Hà Nội siết quản lý, sử dụng nhà ở xã hội
Sở Xây dựng Hà Nội đề nghị các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố bảo đảm công tác xét duyệt đúng đối tượng và đủ điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội.
Sở Xây dựng Hà Nội vừa ban hành Văn bản số 736/SXD-PTĐT về việc thực hiện chuyên đề “Giải pháp đẩy mạnh công tác quản lý, sử dụng nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021- 2025”.
Sở Xây dựng Hà Nội đề nghị các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố bảo đảm công tác xét duyệt đúng đối tượng và đủ điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, trình tự thủ tục theo quy định.
Sau khi ký hợp đồng bán, cho thuê ở xã hội, chủ đầu tư có trách nhiệm lập đầy đủ danh sách các hộ gia đình, cá nhân đã ký hợp đồng tại dự án, có dán ảnh các thành viên trong hộ gia đình; đồng thời ban hành quy chế phối hợp giữa chủ đầu tư và chính quyền địa phương, đơn vị quản lý vận hành, công an theo dõi địa bàn về nhân khẩu, tạm trú, tạm vắng đối với các hộ dân sinh sống trong nhà chung cư để tổ chức kiểm tra, theo dõi.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, giai đoạn 2016-2020, đã có 12.659 căn hộ nhà ở xã hội tại 23 dự án được xét duyệt bán, cho thuê, tương đương khoảng hơn 1,2 triệu m2 sàn nhà ở. Việc xét duyệt cơ bản được thực hiện đúng trình tự, thủ tục.
Tuy nhiên, theo UBND TP. Hà Nội, qua kiểm tra, giám sát việc sử dụng nhà ở xã hội, Sở Xây dựng và UBND các quận, huyện đã phát hiện và xử lý một số trường hợp các đối tượng mua, thuê nhà ở xã hội sử dụng không đúng mục đích như: Cải tạo đập thông 2 căn hộ để mở rộng diện tích, cho ở nhờ, cho thuê lại hoặc không sử dụng.
Một số dự án nhà ở xã hội được UBND TP. Hà Nội “nhắc tên” như dự án nhà ở xã hội tại ngõ 622 phố Minh Khai có 57 trường hợp không sử dụng; khu nhà ở xã hội tại ô đất CC-1 khu đô thị Quốc Oai có 65 trường hợp; khu nhà ở cho người thu nhập thấp Ecohome 2 có 158 trường hợp; khu nhà ở cho người thu nhập thấp Ecohome 1 có 200 trường hợp.
Nguyên nhân của những tồn tại trên theo Sở Xây dựng Hà Nội, các chủ đầu tư dự án, UBND các quận, huyện - nơi có nhà ở xã hội và các bên liên quan chưa thực hiện tốt việc giám sát sử dụng nhà ở xã hội; chưa quan tâm đến việc kiểm tra, lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý, sử dụng nhà ở chung cư theo quy định.
Tại một số dự án nhà ở xã hội, người có nhu cầu mua dù đã đủ tiêu chuẩn nhưng để “chắc chân” thường được các đối tượng môi giới yêu cầu nộp số tiền chênh ngoài hợp đồng từ 70-100 triệu đồng/hồ sơ.
Một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên theo Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa - Công ty Luật TNHH LSX, hiện chưa có quy định cụ thể về việc sau khi hoàn thành việc bốc thăm, mở bán bao lâu thì chủ đầu tư phải chuyển danh sách dự kiến ký hợp đồng mua bán lên Sở Xây dựng.
TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, để xử lý hiện tượng một số môi giới bán nhà ở xã hội dù không có thỏa thuận với CĐT để chiếm đoạt tiền cọc hay việc thu chênh, rao bán suất mua nhà ở xã hội… các cơ quan cần tăng cường kiểm soát hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản. Hiện nay, vẫn còn nhiều sàn “ngoài luồng” không đăng ký với Sở xây dựng các địa phương cũng như môi giới không có chứng chỉ hành nghề theo quy định.
"Đối với các sàn, môi giới có hành vi làm việc không đúng quy định pháp luật cần kiên quyết xử lý, không cho phép hoạt động. Đối với môi giới bất động sản vi phạm quy định trên sẽ bị thu hồi thẻ hành nghề và cấm hoạt động trong một thời hạn" - ông Đính khẳng định.
UBND TP. Hà Nội đã ban hành chuyên đề "Giải pháp đẩy mạnh công tác quản lý, sử dụng nhà ở xã hội trên địa bàn TP. Hà Nội giai đoạn 2021- 2025".
Chuyên đề nhằm triển khai Chương trình số 10-CTr/TU của Thành ủy về "Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021- 2025". Trong đó, thành phố xác định 5 giải pháp cụ thể.
Một là, tăng cường giám sát khi xét duyệt đối tượng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội.
Hai là, tăng cường phối hợp giữa các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã với Sở Xây dựng nhằm kiểm tra danh sách các đối tượng được giải quyết mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, xác định đúng đối tượng được hỗ trợ về nhà ở xã hội.
Ba là, tăng cường giám sát sử dụng nhà ở xã hội. Theo đó, UBND các quận, huyện, thị xã; UBND các xã, phường, thị trấn nơi có nhà ở xã hội và các chủ đầu tư nhà ở xã hội thực hiện đúng, đầy đủ nội dung quy định về giám sát đối tượng sau khi được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội. Công an thành phố chỉ đạo công an quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn nơi có nhà ở xã hội thông qua quản lý nhân, hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng để theo dõi những hộ, nhân khẩu đang cư trú thực tế; nắm bắt việc thay đổi nhân khẩu, hộ gia đình và xác định các trường hợp bán lại, cho thuê lại, cho ở nhờ, không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích.
Bốn là, tăng cường công tác quản lý, vận hành, bảo hành, bảo trì nhà ở xã hội theo quy định.
Năm là, tiếp tục tăng cường công tác quản lý chất lượng nhà ở xã hội thông qua hướng dẫn các văn bản quy phạm pháp luật; kiểm tra quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh lao động tại các công trình đang thi công.