Hà Nội: Triển khai mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý thuế

Theo: thoibaotaichinhvietnam.vn

Thực hiện chủ trương của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và Kế hoạch của UBND TP.Hà Nội về cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa ngành Thuế, Cục Thuế TP. Hà Nội đã triển khai mạnh mẽ các ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác quản lý thuế.

Bà Ngô Thị Thanh Hằng (phải), Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội cùng đoàn công tác kiểm tra công tác cải cách thủ tục hành chính tại Cục Thuế TP. Hà Nội. Ảnh: NM.
Bà Ngô Thị Thanh Hằng (phải), Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội cùng đoàn công tác kiểm tra công tác cải cách thủ tục hành chính tại Cục Thuế TP. Hà Nội. Ảnh: NM.

Triển khai đồng loạt các dịch vụ điện tử

Với mục tiêu đẩy mạnh triển khai các dịch vụ thuế điện tử, qua đó giúp giảm chi phí tài chính, tiết kiệm thời gian cho doanh nghiệp, người nộp thuế trong việc in, phát hành, gửi và lưu trữ về tờ khai, chứng từ, hóa đơn giấy, Cục Thuế Hà Nội đã triển khai nhiều ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý thuế.

Theo đó, Cục Thuế Hà Nội đã duy trì chất lượng, hiệu quả khai thuế qua mạng. Báo cáo cho thấy, hiện có trên 98% doanh nghiệp kê khai thuế qua mạng (chiếm 21,2% tổng số doanh nghiệp nộp hồ sơ khai thuế qua mạng của cả nước).

Về triển khai hệ thống cấp mã số doanh nghiệp tự động, cục thuế đã vận hành ổn định, liên tục 24/24h; số lượng cấp mã số thuế mới qua hệ thống đạt 99%; thời gian cấp mã được rút ngắn bình quân 30 phút/1 giao dịch, giảm 87.5% lượng thời gian so với quy định là 4 giờ làm việc.

Về hoàn thuế điện tử, Cục Thuế Hà Nội đã tổ chức tập huấn cho hơn 600 doanh nghiệp, tuyên truyền sâu rộng, cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin về việc triển khai, những tiện ích khi triển khai hoàn thuế điện tử trên website của cục thuế và trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Thống kê của Cục Thuế Hà Nội cho thấy, đến 31/8 đã có 1.074 hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) hoàn thuế điện tử của gồm 493 doanh nghiệp. Trong đó, Văn phòng cục thuế 195 doanh nghiệp, chi cục thuế 298 doanh nghiệp.

Về nộp thuế điện tử, tính đến 31/8 đã có 134.806 đơn vị đăng ký nộp thuế điện tử (đạt tỷ lệ 95,6% số doanh nghiệp đang hoạt động), 96% tiền thuế nộp theo phương thức điện tử, qua đó đã giảm thời gian, chi phí cho người nộp thuế và cho cả cơ quan thuế trong kê khai, nộp thuế.

Cục Thuế Hà Nội cho biết, ngoài việc triển khai các ứng dụng CNTT để phục vụ cộng đồng doanh nghiệp, cục thuế cũng triển khai việc kê khai và nộp thuế điện tử lệ phí trước bạ ô tô, xe máy tại 30 chi cục thuế. Hỗ trợ tính lệ phí thu trước bạ, đảm bảo tính minh bạch, kết nối trao đổi thông tin giữa cơ quan thuế và Kho bạc Nhà nước.

Báo cáo của Cục Thuế Hà Nội cho thấy, trong 8 tháng đầu năm 2018 đã có trên 119.000 hồ sơ nhà đất, 140.000 hồ sơ phương tiện được nhập và theo dõi trên hệ thống.

Ngoài ra, Cục Thuế Hà Nội cũng phối hợp với Tổng cục Thuế vận hành thử nghiệm ứng dụng khai thuế GTGT, thuế thu nhập cá nhân (TNCN) điện tử đối với hoạt động cho thuê nhà của cá nhân. Đến hết tháng 8/2018 đã có gần 41.000 tờ khai được nộp bằng hình thức điện tử.

Ứng dụng CNTT phục vụ hoạt động nội bộ

Thực hiện chủ trương của Tổng cục Thuế, từ năm 2015, Cục Thuế Hà Nội đã triển khai hệ thống quản lý thuế tập trung (TMS) thay thế 16 ứng dụng đang vận hành. Ứng dụng này đã đảm bảo việc quản lý cơ sở dữ liệu về thuế một cách đồng bộ, thống nhất của 31 cơ quan thuế với trên 150.000 doanh nghiệp, 170 hộ cá nhân kinh doanh, trên 2 triệu mã số thuế cá nhân…

Cục Thuế Hà Nội cũng đã đưa các ứng dụng CNTT vào việc hỗ trợ, giám sát công tác thanh kiểm tra. Cụ thể là xây dựng cơ sở dữ liệu doanh nghiệp, hỗ trợ, chuẩn hóa công tác phân tích, lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra trên nguyên tắc phân tích đánh giá rủi ro, đảm bảo tính công bằng trong công tác thanh kiểm tra.

Trao đổi thông tin với người nộp thuế qua hòm thư tự động

- Hệ thống trao đổi thông tin tự động ASM có tích hợp chữ ký số hỗ trợ trao đổi thông tin giữa cơ quan thuế với người nộp thuế bằng phương thức điện tử nhằm giảm bớt thủ tục, thời gian của người nộp thuế, đồng thời giảm thiểu rủi ro khi tiếp xúc trực tiếp với người nộp thuế.

- Đây là kênh thông tin hữu hiệu giúp cơ quan thuế và người nộp thuế truyền tải, tiếp nhận, phản hồi thông tin đồng loạt trên diện rộng (hàng trăm ngàn email) một cách chính xác nhanh chóng, đúng đối tượng; thời gian xử lý và thông báo kết quả được tính bằng phút.

- Trong 8 tháng đầu năm 2018, Cục Thuế Hà Nội đã gửi 951.326 email trao đổi tới người nộp thuế trên địa bàn. 

Đồng thời, đơn vị cũng thực hiện theo dõi, cập nhật, tổng hợp, báo cáo, đánh giá kết quả công tác thanh tra, kiểm tra thuế đối với doanh nghiệp. Cung cấp thông tin phục vụ cho việc chỉ đạo, điều hành công tác thanh kiểm tra; nâng cao hiệu quả giám sát chất lượng công tác thanh tra kiểm tra.

Cục thuế cũng đưa ứng dụng quản lý ấn chỉ vào áp dụng từ năm 2006, ứng dụng đã cơ bản đáp ứng công tác quản lý ấn chỉ, đáp ứng các quy định của pháp luật về biên lai phí, lệ phí; các quy định về cấp, bán lẻ hóa đơn mới được ban hành.

Cùng với việc vận hành các ứng dụng quản lý người nộp thuế, Cục Thuế Hà Nội cũng đã bước đầu triển khai các ứng dụng quản trị công việc, lưu trữ điện tử, ứng dụng quản lý lương, ứng dụng quản lý tài sản…

Hiện hệ thống giao ban và đào tạo trực tuyến đã được triển khai từ năm 2016, qua đó đã giúp giảm thiểu thời gian đi lại, chi phí hội họp, tăng hiệu quả chỉ đạo điều hành xuyên suốt, thống nhất, đồng bộ tới gần 4.000 cán bộ công chức thuộc 24 phòng và 30 chi cục thuế.

Cục Thuế Hà Nội cho biết, trên cơ sở kết quả đã đạt được, sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT, xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, đẩy mạnh cải cách, tạo thuận lợi tối đa cho người nộp thuế, nâng cao hiệu quả công tác thuế, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thu NSNN trên địa bàn.

Cũng nhờ đưa các ứng dụng CNTT vào công tác quản trị nội bộ, đã góp phần cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), giữ vững vị trí top 2 về chỉ số cải cách hành chính PAR Index, phục vụ mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh của Thủ đô Hà Nội.