Hai giai đoạn phòng và chống rửa tiền

PV.

Xét về mặt thời gian, công tác phòng, chống rửa tiền gồm hai giai đoạn: giai đoạn phòng và giai đoạn chống. Mỗi giai đoạn nêu trên đều có vai trò nhất định của nó và có mối liên hệ chặt chẽ, khăng khít với nhau, bổ trợ cho nhau.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Công tác phòng ngừa hoạt động rửa tiền

Công tác phòng, chống rửa tiền phải lấy phòng ngừa là chính, vô hiệu hóa mọi kế hoạch không để bị động bất ngờ.Giai đoạn phòng ngừa thường “đi trước” và được thực hiện trước giai đoạn chống.

Công tác phòng ngừa hoạt động rửa tiền được thực hiện bởi “tiền tuyến”, tức là những người, theo chức năng, nhiệm vụ được phân công của các tổ chức, có trách nhiệm giao tiếp, tiếp xúc với các chủ thể có những nguồn tiền phạm tội (bao gồm cả những người có chủ ý và tìm mọi phương thức để rửa tiền và cả những người vô tình có hành vi rửa tiền mà không hề hay biết, do sự thiếu hiểu biết về pháp luật).

Nếu hiểu một cách chung nhất thì phòng ngừa hiệu quả hoạt động phòng, chống rửa tiền chính là những biện pháp được triển khai nhằm hạn chế lượng lớn tiền bẩn, không cho “xâm nhập” hay hòa trộn vào các loại nguồn vốn sạch khác trong nền kinh tế.

Giai đoạn chống rửa tiền

Giai đoạn chống được coi là giai đoạn sau của công tác phòng ngừa rửa tiền. Chống rửa tiền đồng nghĩa với việc xử lý khi tiền bẩn đã nằm trong các quy trình rửa tiền nhưng bị các cơ quan chức năng phát hiện. Việc xử lý chính là việc tiến hành các thủ tục điều tra, truy tố, xét xử tội phạm, buộc chúng phải chịu hình phạt thích đáng của pháp luật.

Các bước đi của giai đoạn này (bao gồm việc truy tìm, niêm phong, phong tỏa, tịch thu) cũng nhằm mục tiêu không cho tội phạm thụ hưởng những khoản thu do các hành vi phạm tội được chính người phạm tội nguồn hoặc người khác thực hiện tội phạm nguồn mang lại.

Công tác chống tội phạm rửa tiền sẽ là bước triệt để nhất tạo nên hiệu quả của công tác phòng, chống tội phạm rửa tiền. Công tác chống tội phạm rửa tiền sẽ mang lại sự công bằng cho xã hội, một mặt trừng trị thích đáng những người vi phạm pháp luật, mặt khác răn đe những kẻ có ý định thực hiện hành vi phạm tội.

Xét về mặt cơ chế, công tác phòng, chống rửa tiền đòi hỏi một hệ thống thống nhất từ Trung ương xuống địa phương, từ cơ quan quản lý đến các tổ chức, cá nhân chịu sự quản lý, từ các cơ quan lập pháp đến các cơ quan hành pháp và tư pháp, từ sự phối kết hợp trong nước đến việc hỗ trợ, giúp đỡ, phối hợp giữa các quốc gia khác nhau. Khi một mắt xích trong chuỗi hệ thống phòng, chống rửa tiền của một quốc gia bị yếu kém, bị tội phạm xâm nhập, phá vỡ… thì hệ thống phòng, chống rửa tiền của quốc gia đó sẽ bị vô hiệu.