Hạ lãi suất, nhưng còn nút thắt nợ xấu thì sao?
(Tài chính) “Việc giảm trần lãi suất huy động tiền đồng, giảm lãi suất tái cấp vốn… là những nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước để hỗ trợ nền kinh tế đang còn èo uột”, ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Quản trị LienVietPostBank nói.
Tại buổi Họp báo thường kỳ tháng 3/2014 đầu tuần này, bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tính đến ngày 13/3, tổng phương tiện thanh toán toàn hệ thống tăng 2,96%; huy động vốn tăng 1,92% so với cuối năm 2013, trong đó huy động bằng VND tăng 2,23%. Tuy nhiên, tín dụng toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đối với nền kinh tế giảm 1,05%.
Nhưng phân tích số liệu theo tháng, tín dụng 13 ngày đầu tháng 3 đã có sự cải thiện, tăng 0,13%. Bên cạnh đó, thanh khoản VND ổn định, có dư thừa, phản ánh qua tỷ lệ tín dụng trên huy động vốn bằng VND giảm mạnh xuống mức 90%. Lãi suất liên ngân hàng ổn định cũng cho thấy các tổ chức tín dụng không còn khó khăn về thanh khoản, thậm chí dư thừa, nên tiếp tục mua trái phiếu chính phủ, tín phiếu, trái phiếu Chính phủ bảo lãnh để tăng dự trữ đệm. Do vậy, tại buổi họp báo nêu trên, Ngân hàng nhà nước (NHNN) chính thức công bố cắt giảm lãi suất điều hành.
Trên thực tế, trước khi trần lãi suất huy động 6%/năm có hiệu lực vào ngày 18/3/2014, đa số ngân hàng như Techcombank, ACB, Sacombank, VIB… đã chi trả lãi suất tiền gửi ở dưới mức trần cũ (7%/năm) và mức lãi suất đó chênh lệch so với mức trần 6%/năm mới này không nhiều. Điều này cho thấy, việc NHNN hạ trần lãi suất huy động lần này sẽ không ảnh hưởng lớn tới thị trường, bởi nguồn cung tiền đồng hiện nay tương đối dư thừa, các ngân hàng cũng không phải cạnh tranh quá nhiều trong việc huy động vốn.
Ông Phạm Hồng Hải, Phó tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam nhận định, đợt giảm trần lãi suất huy động lần này nhằm thực hiện chủ trương đã được NHNN đưa ra hồi cuối năm 2013, nhằm tiếp tục cắt giảm lãi suất cho vay. Đợt cắt giảm lãi suất này được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố như: lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, nhu cầu vay vốn của DN và người dân chưa cao…, nên động thái này của NHNN hy vọng sẽ kéo mặt bằng lãi suất cho vay xuống thấp hơn, kích thích nhu cầu vay vốn.
“Giảm lãi suất huy động sẽ là cơ sở giảm lãi suất cho vay, vì chi phí đầu vào giảm xuống thì chắc chắn các tổ chức tín dụng là những nhà kinh doanh sẽ có những biện pháp điều hành phù hợp”, ông Nguyễn Đồng Tiến, Phó thống đốc NHNN Việt Nam nhận định.
Trong một tương quan khác, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nói: “Trong bối cảnh lãi suất cho vay qua đêm hiện tại ở mức 1,3%/năm và lãi suất thị trường mở (OMO) ở mức 5%/năm, các điều kiện cấp vốn tiền đồng rẻ cho thấy, lãi suất không phải là thủ phạm đứng đằng sau hiện tượng tăng trưởng tín dụng trì trệ của Việt Nam”.
Theo báo cáo nghiên cứu kinh tế vĩ mô tháng 3 của Khối Nghiên cứu kinh tế HSBC vừa được công bố, cắt giảm lãi suất sẽ không ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng cho vay. Một khi các khoản nợ xấu chưa được giải quyết, ngân hàng sẽ khó có thể thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Điều đó có nghĩa, nhu cầu nội địa ở Việt Nam sẽ còn trì trệ, khiến tăng trưởng tín dụng dự kiến chỉ đạt khoảng 5,6% trong năm 2014.
“Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển với nền kinh tế không đồng đều, trong đó những DN thiên về xuất khẩu sẽ nổi trội hơn, trong khi những DN phục vụ thị trường nội địa chịu những điều kiện tín dụng khó khăn và nhu cầu trì trệ”, báo cáo của HSBC viết.
Báo cáo kinh tế của ANZ cũng lo ngại nợ xấu cao đang là mối đe dọa lớn nhất và việc hoãn thi hành Thông tư 02/2013/TT-NHNN thêm 6 tháng sẽ tác động tiêu cực đến hệ thống ngân hàng khi góp phần che giấu các rủi ro. Do vậy, hạ lãi suất chỉ tác động nhỏ đến tăng trưởng tín dụng.
TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng: “Giá lãi suất cho vay ảnh hưởng đến cung tín dụng, nên về nguyên tắc lãi suất càng thấp, càng góp phần thúc đẩy cung tín dụng cao hơn vì giá vốn rẻ. Nhưng độ nhạy của việc hạ lãi suất đến đâu trong việc tăng cung tín dụng lại là một câu chuyện khác. Như trong bối cảnh hiện nay, độ nhạy không phải quá mạnh bởi bản thân lãi suất không phải là vấn đề, vì lãi suất đã được đưa về khung hợp lý và tiền đồng đang trong tình trạng dư thừa. Vấn đề chính yếu của Việt Nam là nợ xấu”.
“Lãi suất hạ xuống nữa là một yếu tố tích cực, nhưng không mang tính quyết định. Vấn đề chính bây giờ là làm thế nào để kích cầu bền vững, có thể bằng các cách nới "room" thị trường chứng khoán để DN thu hút vốn từ nhà đầu tư, đẩy mạnh đầu tư công…”, ông Nguyễn Đức Hưởng nói.