Hải quan dẫn đầu nhóm thủ tục hành chính có mức chi phí tuân thủ thấp
Việc được đứng thứ 3 trong bảng xếp hạng chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính (APCI) năm 2018 phần nào phản ánh những nỗ lực trong cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của ngành Hải quan vì cộng đồng doanh nghiệp.
Bức tranh tổng thể TTHC
Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ (CPTT) TTHC 2018 (APCI 2018) của Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ là báo cáo đánh giá chi phí thực tế mà DN và tổ chức phải chi trả để thực hiện TTHC theo quy định hiện hành.
APCI 2018 ra đời đánh dấu hai năm điều hành của Chính phủ đương nhiệm với quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh nhằm nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế cũng như thúc đẩy đầu tư trong nước, thu hút tốt hơn dòng vốn đầu tư nước ngoài. Thông điệp “Chính phủ kiến tạo” của Chính phủ là việc hướng tới các hành động cụ thể nhằm: Tập trung hoàn thiện thể chế; rà soát toàn bộ cơ chế chính sách, hành lang pháp lý theo hướng xóa bỏ rào cản, tháo gỡ khó khăn cho người dân, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; phải chuyển mạnh hơn từ quản lý sang phục vụ người dân, DN và cán bộ phải gương mẫu trong lời nói và hành động, nói đi đôi với làm dù trong bất cứ trường hợp nào.
Với thông điệp này, bộ máy hành chính phải hoạt động hiệu quả, gọn nhẹ, chuyên nghiệp, sáng tạo để bảo đảm hoạt động phải phục vụ lợi ích của người dân, tổ chức và DN; các TTHC phải được quy định rõ ràng, minh bạch, đơn giản để bảo đảm rằng chi phí tuân thủ cho người dân, tổ chức, DN ở mức thấp.
Báo cáo dựa trên nền tảng là thông điệp của Chính phủ để phân tích những thành tựu cải cách TTHC của Chính phủ trong năm vừa qua và xác định dư địa cải cách cho 8 nhóm TTHC quan trọng cho DN gồm: Khởi sự DN/Đăng ký kinh doanh; Thuế; Đầu tư; Giấy phép, chứng chỉ hành nghề; Hải quan; Đất đai; Môi trường và Xây dựng. Những nhóm TTHC được APCI 2018 ưu tiên lựa chọn đã và đang được các tổ chức quốc tế lựa chọn để đánh giá môi trường kinh doanh quốc gia (Chỉ số Doing Business của Ngân hàng Thế giới) và năng lực cạnh tranh quốc gia (Chỉ số về năng lực cạnh tranh quốc gia của Diễn đàn Kinh tế thế giới - World Economic Forum).
Việc thu thập thông tin về gánh nặng chi phí của DN được thực hiện trực tiếp với những DN đã thực hiện TTHC trong 6 tháng cuối năm 2017 (nhằm đảm bảo mức độ chính xác và cập nhật của thông tin thu thập), dựa trên danh sách DN, tổ chức đã từng thực hiện TTHC thuộc một trong 8 nhóm TTHC tại 63 tỉnh/ thành phố.
APCI 2018 cho thấy bức tranh tổng thể về các TTHC với gánh nặng chi phí tuân thủ trên phạm vi cả nước và các khuyến nghị cải cách TTHC.
Hải quan dần tạo sự lan tỏa
Nhóm TTHC hải quan (thủ tục hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu; thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu) nằm trong nhóm CPTT thấp (xếp hạng ba trên 8 nhóm TTHC), bằng 28% (3,53 triệu đồng) CPTT của cả 8 nhóm TTHC (xấp xỉ 12,7 triệu đồng). Chi phí trực tiếp là yếu tố quyết định CPTT của nhóm TTHC này (chiếm 91%), và chi phí thời gian chỉ chiếm một phần rất nhỏ là 9%. Kết quả về chi phí thời gian 12,1 giờ làm việc của DN để hoàn thành hồ sơ của TTHC hải quan là tương đối thấp. Kết quả này phản ánh những nỗ lực cải cách hiện đại hóa của ngành Hải quan trong những năm qua.
Bên cạnh việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia tại cảng biển quốc tế, ngành Hải quan đã triển khai Cơ chế một cửa quốc gia tại cảng hàng không quốc tế trên phạm vi cả nước.
Với tinh thần cải cách và hiện đại hóa, Tổng cục Hải quan đã đưa Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS đi vào hoạt động vào năm 2014, ngành đã tự động hóa được 100% thủ tục hải quan và 100% cục hải quan, chi cục hải quan thực hiện thủ tục hải quan điện tử, với 99,65% doanh nghiệp tham gia. Đến cuối năm 2017 ngành Hải quan đã có 170/180 TTHC được cung cấp dịch vụ công trực tuyến tối thiểu mức độ 3. Theo đánh giá của Chính phủ, việc thực hiện thủ tục hải quan điện tử theo Hệ thống thông quan tự động (VNACCS/VCIS) và Cơ chế một cửa quốc gia tại cảng biển quốc tế đã giảm thời gian thông quan hàng hóa bình quân từ 21 ngày xuống còn 14 ngày đối với xuất khẩu, 13 ngày đối với nhập khẩu, giảm được 10 - 20% chi phí và 30% thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu cho DN.
Hiện nay, ngành Hải quan đã đã từng bước hoàn thiện mô hình thủ tục hải quan điện tử và giải quyết các vướng mắc phát sinh trong thực tiễn, ứng dụng công nghệ thông tin trong quy trình xử lý công việc của từng cơ quan hành chính, giữa cơ quan hành chính nhà nước với nhau và trong giao dịch với tổ chức, cá nhân. Việc triển khai các hệ thống như: VNACCS/VCIS; Cơ chế một cửa quốc gia và một cửa ASEAN; ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ hải quan; cung cấp dịch vụ công và phục vụ người dân, DN trong hoạt động nghiệp vụ đã góp phần tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động của DN.
Tuy nhiên, khảo sát CPTT cũng cho thấy dư địa cải cách về TTHC hải quan vẫn còn nhiều. Dựa trên phương pháp phân tích CPTT, ngành Hải quan cần tập trung giải quyết những vấn đề sau:
Dư địa cải cách về thời gian thực hiện của nhóm TTHC hải quan là rất nhiều, bao gồm từ bước Tìm hiểu thông tin cho đến bước Nhận kết quả TTHC, để hỗ trợ DN trong các bước Tìm hiểu thông tin, Chuẩn bị hồ sơ và Chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ... sẽ giúp cho CPTT của nhóm TTHC Hải quan sẽ được giảm đi.
Khắc phục những lỗi kỹ thuật của hệ thống tiếp nhận hồ sơ điện tử của ngành Hải quan để bảo đảm hệ thống được thông suốt.
Đội ngũ cán bộ Hải quan cần được bồi dưỡng thường xuyên để nâng cao nghiệp vụ, thao tác trong quá trình ứng dụng công nghệ thông tin để thời gian trong bước Nộp hồ sơ của DN được thực hiện nhanh hơn.
Tiếp tục áp dụng mạnh mẽ TTHC trực tuyến có thể triển khai trong ngành Hải quan để giảm thiểu về thời gian thực hiện, minh bạch hoá được việc thực hiện TTHC để hạn chế được nhũng nhiễu, tiêu cực.
Đây là kết quả tích cực, dấu hiệu đáng mừng đối với ngành Hải quan. Tại Hội nghị công bố Báo cáo Chỉ số APCI 2018 vừa tổ chức tại Hà Nội, nhiều đại biểu bộ, ngành, hiệp hội DN, DN, trong đó Bộ trưởng- Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã đánh giá rất cao nỗ lực cải cách TTHC của ngành Hải quan trong thời gian qua. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng để giải quyết có hiệu quả thủ tục thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu đòi hỏi nỗ lực cải cách rất lớn của các bộ quản lý chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu vì hoạt động kiểm tra chuyên ngành chiếm đến 72% thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu. Đồng thời ngành Hải quan tự mình cũng phải tiếp tục cải cách, đổi mới để góp phần giảm chi phí cho cộng đồng DN có hoạt động xuất nhập khẩu.