cảm xúc rất lẫn lộn. Sự lo ngại là tăng trưởng cả năm 2016 gần như chắc chắn sẽ không đạt mục tiêu 6,7% và thấp hơn hẳn so với Ấn Độ. Vì vậy, Việt Nam hiện chỉ là nước phát triển nhanh thứ 2 hoặc thứ 3 trong khu vực.
Trong khi trong 5 năm qua, trong các báo cáo của Chính phủ thường xuyên có nhận định Việt Nam là nước có tốc độ phát triển nhanh thứ 2 trong khu vực sau Trung Quốc.
Có nhiều cảm giác không vui vì tăng trưởng chậm lại, mặc dù tốc độ tăng trưởng GDP ở mức 5,5% (6 tháng đầu năm) cũng được xem là tỷ lệ đáng kể nếu so với các nền kinh tế ASEAN khác và trong bối cảnh tăng trưởng vẫn chậm chạp của kinh tế toàn cầu.
Nếu như nhìn vào các ngành, lĩnh vực khác nhau của kinh tế Việt Nam có thể nhận thấy, tăng trưởng của ngành nông nghiệp và dầu khí đang là nguyên nhân chính giải thích cho sự tăng trưởng kinh tế chậm lại. Đặc biệt sau 30 năm đổi mới, ngành nông nghiệp trong năm 2016 đã ghi nhận mức tăng trưởng âm mà phần lớn nguyên nhân là do hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra ở đồng bằng sông Cử Long…
Thực tế này cũng chỉ ra, trong trung hạn, triển vọng tăng trưởng ở mức 3-4% của ngành nông nghiệp cũng đang rất mờ nhạt và nếu không có sự thay đổi cơ cấu đáng kể thì ngành này sẽ không thể tăng trưởng nhanh được. Còn sản xuất công nghiệp chế biến - chế tạo thì cơ bản vẫn tăng trưởng tốt.
Với thực tế tăng trưởng GDP hiện nay, tôi cho rằng tăng trưởng GDP cả năm của Việt Nam sẽ không hoàn thành mục tiêu 6,7% đã đề ra từ đầu năm. Kể cả có những biện pháp kích thích đi nữa, con số có thể đạt được chỉ khoảng 6,3%.
Vậy, có điều gì bất thường trong năm nay? Đó là, lần đầu tiên Chính phủ đã quyết định không thay đổi mục tiêu tăng trưởng kinh tế, bất chấp áp lực thay đổi mục tiêu tăng trưởng là đang có. Tôi tin rằng, mục tiêu này sẽ tiếp tục được giữ nguyên, không có điều chỉnh gì kể cả trong kỳ cuộc họp Quốc hội vào tháng 10 tới.
Trong khi trước đây, cách thông thường là Chính phủ sẽ thường xuyên cập nhật mục tiêu tăng trưởng (mỗi quý một lần) và dù tăng trưởng nhanh hay chậm thì cuối năm sẽ luôn đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra.
Vậy nếu tăng trưởng thực tế không đạt mục tiêu đặt ra thì Chính phủ sẽ “ăn nói” thế nào với người dân?
Tôi tin điều này sẽ khiến Chính phủ mới quyết tâm hơn trong việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế để đạt mục tiêu tăng trưởng cho các năm sau. Do đó tôi tin rằng, việc không đạt mục tiêu đặt ra sẽ là tín hiệu mừng để “tái cơ cấu nền kinh tế lần hai” diễn ra, tức là Chính phủ sẽ phải quyết tâm làm, quyết tâm thay đổi trong cung cách quản lý, điều hành kinh tế.
Ít nhất đến lúc này chúng ta đã thấy được thông điệp của Chính phủ mới là quyết tâm xây dựng một Chính phủ kiến tạo phát triển, rút dần khỏi can thiệp quá lớn vào thị trường, vào khu vực tư nhân như trước đây.
Còn nếu mở rộng chính sách tài khóa (CSTK) hay chính sách tiền tệ (CSTT) để cố đạt mục tiêu hay đến quý cuối năm lại điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng thì có thể xem đó là tín hiệu cho thấy sẽ không có thay đổi trong cung cách quản lý cũng như sẽ không có cải cách cơ cấu kinh tế nào thực sự diễn ra cả.
Vậy ông nhìn nhận thế nào về dư địa hỗ trợ cho tăng trưởng của CSTK và CSTT?
Năm 2015, mục tiêu cho thâm hụt tài khóa ở mức 5%, nhưng để tạo nên bức tranh “màu hồng” hơn cho tăng trưởng kinh tế thâm hụt ngân sách thực tế đã lên mức 6,3%. Tuy nhiên, điều đó không nên và không thể diễn ra trong năm nay vì dư địa để mở rộng CSTK là không còn.
Còn với CSTT, chúng ta thấy Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục đảm bảo thanh khoản tốt trong hệ thống và đảm bảo tăng trưởng tín dụng (TTTD) đến cuối năm sẽ ở mức 18% (mục tiêu là 18-20%).
Trong 8 tháng đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước cũng đã mua vào 10 tỷ USD nhằm tăng dự trữ ngoại hối, qua đó đưa một lượng lớn tiền đồng vào lưu thông. Mặc dù có thực hiện biện pháp trung hòa bằng nghiệp vụ thị trường mở, nhưng lượng VND bơm ròng vào nền kinh tế vẫn lớn. Nhờ đó mà lãi suất đã được giữ không tăng lên trong năm nay.
Để vực dậy được mức tăng trưởng tiềm năng (khoảng 7%) của nền kinh tế, các thách thức lớn cần giải quyết là gì, thưa ông?
Thách thức ngắn hạn là tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Còn trong trung hạn, đặc biệt đến năm 2020, là kiểm soát nợ công ở mức bền vững.
Về thách thức ngắn hạn, thực tế nợ xấu tồn đọng từ 5 năm trước vẫn còn đó. Trong khi đó, hiện tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản bình quân của hệ thống các tổ chức tín dụng chỉ 0,5% nên việc kỳ vọng các ngân hàng có đủ lợi nhuận giữ lại để tự tái cấu trúc là rất khó khả thi.
Trong khi đó, do các vấn đề về nợ xấu và các điều kiện tài chính còn chưa rõ ràng, thậm chí một số ngân hàng còn có tình trạng âm vốn chủ sở hữu nên các nhà đầu tư mới, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài, không mặn mà trong việc bỏ vốn vào ngân hàng.
Do đó, đã đến lúc câu hỏi liệu Nhà nước có phải dùng các nguồn lực của mình để tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, giải quyết nợ xấu và nâng vốn chủ sở hữu cho một số ngân hàng hay không cần được đặt ra, dù về mặt chính trị và xã hội thì điều này dường như không được ủng hộ rộng rãi.
Đặc biệt khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra trong dự thảo mới đây về khả năng có thể dùng ngân sách để tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đã gặp phải những tranh cãi vì lo ngại Nhà nước sẽ dùng thuế của dân để trả nợ cho các ngân hàng làm ăn yếu kém.
Cá nhân tôi thì ủng hộ hướng đi này, nhưng nên gọi đây là chương trình dùng nguồn lực nhà nước để tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, thay vì nói là dùng nguồn lực Nhà nước để xử lý nợ xấu. Nguyên tắc là không dùng nguồn lực Nhà nước để giải cứu cho chủ ngân hàng hay giải cứu cho người vay nợ.
Những ngân hàng cần được Nhà nước tái cấu trúc là những ngân hàng Nhà nước đã sở hữu 100%, chủ cũ của ngân hàng đã mất hết vốn góp và các con nợ vẫn phải chịu trách nhiệm trả nợ hay mất tài sản thế chấp theo đúng các điều khoản trong hợp đồng tín dụng.
Nhà nước có thể sử dụng các nguồn thu được từ cổ phần hóa, thoái vốn khỏi các doanh nghiệp nhà nước để tái cấu trúc và nâng lại vốn chủ sở hữu cho các ngân hàng yếu kém. Điều quan trọng là cần đưa các ngân hàng trở lại hoạt động lành mạnh và đó là mục tiêu trước mắt mà các năm 2016, 2017 phải tập trung.
Còn trong trung hạn là thách thức về thâm hụt ngân sách và nợ công cao. Hiện thâm hụt ngân sách Nhà nước đang ở mức hơn 6%, đó là lý do chính dẫn đến nợ công đang tăng nhanh và có thể đến cuối năm 2016 nợ công của Việt Nam sẽ ở mức 64,9% - nếu chúng ta muốn nói đến một con số để tránh chạm trần 65% mà Quốc hội đã đặt ra.
Và nếu cứ duy trì thâm hụt ngân sách ở mức 5%/năm và thậm chí khi quyết toán xong còn ở mức cao hơn, thì nợ công sẽ ở mức 75-80% vào năm 2020 và có thể sẽ lên đến 80-90% GDP vào năm 2030 là những viễn cảnh thấy trước.
Như vậy thì chúng ta có hai lựa chọn: Hoặc phải giảm trần thâm hụt ngân sách xuống 3% để đảm bảo trần nợ công đặt ra, hoặc chúng ta sẽ phải phá vỡ trần nợ công hiện nay. Và khuyến nghị của tôi là, cần phải có lộ trình giảm thâm hụt ngân sách từ 5% xuống 3% và duy trì ổn định ở mức đó.
Cách làm là phải cắt giảm chi tiêu và câu chuyện quản lý nợ công cần kiểm soát bằng các chỉ số kinh tế rõ ràng và minh bạch. Quản lý nợ công tốt sẽ giải quyết được nhiều vấn đề, như sẽ giúp tăng được hiệu quả của đầu tư công, đồng thời giảm được sự phân mảng, chi tiêu lãng phí ở các bộ, ngành, địa phương, đồng thời lại tạo được áp lực lên các doanh nghiệp nhà nước, khiến các doanh nghiệp này phải đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn… trong khi những doanh nghiệp nhà nước còn lại sẽ hoạt động hiệu quả hơn. Điều này muốn làm được cần sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ và Quốc hội để đưa ra một lộ trình.
Tôi tin nếu Chính phủ có thể giải quyết tốt các vấn đề liên quan đến nợ công và các yếu kém trong hệ thống ngân hàng thì có thể đưa tăng trưởng kinh tế trở lại mức tăng trưởng tiềm năng 7%, thậm chí là 8% nếu như môi trường kinh tế toàn cầu thuận lợi hơn và Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại thế hệ mới trong các năm tới.
Ngược lại, nếu các vấn đề cơ cấu kinh tế không được giải quyết thì mức tăng trưởng chỉ 5-5,5% trong những năm tới sẽ là điều không có gì đáng ngạc nhiên.