Hai đòn bẩy kinh tế EU trong tương lai


Báo cáo của EC về Năng lực cạnh tranh và Thị trường chung 2024 nêu bật tầm quan trọng của việc áp dụng kỹ thuật số và tính bền vững trong nền kinh tế tương lai.

Chuyển đổi số được xác định là một động lực tăng trưởng kinh tế tương lai của EU
Chuyển đổi số được xác định là một động lực tăng trưởng kinh tế tương lai của EU

Kể từ khi thành lập năm 1993, thị trường chung châu Âu đã đảm bảo rằng nền kinh tế EU có thể tiếp cận các nguồn cung đa dạng, nguồn cầu rộng rãi và một số cơ hội để mở rộng sản xuất và đổi mới. Tuy nhiên, theo đánh giá của Ủy ban Châu Âu (EC), một loạt các thách thức từ nội tại cho tới bên ngoài đang đe dọa tới năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp và nền kinh tế châu Âu nói chung.

Những vấn đề đó mới đây được EC nêu ra trong báo cáo Thị trường chung và Năng lực cạnh tranh thường niên năm 2024. Bên cạnh việc chỉ ra các mục tiêu, thách thức và lợi thế của thị trường chung Châu Âu trong năm qua, báo cáo này đã nêu bật 9 động lực cạnh tranh của thị trường chung, cũng như những tiến bộ hoặc trở ngại hàng năm mà những động lực này phải đối mặt cho đến nay.

Các mục tiêu thu hút sự chú ý

Một trong những vấn đề cốt lõi nhất với châu Âu là lĩnh vực công nghệ. Với một lượng dân số đang trong quá trình già hóa nhanh, khu vực kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang nhìn vào sự đổi mới về kỹ thuật số và tăng trưởng xanh như một động cơ chính. Trong bối cảnh đó, quá trình chuyển đổi số dường như vẫn chưa đi tới mục tiêu.

Theo Cơ quan Giám sát Hệ sinh thái Công nghiệp (EMI) Châu Âu, vào năm 2022 châu Âu chỉ có 69% doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) có mức “cường độ kỹ thuật số” cơ bản, vẫn thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu 90% của EU vào năm 2030.

Cường độ kỹ thuật số (Digital Intensity Index - DII) là chỉ số dựa trên 12 thông số kỹ thuật số được chọn, ví dụ như việc sử dụng AI, trang web, phương tiện truyền thông xã hội, quyền truy cập vào máy tính của nhân viên,... Trong đó, các công ty có cường độ kỹ thuật số cơ bản đáp ứng ít nhất 4 trong số 12 thông số đã chọn này, trong khi các công ty có cường độ kỹ thuật số cao đáp ứng từ 7 đến 9 tiêu chuẩn. Các doanh nghiệp có cường độ rất cao đáp ứng từ 10 đến 12 thông số.

Tuy nhiên, EMI lưu ý rằng 49% SMEs cho biết họ đang tăng tốc đầu tư vào công nghệ kỹ thuật số, bao gồm cả hàng không vũ trụ và quốc phòng. Các doanh nghiệp kinh doanh về công nghệ xanh và nông sản đang dẫn đầu trong lĩnh vực này.

Một số ngành dịch vụ như du lịch đang có khoảng cách về kỹ năng kỹ thuật số và kỹ năng xanh ngày một lớn dù nhu cầu chuyển đổi cao. Các lĩnh vực sáng tạo, văn hóa cũng như xây dựng là những ngành có nhu cầu đặc biệt cao về kỹ năng kỹ thuật số.

Các công ty kỹ thuật số trong lĩnh vực điện tử, di động và bán lẻ nhận được nhiều khoản đầu tư nhất từ các công ty đầu tư mạo hiểm và cổ phần tư nhân châu Âu vào năm 2021. Tuy nhiên, nguồn tài chính tư nhân vẫn khá chững lại ở EU, so với Mỹ, quốc gia có nhiều quy mô mở rộng hơn hơn châu Âu.

Nhiều thách thức phía trước

Báo cáo của EC nhấn mạnh khó khăn về vĩ mô đang đe dọa tới mục tiêu tăng trưởng của EU, từ đại dịch cho tới xung đột Nga-Ukraine đang diễn ra. Những giải pháp tức thời đã được đưa ra, bao gồm giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga, thiết lập các đối tác cung cấp đa dạng hơn, cũng như ưu tiên chuyển đổi số và xanh (chuyển đổi kép). Các mục tiêu khí hậu khác cũng được chú trọng hơn.

Tuy nhiên, những thách thức dai dẳng hơn dường như vẫn chưa có lời giải. Căng thẳng địa chính trị, rủi ro từ những tiến bộ công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), tình trạng thiếu lao động, lạm phát và lãi suất tăng cao tiếp tục là mối đe dọa đối với các mục tiêu này, theo EC. Bên cạnh đó, sự thống trị ngày càng tăng của Trung Quốc trong ngành công nghiệp xe điện (EV) và chất bán dẫn cũng là một mối đe dọa khác đối với tính bền vững của kinh tế châu Âu.

Điều kiện tài chính của EU cũng gặp khó khăn đáng kể trong năm ngoái, khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn đầu tư. Điều này chủ yếu là do lãi suất tăng cao cũng như việc thắt chặt các tiêu chuẩn về hạn mức tín dụng và các khoản vay mới. 

Bởi vậy, những tiến bộ mới được mong chờ từ EC và các bên liên quan nhằm cải thiện khả năng phục hồi của khối thương mại trong năm 2024. Đó có thể là việc tận dụng tối đa các lợi thế sẵn có của châu Âu về cơ sở hạ tầng, nghiên cứu, dịch vụ chất lượng cao, cơ sở sản xuất vượt trội và đi đầu trong phát triển công nghệ sạch. Những điều này được cho sẽ giúp ích rất nhiều trong việc giải quyết những thách thức trên, đặc biệt trong ngành xe điện và chất bán dẫn.

Ngoài ra, các biện pháp như Quỹ Phục hồi Bền vững (RRF), Quỹ Gắn kết và các chương trình tương tự của EU cũng được đánh giá góp phần quan trọng vào việc giúp thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh và kỹ thuật số ngay cả trong thời điểm vốn đầu tư thấp và niềm tin đang lung lay. 

Chưa kể, EC cũng đang lên kế hoạch mở rộng Liên minh Châu Âu trong chiến lược gia tăng phạm vi của thị trường chung, thể hiện qua việc thu hút các ứng cử viên mới hay cải thiện các hiệp định khu vực thương mại tự do với Moldova và Ukraine - được xem là những minh chứng cho nỗ lực của EU nhằm gia tăng năng lực cạnh tranh với Mỹ và các nền kinh tế lớn khác.

Theo Trường Đặng/Diendandoanhnghiep.vn