Hà Nội phấn đấu giảm tỷ lệ sử dụng bao bì khó phân hủy đạt từ 50-65%
Nhằm bảo đảm tính bền vững của hệ sinh thái tất cả các khâu trong vòng đời sản phẩm, Hà Nội phấn đấu giảm tỷ lệ sử dụng bao bì khó phân hủy tại các chợ dân sinh và các siêu thị, trung tâm siêu thị đạt từ 50-65%.
Đây là nội dung trong Kế hoạch số 206/KH-UBND của UBND TP. Hà Nội vừa ban hành, nhằm thực hiện Chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững TP. Hà Nội giai đoạn 2020.
Cụ thể, Hà Nội phấn đấu tỷ lệ đóng góp của các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp môi trường, tái chế chất thải trong tổng sản phảm quốc nội (GDP) đạt từ 42-45%; Phấn đấu khoảng 50% các doanh nghiệp trong lĩnh vực phân phối có nhận thức, được hướng dẫn, áp dụng các giải pháp về sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng; Giảm tỷ lệ sử dụng bao bì khó phân hủy tại các chợ dân sinh và các siêu thị, trung tâm thương mại đạt từ 50-65%; Tỷ lệ các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp áp dụng đổi mới công nghệ theo hướng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường đạt từ 60-70%.
Góp phần đạt chỉ tiêu quốc gia, phấn đấu tỷ lệ chất thải được tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng hoặc sản xuất phân hữu cơ đối với chất thải được thu gom đối với: chất thải rắn sinh hoạt đô thị đạt 85%, chất thải rắn công nghiệp đạt 75%, chất thải rắn xây dựng đạt 50%.
Đặc biệt, phấn đấu 100% các doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn trên địa bàn thành phố ứng dụng hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc, minh bạch thông tin của người tiêu dùng...
Việc thực hiện Kế hoạch này nhằm thúc đẩy hành động sản xuất và tiêu dùng bền vững nhằm đảm bảo phát triển nhanh, hiệu quả. Thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững theo hướng tiếp cận vòng đời sản phẩm, đẩy mạnh liên kết trong các khâu của vòng đời sản phẩm. Ứng dụng đổi mới trang thiết bị công nghệ, quy trình quản lý. Hình thành mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững nhằm sử dụng có hiệu quả tài nguyên, giảm thiểu phát sinh chất thải và ô nhiễm môi trường. Thay đổi hành vi người tiêu dùng trong quá trình mua sắm, sử dụng và thải bỏ sản phẩm.
Các nội dụng được thực hiện bao gồm nâng cao nhận thức về sản xuất và tiêu dùng bền vững; phát triển hệ thống phân phối bền vững của các doanh nghiệp phân phối; giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng chất thải.
Sở Công Thương Hà Nội sẽ là đơn vị chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, UBND các quận huyện thị xã và các đơn vị, tổ chức liên quan xây dựng, triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững TP. Hà Nội giai đoạn đến năm 2020. Chủ trì, đôn đốc, giám sát, kiểm tra hoạt động triển khai, kết quả của từng nhiệm vụ, báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch từng năm và cả giai đoạn….
Sở Công thương Hà Nội sẽ làm đầu mối phối hợp với Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững của Bộ Công Thương thực hiện có hiệu quả chương trình liên kết công nghiệp, phân phối, thương mại và tiêu dùng bền vững hàng năm giữa TP. Hà Nội và các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, thành phố duy trì, phát triển hệ thống điện tử sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm trên địa bàn TP. Hà Nội giai đoạn 2018-2020 theo Kế hoạch số 02/KH-UBND ngày 03/1/2018 của UBND TP. Hà Nội.