Hà Nội lại vào mùa ô nhiễm không khí


Chỉ số ô nhiễm không khí tại Hà Nội và một số địa phương những ngày qua ở mức xấu, có hại cho sức khỏe người dân và cần hạn chế các hoạt động ngoài trời.

Ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở Hà Nội trở thành vấn đề nóng nhiều năm nay. Ảnh: Mạnh Quân.
Ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở Hà Nội trở thành vấn đề nóng nhiều năm nay. Ảnh: Mạnh Quân.

Liên tiếp "đội sổ"

Những ngày qua, mức độ ô nhiễm không khí Hà Nội liên tục đứng ở top báo động, phần lớn các điểm đo cho thấy, chất lượng không khí ở ngưỡng đỏ.

Cụ thể, sáng nay 8/10, theo ứng dụng PAM Air (Mạng lưới quan trắc môi trường không khí độc lập đầu tiên phủ rộng tại 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam, do Công ty Cổ phần tư vấn và tích hợp công nghệ D&L quản lý).

Cùng với gió Đông Bắc, sương mù khiến độ ẩm cao, chất lượng không khí nhiều khu vực của Thủ đô Hà Nội tiếp tục ở mức có hại cho sức khỏe và không tốt cho nhóm nhạy cảm.

Kết quả đo của ứng dụng này cho thấy, Hà Nội có 2 điểm màu đỏ (chỉ số ô nhiễm không khí từ 154 - 158), mức có hại cho sức khỏe.

Cụ thể, các điểm đo tại: Cụm chung cư Văn phòng Quốc hội (quận Nam Từ Liêm) chỉ số ô nhiễm không khí ở mức 158; Thị trấn Đông Anh (huyện Đông Anh) là 154.

Ngoài ra, Hà Nội còn có 4 điểm màu nâu (chỉ số ô nhiễm không khí từ 105 -140), mức không tốt cho nhóm nhạy cảm. Điển hình các điểm đo tại: Chùa Láng (quận Đống Đa) chỉ số ô nhiễm không khí ở mức 129;  Đội Cấn (quận Ba Đình) là 140… 

Ngày hôm qua (7/10), chỉ số ô nhiễm tại nhiều khu vực ở Hà Nội cũng nằm trong mức nguy hiểm, chỉ số bụi mịn cao gấp 16 lần khuyến nghị của WHO, ở mức "có hại sức khỏe".

Theo AirVisual (Tổ chức đo chất lượng không khí thế giới), chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại Hà Nội sáng 7/10 vượt ngưỡng đỏ, trên 150. Khoảng 12h, AQI vượt lên 206, rất nguy hiểm (0 - 50 là chỉ số tốt). Đây là mức ô nhiễm có hại cho sức khỏe người dân và cần hạn chế các hoạt động ngoài trời.

Trong buổi sáng, nồng độ bụi mịn PM2.5 (hạt bụi có kích thước bằng 1/30 sợi tóc) tại Hà Nội cao gấp 16 lần giá trị theo hướng dẫn về chất lượng không khí hàng năm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Đến 12h, nồng độ PM2.5 là 130,3 µg/m³, cao gấp 26 lần (mức tím, rất không tốt cho sức khỏe). Đây là ngày mức độ nhiễm bụi mịn mức cao nhất trong 4 ngày từ 4 - 7/10. Nồng độ bụi mịn PM10 cũng đạt mức cao nhất là 119,5 µg/m3.

Đến hẹn lại lên

Đây cũng không phải lần đầu tiên Hà Nội lọt vào top ô nhiễm thế giới mà những năm gần đây, tại Hà Nội và nhiều địa phương khác của Việt Nam cứ đến mùa Thu - Đông chất lượng không khí lại ô nhiễm ở ngưỡng nghiêm trọng.

Ở một số thời điểm, chất lượng không khí vượt ngưỡng 300 theo chỉ số AQI (rất nguy hại) và nhiều thời điểm ô nhiễm nghiêm trọng nhất thế giới.

TS. Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho biết, mấy năm gần đây, ô nhiễm không khí ở nhiều tỉnh, thành ở phía Bắc, trong đó có Hà Nội diễn biến xấu.

Theo ông Tùng, chất lượng không khí xấu, trong đó có bụi mịn PM2.5 ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe. Những người khỏe mạnh có thể khó cảm nhận ngay, nhưng theo thời gian sẽ ảnh hưởng đến đường hô hấp và nhiều cơ quan khác của con người.

"Do bụi mịn PM2.5 kích thước chỉ nhỏ bằng 1/30 sợi tóc, vì quá nhỏ nên phòng chống rất khó. Bụi mịn PM2.5 thường bay lơ lửng trong không khí, có thời gian lắng xuống, nhưng chỉ cần một đợt gió sẽ bay lên cao, khi có mưa bụi mịn PM2.5 mới được rửa trôi", ông Tùng nói.

Theo ông Tùng, "mùa" ô nhiễm không khí chủ yếu diễn ra vào mùa đông (từ tháng 10 năm trước đến hết tháng 4 năm sau).

Bước vào mùa nắng nóng, có nhiều mưa rào, gió mạnh, bụi mịn PM2.5 phát tán yếu, chất lượng không khí sẽ dần được cải thiện.

Theo Anh Thư/kinhtemoitruong.vn