Hạ lãi suất, giãn nợ vay, cần đi đúng địa chỉ

Theo Nhuệ Mẫn/tinnhanhchungkhoan.vn

Các ngân hàng đưa ra gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250.000 tỷ đồng cho giải pháp này, các doanh nghiệp cũng có những thông tin rất đáng quan tâm.

 Các ngân hàng xem xét miễn giảm lãi vay hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn vì Covid-19.
Các ngân hàng xem xét miễn giảm lãi vay hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn vì Covid-19.

Trước thông tin Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... với doanh nghiệp gặp khó khăn vì Covid-19.

Giám đốc một doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn Bắc Ninh cho biết, trong sản xuất, doanh nghiệp thường chuyển nguồn hay “hàng hoá đi trước, hoá đơn theo sau” và thực tế việc này được Bộ Tài chính cho phép.

Nghĩa là hàng mua tháng 1 nhưng báo cáo tài chính cho phép hoá đơn lấy trong 3 tháng nghĩa là đến tháng 4 vẫn có thể lấy hoá đơn và cho phép hạch toán. Do vậy, nhiều khả năng sẽ không sát được thực tế doanh nghiệp nào đang khó khăn nếu chỉ xem trên chứng từ.

“Ðó là chưa kể đến báo cáo tài chính của doanh nghiệp không chuẩn xác như doanh thu thực tế với doanh thu trên báo cáo cho cơ quan thuế là khác; thậm chí doanh thu thực tế với doanh thu trên báo cáo cho Hội đồng quản trị cũng khác.

Do vậy, Nhà nước cho triển khai ưu đãi nên xét trên cơ sở phương án hoạt động sản xuất - kinh doanh thực sự của doanh nghiệp”, vị Giám đốc nói.

Còn theo ông Phan Thanh Tịnh, Giám đốc Công ty TNHH Thuỷ sản Việt Ân cho biết, doanh nghiệp có cách để chi phí giảm thủ thuật nên cần thận trọng trong việc triển khai chính sách hỗ trợ cho hợp lý.

Trong khi đó, giám đốc một doanh nghiệp vừa và nhỏ cho rằng, gói hỗ trợ này phù hợp với doanh nghiệp bán lẻ và doanh nghiệp FDI hơn doanh nghiệp sản xuất, bởi ai và tiêu chí nào để thẩm định được doanh nghiệp bị thiệt hại và giảm doanh thu.

“Nhân viên ngân hàng dù có đi thẩm định, nhưng đối với hoá đơn chứng từ, nhân viên ngân hàng không phải cơ quan quản lý nhà nước hay cơ quan cảnh sát điều tra để biết doanh nghiệp đang thực hiện đúng hay chưa đúng.

Nhân viên ngân hàng chủ yếu sẽ kiểm soát việc cho vay không trái luật để không phải chịu trách nhiệm. Do vậy, hỗ trợ doanh nghiệp là điều tốt, nhưng trên phương pháp nào cần phải tính toán để hỗ trợ “đúng người, đúng việc”, vị giám đốc nói.

Thực tế cho thấy, các ngân hàng cũng đã lường trước những khó khăn khi triển khai hỗ trợ doanh nghiệp.

Ông Phan Ðức Tú cho biết, BIDV đã chủ động báo cáo Ngân hàng Nhà nước, xây dựng các biện pháp chống dịch, hỗ trợ doanh nghiệp.

Triển khai khảo sát đánh giá nhu cầu của khách hàng, phân loại các nhóm nhu cầu khách hàng. Khách hàng có nhu cầu muốn vay mới thì được tiếp cận gói vay mới. Khách hàng muốn giãn nợ thì sẽ được giãn nợ và có thể được giảm lãi.

Còn tại TPBank, một lãnh đạo cao cấp của Ngân hàng cho biết: “TPBank sẽ xem xét gia hạn nợ, cơ cấu nợ mà không áp dụng lãi phạt, xem xét giảm lãi hoặc kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép không chuyển nhóm nợ với các khách hàng này.

Ðồng thời, Ngân hàng sẽ tiếp tục xem xét cho vay thực hiện các phương án kinh doanh mới của khách hàng”.   

“Với những biến động hiện nay, có thể hết tháng 3, tình hình dịch bệnh chưa thể tốt lên. Ðiều này đã, đang và sẽ tác động tiêu cực tới hoạt động của tất cả các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh với mức độ nặng nhẹ khác nhau”, ông Tịnh nói.

Giám đốc một doanh nghiệp bao bì tại Ðồng Nai cho biết, doanh thu 2 tháng đầu năm của Công ty giảm 20% so với cùng kỳ năm 2019. Công ty này chuyên cung cấp sản xuất bao bì đựng gạo - hàng hóa thiết yếu với đời sống người dân - nên mức độ ảnh hưởng từ dịch Covid-19 nhẹ hơn một chút so với các sản phẩm khác.

Câu chuyện của hai doanh nghiệp trên phần nào phản ánh ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh Covid-19 tới tình hình sản xuất - kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp, và điều này tác động không nhỏ tới hoạt động của các ngân hàng - bên cung cấp vốn chính cho các doanh nghiệp.