Hà Nam: Phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững

pv.

Những năm qua, tỉnh Hà Nam đã không ngừng chú trọng tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó nông nghiệp là một trong những kĩnh vực được Tỉnh chú trọng phát triển đặc biệt là theo hướng bền vững trong thời gian tới.

Một trang trại nuôi bò sữa tại Hà Nam.
Một trang trại nuôi bò sữa tại Hà Nam.

Tận dụng các lợi thế

Hà Nam là một tỉnh có nhiều lợi thế cho phát triển nông nghiệp như: là cửa ngõ phía Nam của Thủ đô, ngay cạnh một thị trường tiêu thụ lớn, là đầu mối giao thông thủy, bộ... Bởi vậy, nhiều năm qua Tỉnh đã tập trung định hướng, đầu tư cho nông nghiệp thông qua các chương trình đề án thúc đẩy nông nghiệp tăng trưởng nhanh, bền vững. Theo đó, tập trung vào chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ; triển khai nhiều giống lúa năng suất cao, chất lượng tốt; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Nhờ đó, nông nghiệp của Tỉnh phát triển khá toàn diện với nhiều đề án, mô hình tổ chức sản xuất, liên kết chuỗi giá trị có hiệu quả. Giá trị sản xuất của lĩnh vực này trong 5 năm qua đạt trên 10.000 tỷ đồng, tăng bình quân 1,57%/năm. Đặc biệt, mô hình cánh đồng mẫu đã được Tỉnh thực hiện thí điểm ở 6 huyện, thành phố, với quy mô hơn 190 ha ngay từ năm 2014 đã huy động sự tham gia, liên kết chặt chẽ của các doanh nghiệp với nông dân từ sản xuất đến tiêu thụ. Hiệu quả kinh tế của mô hình tăng hơn so với sản xuất đại trà từ 8-15%, mở ra hướng đi mới trong xây dựng chuỗi liên kết sản xuất.

Bên cạnh đó, Tỉnh đã thực hiện thành công mô hình sản xuất cây trồng vụ đông hàng hóa tại 8 xã và nhân rộng trong tỉnh, tạo giá trị thu nhập từ sản xuất vụ đông là 216 tỷ đồng, tăng 6 tỷ đồng so với trước đây. Phát triển chăn nuôi cũng gặt hái nhiều kết quả với tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng năm 2014 tăng 7% so với năm trước.

Thực hiện đính hướng phát triển nông nghiệp theo hướng công nghiệp hoá, những năm qua, Hà Nam cũng đã tập trung nguồn lực đầu tư mạnh cho hạ tầng giao thông nông thôn. Đến nay, tỉnh đã hoàn thành 828,4km nền đường trục chính ra đồng trên tổng số 1.014 km trong đó 56,7km đã được bê tông hoá, tạo điều kiện thuận lợi để đưa máy móc, trang thiết bị vào hoạt động sản xuất nông nghiệp, tiến độ dồn điền đổi thửa cũng đã đạt 80%.

Tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng quy mô lớn

Để có thể phát huy tối đa lợi thế sẵn có của Tỉnh trong phát triển nông nghiệp, trong thời gian tới, Hà Nam cần tập trung vào những mũi nhọn đột phá, tận dụng hết điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp trình độ cao, chất lượng cao, gắn với chế biến, xuất khẩu; huy động tối đa nguồn lực trong dân, trong xã hội cho đầu tư phát triển. Bên cạnh đó, Hà Nam cần chú trọng liên kết vùng, liên kết với các khu vực khác trong cả nước, liên kết để bổ sung thế mạnh cho các địa phương bạn, đồng thời khắc phục những mặt còn hạn chế của tỉnh.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hà Nam cũng đã định hướng, Hà Nam cần tập trung tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, giá trị gia tăng cao, bền vững. Theo đó, tổ chức sản xuất theo hướng phát triển mô hình liên kết trong sản xuất gắn với ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm, liên kết tự nguyện giữa nông dân với nông dân, nông dân với hợp tác xã, với doanh nghiệp. Trong đó, doanh nghiệp đóng vai trò quyết định trong việc tìm đầu ra, đặt hàng sản xuất, xây dựng thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm sản xuất ổn định, bền vững.

Ngoài ra, Hà Nam cũng cần huy động mọi nguồn lực nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xác định đây là nhiệm vụ chính trị, thường xuyên, lâu dài, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn; làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, để người dân hiểu đây là việc của dân, do dân và vì dân, từ đó người dân sẽ chủ động và tự nguyện tham gia Chương trình. Phấn đấu hết năm 2015 toàn tỉnh Hà Nam đạt trên 25% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.