Gia hạn thanh toán trái phiếu để giảm bớt áp lực dòng tiền

Việt Hoàng

Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), Dự thảo sửa đối Nghị định số 65/2022/NĐ-CP về trái phiếu doanh nghiệp đang được Bộ Tài chính trình Chính phủ với nhiều đề xuất mới chính là một công cụ để các doanh nghiệp có thể huy động vốn nhàn rỗi từ thị trường, nên chắc chắn sẽ là một công cụ tốt cho doanh nghiệp.

Hội nghị có sự tham gia của đại diện các Hiệp hội Bất động sản và các nhà phát triển bất động sản lớn, các chuyên gia về tài chính, bất động sản…
Hội nghị có sự tham gia của đại diện các Hiệp hội Bất động sản và các nhà phát triển bất động sản lớn, các chuyên gia về tài chính, bất động sản…

Chia sẻ tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc “tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững” sáng ngày 17/2,  Chủ tịch VACC nhận định, năm 2023 sẽ có một lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp đến hạn thanh toán trong bối cảnh thị trường bất động sản đang trầm lắng. Đây là một vấn đề lớn của toàn xã hội.

Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, nguyên nhân trước hết dẫn đến tình trạng trên là do trong thời gian qua, một số doanh nghiệp đã "quá đà" trong việc phát hành trái phiếu để "ôm dự án" nên đã gây ra biến động phức tạp cho thị trường tài chính và ảnh hưởng lớn đến niềm tin của thị trường bất động sản. 

Ông Nguyễn Quốc Hiệp cho rằng, trước mắt để giải quyết tháo gỡ khó khăn rất cần các quyết định cho phép gia hạn các trái phiếu để tháo bớt áp lực dòng tiền thanh toán cho các công ty phát hành. Về lâu dài, bên cạnh biện pháp cho hoán đổi nợ trái phiếu bằng tài sản, bất động sản của công ty phát hành, cần có cơ quan đứng ra đánh giá cụ thể đối với từng doanh nghiệp đang phải chuẩn bị thanh toán trái phiếu mà không cân đối được dòng tiền.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam trình bày tham luận tại Hội nghị.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam trình bày tham luận tại Hội nghị.

Đối với một số trường hợp cụ thể, các dự án của các doanh nghiệp này nếu khả thi về pháp lý nên cho Công ty mua bán nợ DATC hoặc VAMC tiếp cận đánh giá tài sản, dự án đang sử dụng trái phiếu, để có thể xử lý triệt để giúp làm hạ nhiệt thị trường.

Đối với Dự thảo sửa Nghị định số 65/2022/NĐ-CP về trái phiếu doanh nghiệp đang được Bộ Tài chính trình Chính phủ với nhiều đề xuất mới, ông Nguyễn Quốc Hiệp cho rằng, đây chính là một công cụ để các doanh nghiệp có thể huy động vốn nhàn rỗi từ thị trường nên chắc chắn sẽ là một công cụ tốt cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam đề xuất dự thảo cần cân nhắc thêm đối với việc không quy định lượng trái phiếu được phép phát hành so sánh với vốn chủ sở hữu hoặc tài sản hiện có của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần xem xét quy định rõ trách nhiệm của ngân hàng và công ty môi giới gắn với các công ty phát hành để hạn chế những rủi ro có thể xảy ra cho thị trường tài chính như thời gian vừa qua.

Ngoài ra, VACC cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm giao thẩm quyền cho Tổ công tác của Chính phủ yêu cầu các địa phương phải tập hợp, cập nhật báo cáo những dự án bị chậm, trong đó nêu rõ nguyên nhân cụ thể và đề xuất hướng giải quyết. Bên cạnh đó, đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo xem xét lại hệ số rủi ro khi đánh giá các khoản vay bất động sản cho từng trường hợp cụ thể; cho phép sử dụng tài sản hình thành trong tương lai của chính dự án nếu như phương án kinh doanh đảm bảo có hiệu quả mà không phải sử dụng tài sản đảm bảo độc lập khác...