Hai nửa buồn vui khi giá dầu sụp đổ

Theo Linh Đan/thoibaokinhdoanh.vn

Sự kiện giá dầu thô lao dốc và đang có hiện tượng âm đã tạo ra 2 làn sóng ngược chiều giữa các nhóm cổ phiếu liên quan.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Thời gian gần đây, dưới áp lực nhu cầu tiêu thụ suy giảm do dịch Covid-19, lần đầu tiên trong lịch sử, giá dầu thô có hiện tượng âm, dù sau đó đã có sự hồi phục mạnh nhưng vẫn ở mức thấp kỷ lục nhiều năm.

Theo nhận định của các chuyên gia, giá dầu nhiều khả năng sẽ tiếp tục chịu áp lực trong quý II khi các kho chứa hết chỗ và nhu cầu tiêu thụ chưa cải thiện vì nhiều nước vẫn thực hiện giãn cách xã hội.

Nhóm "khóc ròng"

Theo bà Phạm Lê Mai - chuyên viên cao cấp khối phân tích của CTCP Chứng khoán VNDirect, phần lớn nhóm cổ phiếu dầu khí đã mất 30-70% giá trị kể từ đầu năm. Trong đó, các doanh nghiệp lọc dầu bị ảnh hưởng mạnh nhất trong chuỗi giá trị ngành dầu khí bởi chi phí đầu tư lớn, giá thành sản phẩm cao, giá dầu khai thác của Việt Nam cao hơn nhiều giá dầu thế giới, nên càng khai thác càng lỗ.

Hiện, Việt Nam có 2 doanh nghiệp lọc dầu lớn, tuy nhiên Lọc hoá dầu Nghi Sơn vẫn chưa niêm yết, còn cổ phiếu BSR của Lọc hoá dầu Bình Sơn đã ghi nhận mức giảm gần 26% kể từ đầu năm đến nay từ mức giá 8.200 đồng/cp xuống 6.100 đồng/cp.

Sự sụt giảm của giá dầu khiến nhiều nhà đầu tư thăng hoa nhưng cũng không ít phải "khóc ròng"
Sự sụt giảm của giá dầu khiến nhiều nhà đầu tư thăng hoa nhưng cũng không ít phải "khóc ròng"
 

Trước đó, hồi cuối tháng 3/2020, cổ phiếu BSR thậm chí đã lao dốc xuống mức 4.800 đồng/cp, tương đương mức giảm hơn 41% trong quý I/2020. Tuy nhiên, với con số tổng nợ vay lên đến 8.407 tỷ đồng, chiếm 17,7% tổng tài sản đang là gánh nặng lên kết quả kinh doanh quý II của doanh nghiệp nếu giá dầu không tăng trở lại.

Ðối với nhóm doanh nghiệp liên quan tới khai thác dầu khí như Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (mã: PVS) hay Tổng công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (mã: PVD), giá dầu giảm có tác động không nhỏ đến hoạt động kinh doanh, kéo theo giá trị cổ phiếu cũng trên đà "thủng đáy".

Theo đó, từ đầu năm đến nay, cổ phiếu PVS "đánh rơi" 33% thị giá từ 17.500 đồng/cp xuống 11.600 đồng/cp (phiên 24/4), còn nếu tính riêng trong quý I thì PVS giảm tới gần 50% về vùng giá 9.000 đồng/cp.

Tương tự, PVD cũng ghi nhận mức giá giảm 37,6% trong gần 4 tháng đầu năm về mức 9.390 đồng/cp; tính riêng quý I/2020 mức giảm là 55% từ 15.050 đồng/cp xuống 6.750 đồng/cp - đây là mức giá thấp nhất trong nhiều năm qua của mã cổ phiếu này.

Ngoài ra, nhóm doanh nghiệp liên quan tới kinh doanh các sản phẩm từ dầu mỏ như khí gas, xăng dầu thông qua kênh phân phối tới tay người tiêu dùng bao gồm Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP (mã: GAS), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (mã: PLX) dù không chịu ảnh hưởng trực tiếp từ biến động giá dầu, nhưng trong ngắn hạn có thể bị ảnh hưởng bởi hàng tồn kho.

Và những lo ngại này cũng đều được phản ảnh hết vào giá cổ phiếu trên sàn chứng khoán khi cổ phiếu GAS đã giảm 31,1% trong gần 4 tháng đầu năm 2020 và PLX giảm gần 23%; trong quý I/2020, GAS thậm chí còn giảm hơn 42%, PLX là 32% do chịu tác động kép từ cả giá dầu và dịch bệnh khiến thị trường chung "mất phanh".

Nhóm hưởng lợi

Trong ngắn hạn, các chuyên gia vẫn đưa ra nhận định giá dầu vẫn có thể tiếp tục giảm, điều này đồng nghĩa với việc đầu tư vào cổ phiếu dầu khí vẫn còn nhiều rủi ro. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng vẫn có nhiều cổ phiếu tiềm năng khi xét trên 2 yếu tố chính.

Thứ nhất là tác động của giá dầu lên kết quả kinh doanh nhanh hay chậm và kéo dài bao lâu; thứ hai là sức khỏe tài chính của doanh nghiệp (dòng tiền, tồn kho, nợ phải trả..) có lành mạnh hay không.

Những cái tên được gợi ý gồm: Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (mã: POW), CTCP Điện lực dầu khí Nhơn Trạch 2 (mã: NT2), Tổng công ty Phân bón và hóa chất dầu khí (mã: DPM) và CTCP Phân bón dầu khí Cà Mau (mã: DCM). Đây đều là những doanh nghiệp hạ nguồn trong chuỗi giá trị dầu khí tại Việt Nam nên được hưởng lợi khi giá dầu xuống dốc.

Cụ thể, POW và NT2 là các mã cổ phiếu của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực điện khí. Đây là ngành ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, giá dầu và khí đầu vào sẽ giúp cả hai tiết kiệm chi phí sản xuất, dù mức độ hưởng lợi còn hạn chế nhưng biên lợi nhuận có thể cải thiện với khoảng 10-20% sản lượng điện được án trên thị trường điện cạnh tranh.

Thị giá của POW đã giảm hơn 16% so với đầu năm, trong khi NT2 tăng nhẹ tỷ lệ nghịch với khả năng giảm thiểu rủi ro và đang dạng hoá danh mục (tính theo các loại hình nhà máy điện đang sở hữu) để duy trì triển vọng kinh doanh của cả hai doanh nghiệp.

Giá dầu giảm cũng khiến 2 doanh nghiệp phân bón kể trên tiết kiệm được chi phí sản xuất, từ kỳ vọng này, thời gian gần đây, cổ phiếu DCM và DPM đã có diễn biến theo chiều hướng tích cực khi chỉ trong những phiên giao dịch tháng 4 vừa qua, DCM đã tăng 48,8% và DPM tăng 33,6%.

Bên cạnh đó, theo nhiều chuyên gia, các ngành sản xuất nhựa, hoá chất, năng lượng... sử dụng nguyên liệu từ ngành công nghiệp hóa dầu rất lớn. Do đó, khi giá dầu giảm, các ngành này sẽ được hưởng lợi.

Ngoài ra, giá dầu ở mức thấp có tác động tích cực tới nhóm giao thông và nhóm dịch vụ điện nước, chất đốt, vật liệu xây dựng. Một số ngành khác được hưởng lợi như luyện kim, khai thác và đánh bắt thủy sản, xây dựng công trình giao thông, do xăng dầu chiếm tỷ lệ không nhỏ trong chi phí đầu vào.

Theo ông Trần Đức Anh, Giám đốc chiến lược và vĩ mô - Chứng khoán Đầu tư Việt Nam (IVS), giá dầu sụt giảm sẽ giúp kiềm chế lạm phát, qua đó Ngân hàng Nhà nước có thêm dư địa để thực hiện các chính sách kích thích tiền tệ phù hợp.

Hơn thế nữa, giá dầu là nguyên liệu đầu vào của nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế và sự sụt giảm của giá dầu có thể coi tương đương với một gói kích thích lớn, giúp vực dậy các lĩnh vực chịu tổn thương sau dịch Covid-19.