Phát triển bền vững kinh tế trang trại ở Tam Điệp, Ninh Bình
Thành phố Tam Điệp (tỉnh Ninh Bình) là vùng bán sơn địa, có địa hình đa dạng. Với những lợi thế về đất đai, khí hậu, Tam Điệp có điều kiện phát triển kinh tế trang trại.
Thành phố hiện có 33 trang trại đạt chuẩn theo Thông tư 27 của Bộ Nông nghiệp & PTNT và 112 gia trại. Trong số 33 trang trại đã được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại, có 12 trang trại chăn nuôi, 2 trang trại nuôi trồng thủy sản và 19 trang trại tổng hợp. Tổng diện tích của các trang trại là 156 ha. Năm 2014, doanh thu từ các trang trại đạt trên 42 tỷ đồng, bình quân mỗi trang trại đạt doanh thu trên 1,2 tỷ đồng/năm. Những năm qua, thành phố đã có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ vốn, tạo điều kiện về quỹ đất, chuyển giao tiến bộ KHKT để người dân địa phương phát triển kinh tế gia trại, trang trại.…
Để kinh tế trang trại phát triển hiệu quả và bền vững, cùng với các chính sách của Nhà nước và sự nỗ lực vươn lên, dám nghĩ, dám làm của các chủ trang trại, trong giai đoạn 2015- 2020, Tam Điệp xác định: Phát triển kinh tế trang trại, kinh tế vườn đồi là khâu đột phá trong phát triển kinh tế nông nghiệp và tập trung nhiều giải pháp để kinh tế trang trại phát triển bền vững, góp phần nâng cao giá trị ngành sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản.
Thời gian tới, thành phố từng bước định hướng phát triển các loại hình trang trại, định hướng cho các trang trại trong việc trồng cây gì, nuôi con gì để đạt hiệu quả kinh tế cao, nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm nông sản trên thị trường, không để các trang trại phát triển tự phát như trước. Đồng thời tiến tới quy hoạch lại các trang trại theo hướng tập trung, chuyên sâu, phát triển theo vùng, miền.
Theo đó, trang trại nuôi trồng thủy sản kết hợp cấy lúa được quy hoạch phát triển tập trung ở xã Yên Sơn, phường Yên Bình; trang trại tổng hợp tập trung ở các xã Đông Sơn, Quang Sơn, phường Nam Sơn; trang trại chăn nuôi tập trung ở xã Đông Sơn, Yên Sơn…