Google phản đối luật mới tại Australia nhằm vào các hãng công nghệ
Google khẳng định việc hãng bị buộc phải trả tiền cho các hãng truyền thông không chỉ tác động tới người dùng Australia mà còn tác động tới cả hình thức hợp tác giữa Goolge và các hãng truyền thông.
Ngày 17/8, hãng công nghệ hàng đầu thế giới Google đã lên tiếng phản đối kế hoạch của Australia buộc các công ty công nghệ trả tiền cho những nội dung tin tức mà những công ty này khai thác, cho rằng kế hoạch này gây nguy cơ lộ dữ liệu cá nhân của người dùng.
Hồi tháng trước, Australia tuyên bố các công ty công nghệ như Google và Facebook sẽ phải trả tiền cho các hãng truyền thông nếu sử dụng nội dung tin tức của những hãng này.
Tuyên bố được đưa ra sau tiến trình đàm phán kéo dài 18 tháng giữa Chính phủ Australia và các hãng công nghệ không mang lại kết quả.
Các biện pháp mới bao gồm những khoản phạt lên tới hàng triệu AUD với những công ty vi phạm và buộc các hãng công nghệ phải minh bạch thông tin liên quan tới những thuật toán mật mà những công ty này sử dụng xếp thứ tự kết quả tìm kiếm.
Trong một thông báo mới trên trang chủ, Google cảnh báo biện pháp này có thể ảnh hưởng tới cách người dùng Australia sử dụng công cụ tìm kiếm của hãng và gây tổn hại tới những trải nghiệm tìm kiếm của người dùng Xứ sở Chuột túi.
Google gắn kèm trong thông báo một đường link dẫn tới một lá thư mở, trong đó giải thích rằng hãng sẽ buộc phải nộp các dữ liệu tìm kiếm của người dùng cho các hãng truyền thông và cung cấp những thông tin có thể giúp những hãng truyền thông này tự đẩy mức xếp thứ tự của mình lên trước những trang mạng khác trong kết quả tìm kiếm trên Google.
Hãng công nghệ Mỹ khẳng định luật trên không chỉ tác động tới người dùng Australia mà còn tác động tới cả hình thức hợp tác giữa Goolge và các hãng truyền thông.
Cụ thể, Google khẳng định đã có hợp đồng đối tác với các hãng truyền thông Australia quy định những khoản thanh toán hàng triệu AUD và giúp mang lại cho các hãng hàng tỷ lượt truy cập tin tức mỗi năm.
Lá thư có đoạn viết "thay vì khuyến khích mô hình đối tác trên, luật mới của Australia lại trao đặc quyền cho các hãng truyền thông lớn và khuyến khích họ có những đòi hỏi "sai lầm và không thể chấp nhận được" gây nhiều nguy cơ với các dịch vụ miễn phí của Google.
Bước đầu, luật mới của Australia tập trung vào Facebook và Google, hai trong số các công ty giàu có và nhiều ảnh hưởng nhất trên thế giới, nhưng có thể sẽ tiếp tục được áp dụng với mọi nền tảng công nghệ số.
Dư luận thế giới đang dành quan tâm đặc biệt tới những đề xuất của Australia trong bối cảnh hầu hết các nhà chức trách đều đang xây dựng những biện pháp quản lý với lĩnh vực công nghệ đang thay đổi nhanh chóng mỗi ngày.
Các hãng truyền thông toàn cầu đang được cho là chịu nhiều thiệt thòi khi tham gia nền kinh tế số, một lĩnh vực mà các công ty công nghệ lớn hầu như nắm trọn doanh thu từ hoạt động quảng cáo.
Ước tính của Chính phủ Australia chỉ ra trong thời đại công nghệ, doanh thu quảng cáo của các hãng truyền thông sụt giảm mạnh, cứ 100 AUD chi cho quảng cáo trực tuyến thì có khoảng gần 30% rơi vào tay Google và Facebook.
Cuộc khủng hoảng này càng thêm trầm trọng do tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, khi hàng trăm tờ báo của Australia đã phải đóng cửa và hàng trăm nhà báo rơi vào cảnh thất nghiệp trong những tháng gần đây.
Không giống như những nỗ lực của các quốc gia khác vốn chưa mang lại hiệu quả buộc các nền tảng công nghệ phải trả tiền cho tin tức họ sử dụng, sáng kiến của Chính phủ Australia dựa vào luật cạnh tranh thay vì dựa vào các quy định về bản quyền.
Sáng kiện nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các hãng truyền thông trong nước và dự kiến sẽ có hiệu lực trong năm nay.
Hiện cơ quan chống độc quyền của Australia chưa đưa ra phản ứng chính thức về động thái của Google.