Hai bước đột phá trong cải cách hệ thống chính sách thuế giai đoạn 1990-2000
Trước yêu cầu đổi mới của đất nước, nền kinh tế nhiều thành phần ra đời và phát triển không ngừng, hệ thống chính sách thuế và thu trong khu vực quốc doanh thập niên cuối cùng của thế kỷ XX đã bộc lộ nhiều nhược điểm. Trước tình hình đó, Nhà nước đã tập trung cải cách hệ thống thuế theo 2 bước đột phá nhằm xác lập một hệ thống thuế mới trở thành công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô hữu hiệu theo mô hình nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Cải cách thuế bước I giai đoạn 1990 - 1996
Việc cải cách thuế đầu tiên, thường được gọi là Cải cách thuế bước I, diễn ra trong thời kỳ 1990 - 1996. Mục tiêu cơ bản, xuyên suốt và bao trùm của cải cách thuế giai đoạn này là xây dựng hệ thống thuế thống nhất, áp dụng chung, bình đẳng đối với mọi thành phần kinh tế, không phân biệt kinh tế quốc doanh và ngoài quốc doanh, nhằm khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất - kinh doanh.
Ngày 12/1/1989, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng có Quyết định số 05-CT thành lập “Tổ chỉ đạo soạn thảo dự án luật mới về các loại thuế” thể hiện sự coi trọng đặc biệt của Đảng và Nhà nước với đợt cải cách hệ thống thuế lần này. Không chỉ thực hiện sát sao việc nghiên cứu, các bước triển khai được tiến hành khẩn trương, thận trọng với sự tham gia tích cực của nhiều chuyên gia các Bộ, ngành.
Để tranh thủ sự tham gia rộng rãi của các tầng lớp nhân dân, mọi dự án thuế đều được thông báo công khai, đồng thời Ban soạn thảo luôn tiếp thu các ý kiến đóng góp, trước khi hoàn chỉnh trình Chính phủ, Hội đồng Nhà nước và Quốc hội xem xét, phê duyệt. Ngoài ra, hệ thống chính sách thuế thời kỳ này còn tranh thủ được sự quan tâm đóng góp nhiệt tình của nhiều tổ chức tài chính, chuyên gia nước ngoài, cộng đồng quốc tế (Chương trình phát triển của Liên hợp quốc, Thụy Điển, Pháp, Anh…).
Một số sắc thuế ban hành thời kỳ cải cách thuế bước I như: Thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài; Thuế doanh thu; Thuế tiêu thụ đặc biệt; Thuế lợi tức; Thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao; Thuế tài nguyên; Thuế xuất nhập khẩu; Thuế nhà đất; Thuế sử dụng đất nông nghiệp; Thuế môn bài...
Trong đó, thuế doanh thu thời kỳ này để thay thế chế độ thu quốc doanh và một số loại thuế (trong khu vực kinh tế ngoài quốc doanh) như thuế doanh nghiệp, thuế buôn chuyến, thuế muối, thuế hàng hóa đối với một số cơ sở sản xuất trước đây thuộc diện nộp thuế hàng hóa nay không phải nộp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB). Thuế doanh thu được áp dụng thống nhất chung đối với các hoạt động sản xuất - kinh doanh, dịch vụ thuộc mọi thành phần kinh tế, bao gồm cả quốc doanh và ngoài quốc doanh.
Về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu được Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa VIII, thông qua ngày 26/12/1991, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/1992. Do quá trình xây dựng khung thuế, biểu thuế mất nhiều thời gian nên Hội đồng Nhà nước đã cho phép hoãn thi hành đến ngày 1/4/1992. Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu được ban hành thay thế Luật thuế xuất nhập khẩu hàng mậu dịch cũ và Điều 32 Luật Thuế TTĐB đối với hàng xuất nhập khẩu phi mậu dịch, để áp dụng thống nhất với mọi hoạt động xuất nhập khẩu mậu dịch và phi mậu dịch.
Về thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao, căn cứ Nghị quyết Quốc hội khóa VIII, kỳ họp thứ 6 ngày 28/12/1989 về việc ủy quyền cho Hội đồng Nhà nước quy định một số thuế mới bằng hình thức pháp lệnh. Ngày 4/9/1990, Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước đã công bố dự thảo Pháp lệnh thuế thu nhập, lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân trước khi ban hành. Ngày 27/12/1990, Hội đồng Nhà nước đã ban hành Pháp lệnh thuế thu nhập có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/1991 nhằm động viên một phần thu nhập của người có thu nhập cao...
Trải qua 6 năm thực hiện, việc cải cách thuế bước I đã xây dựng được một hệ thống chính sách thuế gồm 9 sắc thuế và một số loại phí, lệ phí. Hệ thống thuế này đã giúp thu NSNN tăng nhanh qua các năm, đáp ứng cơ bản yêu cầu chi thường xuyên ngày càng tăng của Nhà nước; tỷ lệ bội chi giảm, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định giá cả, điều tiết vĩ mô nền kinh tế. Đồng thời, từng bước tạo được môi trường bình đẳng, thúc đẩy sự cạnh tranh và phát triển của nền kinh tế nhiều thành phần, góp phần mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế với các nước trong khu vực và thế giới.
Cải cách thuế bước II giai đoạn 1996 - 2000
Sau cải cách thuế bước I, thời kỳ 1996 - 2000, với nhiệm vụ và yêu cầu thực tiễn của phát triển kinh tế, hệ thống chính sách thuế đã bộc lộ một số khiếm khuyết như: Các sắc thuế phải đảm nhiệm đồng thời quá nhiều chức năng kinh tế - xã hội, dẫn tới hình thành một hệ thống thuế quá phức tạp; việc tính thuế, thu thuế, kiểm tra thực hiện các luật thuế gây khó khăn cho cả người đóng thuế và người thu thuế; tình trang buôn lậu, trốn thuế nghiêm trọng...
Trong bối cảnh đó, tháng 6/1996, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII đã đề ra phương hướng đổi mới công tác thuế, đó là: “Tiếp tục đổi mới chính sách thuế theo hướng vừa bảo đảm nguồn thu cho NSNN, vừa khuyến khích sản xuất - kinh doanh và thúc đẩy thực hành tiết kiệm trong sản xuất và tiêu dùng để tăng tích lũy. Đơn giản hóa hệ thống thuế và biểu thuế suất; nâng tính ổn định của thuế, áp dụng thuế giá trị gia tăng (GTGT) thay cho thuế doanh thu; bổ sung thuế và phí sử dụng tài nguyên thiên nhiên không tái tạo… Tách thuế nhập khẩu, không nhập làm một với thuế doanh thu (hoặc thuế GTGT) và thuế TTĐB, thu hẹp biểu thuế suất và giảm dần mức thuế nhập khẩu”.
Như vậy, mục tiêu của cải cách thuế bước II là xây dựng một hệ thống thuế đơn giản hơn với hai yêu cầu cơ bản là ít thuế suất và khắc phục tình trạng thu thuế chồng chéo và từng bước tiếp cận với thông lệ quốc tế. Mở đầu cho cải cách thuế bước II, ngày 10/5/1997, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa IX đã thông qua Luật Thuế GTGT thay cho Thuế doanh thu và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) thay cho Luật Thuế lợi tức, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/1999.
Đây là hai luật thuế cơ bản, điển hình cho thuế gián thu và thuế trực thu. Phạm vi điều chỉnh của hai sắc thuế này khá rộng, tác động đến nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, có thể coi việc ban hành hai luật thuế nêu trên là việc làm đột phá quan trọng nhất của cải cách thuế bước II.
Qua thời gian thực hiện cải cách hệ thống chính sách thuế bước II, tuy gặp rất nhiều khó khăn, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ và được sự hưởng ứng nhiệt tình của mọi tầng lớp nhân dân, các đối tượng nộp thuế, các luật thuế mới, đặc biệt Luật thuế GTGT, Luật thuế TNDN đã từng bước đi vào cuộc sống một cách thuận lợi, đạt được những thành công bước đầu đáng khích lệ. Công tác quản lý thuế được tăng cường, mở rộng diện áp dụng có hiệu quả qua hệ thống công nghệ thông tin. Tổ chức công tác thu thuế cũng đuợc cải tiến theo hướng doanh nghiệp tư nhân tự nộp thuế theo phương pháp tự kê khai.
Thực hiện đường lối đổi mới toàn diện của Đảng, trong đó có chính sách mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, trong lĩnh vực thuế, Việt Nam đã tổ chức, triển khai ký Hiệp định tránh đánh thuế hai lần với các nước. Từ năm 1993 đến tháng 5/2000, Việt Nam đã ký 35 Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, trong đó có 32 Hiệp định đã có hiệu lực thi hành. Đây là nội dung cơ bản đầu tiên để hình thành những định chế về thuế quốc tế ở Việt Nam.
Như vậy, trong giai đoạn này, song song với việc xây dựng một hệ thống chính sách thuế, đáp ứng những yêu cầu về thu ngân sách phù hợp với tình hình phát triển mới của nền kinh tế đất nước, các hiệp định tránh đánh thuế hai lần ký giữa Việt Nam và các nước đã trở thành một bộ phận của pháp luật về thuế, góp phần vào điều chỉnh các hoạt động kinh tế và đầu tư nước ngoài tại Việt Nam dưới giác độ thuế. Ngoài ra, các hiệp định còn có vai trò định hướng cho việc xây dựng và hoàn thiện các luật thuế theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế, đáp ứng được yêu cầu mở rộng quan hệ hợp tác với các nước, thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Có thể nói, kết quả cải cách hệ thống chính sách thuế đã đáp ứng được những yêu cầu về kích thích sản xuất trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu, bao quát mở rộng nguồn thu, đảm bảo sự đóng góp công bằng, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế và từng bước hoà nhập với thông lệ quốc tế. Thuế thực sự từng bước trở thành công cụ điều tiết vĩ mô nền kinh tế, tạo nguồn thu bền vững cho NSNN. Bởi vậy, thu ngân sách trong nước tăng nhanh, bình quân giai đoạn 1996 - 2000 tăng mỗi năm 10%, đáp ứng yêu cầu chi tiêu cho phát triển, ổn định kinh tế vĩ mô.