Hai gói tín dụng sẽ "cứu" thị trường bất động sản?


Gói tín dụng 110.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội và gói tín dụng 120.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay ưu đãi được kỳ vọng giúp hồi phục thị trường bất động sản.

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản (BĐS) phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì ngày 17/2, tại Hà Nội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho rằng cần đánh giá một cách khách quan, trung thực những vướng mắc của thị trường BĐS để từ đó có giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường này an toàn, lành mạnh, bền vững. 

Người đứng đầu ngành ngân hàng khẳng định, thị trường BĐS có vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế bởi có mối liên quan với nhiều ngành sản xuất. Do đó, tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS cũng sẽ giúp khơi thông hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế.

Dù thị trường BĐS có những giai đoạn tăng trưởng cao, nhưng hiện nay thị trường này đang gặp một số khó khăn, vướng mắc, trong đó có khó khăn, về nguồn vốn mà một phần trong đó đến từ nguồn vốn tín dụng ngân hàng.

Tại hội nghị, Thống đốc đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục dành nguồn vốn cho các dự án BĐS đủ điều kiện pháp lý, có khả năng tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thực. Tích cực tiết giảm chi phí hoạt động để cho vay với lãi suất thấp hơn.

"Để hướng tới thị trường BĐS an toàn, lành mạnh, bền vững thì phải hướng tới phục vụ đa số người dân, đặc biệt là người có nhu cầu thực về nhà ở, hạn chế tình trạng đầu cơ, trục lợi", Thống đốc NHNN bày tỏ quan điểm.

Về định hướng tín dụng, bà Nguyễn Thị Hồng cho hay, tăng trưởng sẽ ở mức 14-15%, cao hơn mức 14,17% của năm ngoái. Lãnh đạo NHNN lưu ý, không có "room" riêng kiểm soát riêng tín dụng về BĐS.

Về phía Bộ Xây dựng, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh đề xuất Chính phủ bố trí gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng theo phương thức tái cấp vốn (giống gói 30.000 tỷ đồng đã thực hiện rất tốt trong giai đoạn 2013-2016 trước đây) cấp cho các ngân hàng thương mại để cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay. Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Với đề xuất của Bộ Xây dựng, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho rằng cần thiết có riêng một gói tín dụng cho lĩnh vực này để tăng cung về nhà ở xã hội, giúp giảm mất cân đối với thị trường BĐS. Tuy nhiên bà Hồng cũng lưu ý nguồn vốn từ đâu phải cân nhắc.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng (Ảnh VGP/Nhật Bắc)
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng (Ảnh VGP/Nhật Bắc)

"Cụ thể, với nguồn vốn từ tái cấp vốn, cung ứng tiền ra với thời gian dài hạn, ở thời điểm này cho một dài hạn trong 10, 15 năm tới làm giảm tính linh hoạt của chính sách tiền tệ, vì vậy cần tính toán nguồn vốn trên cơ sở chính sách tiền tệ đang thực hiện nhiều chỉ đạo của Chính phủ về tái cơ cấu như tái cơ cấu ngân hàng… và các lĩnh vực, các ngành kinh tế khác" - theo bà Hồng.

Thống đốc cho biết thêm, NHNN đã họp với các ngân hàng thương mại Nhà nước. Các ngân hàng này đồng ý dành một gói tín dụng cho lĩnh vực này trị giá 120.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay cả người xây dựng và người mua nhà thấp hơn từ 1,5-2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường trong từng thời kỳ. NHNN sẽ giao đơn vị theo dõi, triển khai chương trình này.

"Chúng tôi sẽ thông báo cho các ngân hàng khác nếu các ngân hàng khác tham gia gói này thì sẽ được nhiều hơn. Trong quá trình triển khai, nếu các ngân hàng này thiếu hụt về thanh khoản thì NHNN sẵn sàng tái cấp vốn cho để đi tiếp", Thống đốc nói.

Về lãi suất, NHNN đang cố gắng điều hành, điều tiết tiền tệ, chỉ đạo các tổ chức tín dụng cố gắng giảm mặt bằng lãi suất. "Về cơ cấu thời hạn trả nợ, Bộ Xây dựng cần rà soát, xem dự án nào mang tính đầu cơ, dự án gắn với sản xuất kinh doanh, với thương mại và dịch vụ, thì sẽ có ứng xử, tháo gỡ riêng. Chúng tôi sẽ chỉ đạo tổ chức tín dụng tiếp tục làm việc doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn cho thị trường này" - Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định.

Theo Đan Thanh/Diendandoanhnghiep.vn