Cơ quan Hải quan thực hiện thí điểm trao đổi dữ liệu điện tử với EAEU
Trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- Liên minh kinh tế Á- Âu (EAEU), từ ngày 5/10/2018 đến 5/10/2019, sẽ có 5 nhóm hàng hóa ở cấp độ 6 số (chi tiết lên đến 8-10 số) thuộc Danh mục hàng hóa sẽ được thử nghiệm thực hiện trao đổi thông tin điện tử hải quan.
Thúc đẩy thông quan nhanh
Để thực hiện các cam kết trong Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam – EAEU gồm 5 nước Armenia, Belarus, Kazakhstan, Nga, và Kyrgyzstan hiệu lực kể từ ngày 5/10/2016, cơ quan Hải quan của các bên ký kết sẽ triển khai thực hiện việc trao đổi thông tin điện tử về hải quan theo quy định tại Khoản 4 Điều 5.7 của Hiệp định này.
Việc triển khai thí điểm việc trao đổi thông tin điện tử trước khi hàng đến sẽ được thực hiện từ ngày 5/10/2018 đối với 5 nhóm hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường các nước EAEU theo các mã HS sáu số gồm: 0902 40 (Chè đen); 2103 90 (Nước xốt và các chế phẩm làm nước xốt, đồ gia vị hỗn hợp và bột canh hỗn hợp, bột mịn và bột thô từ hạt mù tạt và mù tạt đã chế biến); 3206 49 (chất bột màu); 6203 42 (dệt may) và 6203 49 (dệt may).
Đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam từ các nước thuộc EAEU sẽ được trao đổi dữ liệu điện tử trước khi hàng đến theo các mã HS 6 chữ số gồm: 030363 (cá); 220860 (cồn, rượu); 270111 (than đá); 720720 (sắt thép); 870422 (xe có động cơ dùng để chở hàng).
Mục đích trao đổi thông tin điện tử nhằm tạo thuận lợi cho việc thực thi hoạt động hải quan, đẩy nhanh quá trình giải phóng hàng hóa và ngăn chặn các nguy cơ tiềm ẩn về vi phạm pháp luật hải quan.
Thông tin dữ liệu trao đổi điện tử giữa các bên không phải là căn cứ để cơ quan Hải quan quyết định cho hưởng các ưu đãi về mặt thuế quan của hiệp định nhưng những thông tin dữ liệu nhận được giúp cho cơ quan Hải quan của các bên có thêm thông tin để phân tích đánh giá rủi ro đối với các lô hàng xuất nhập khẩu giữa các bên với mục đích tạo thuận lợi, giải quyết thông quan nhanh nhất cho các lô hàng nhập khẩu được đánh giá là tuân thủ các quy định về hải quan của mỗi bên.
Về mặt nguyên tắc, thông tin trên tờ khai hải quan nước xuất khẩu phải phù hợp với thông tin trên giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) và các chứng từ liên quan như hợp đồng thương mại, hóa đơn thương mại,… Đây là những chứng từ thường được yêu cầu xuất trình cho cơ quan Hải quan bên nhập khẩu theo các quy định của nước nhập khẩu trong hồ sơ hải quan.
Thời gian qua, theo thông tin cung cấp của các cơ quan Hải quan của EAEU, đã phát hiện một số trường hợp làm chứng từ giả trong hồ sơ hải quan hoặc khai báo trị giá hàng hóa thấp. Những vi phạm này làm ảnh hưởng đến uy tín hàng hóa từ Việt Nam xuất khẩu đến các thị trường này. Theo cảnh báo của cơ quan Hải quan các nước thuộc EAEU thì hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam có khả năng sẽ chịu sự kiểm soát chặt hơn của cơ quan Hải quan nếu như các vi phạm về chứng từ hải quan tiếp tục được phát hiện.
Lộ trình thực hiện
Liên quan đến Chương quản lý hải quan và tạo thuận lợi thương mại (Chương 5) của Hiệp định này, theo quy định tại Điều 5.7 (Khoản 4), các bên có nghĩa vụ thực hiện, theo lộ trình cụ thể như sau:
- Không muộn hơn 2 năm kể từ ngày Hiệp định này có hiệu lực, tức không muộn hơn ngày 5/10/2018, bắt đầu trao đổi thông tin điện tử thử nghiệm đối với hàng hóa cụ thể giữa các cơ quan hải quan của các bên.
- Không muộn hơn 3 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực, tức không muộn hơn 5/10/2019, trao đổi thông tin điện tử phải áp dụng đối với hàng hóa có kim ngạch thương mại giữa các bên tăng hơn 20% từ thời điểm Hiệp định có hiệu lực.
- Không muộn hơn 5 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực, tức không muộn hơn 5/20/2021, các bên trao đổi thông tin điện tử toàn bộ hàng hóa giao dịch giữa các Bên giữa tất cả các cơ quan hải quan có liên quan.
Để thực hiện việc trao đổi thông tin điện tử, theo quy định tại Khoản 6, Điều 5.7 của Hiệp định, tất cả các yêu cầu và tiêu chuẩn kỹ thuật cho việc trao đổi thông tin điện tử cũng như nội dung cụ thể thông tin trao đổi phải được quy định tại các Nghị định thư riêng biệt giữa cơ quan Hải quan trung ương của các bên.
Nhằm thực hiện nội dung này, thời gian qua Tổng cục Hải quan đã cùng với phía EAEU hoàn thành các phiên đàm phán xây dựng Nghị định thư và tiến hành ký kết Nghị định thư này vào ngày 28/6/2018. Theo đó, các bên trao đổi thí điểm đối với 5 nhóm mặt hàng trong thời gian một năm từ ngày 5/10/2018. Từ 5/10/2019 đến 5/10/2021, việc trao đổi thông tin được thực hiện đối với hàng hóa có kim ngạch thương mại giữa các bên tăng hơn 20% từ thời điểm Hiệp định có hiệu lực. Danh mục cụ thể sẽ được xác định sau căn cứ vào thống kê thương mại. Từ 5/10/2021, trao đổi thông tin được thực hiện toàn bộ hàng hóa giao dịch giữa các bên.
Về thời điểm trao đổi thông tin điện tử được trao đổi không muộn hơn 4 giờ sau khi giải phóng/thông quan hàng hóa xuất khẩu. Các bên cam kết thông tin trao đổi giữa các bên chỉ được sử dụng cho các mục đích nghiệp vụ hải quan đó là phân tích đánh giá rủi ro đối với các lô hàng nhập khẩu, không được chuyển cho các bên thứ ba nếu không có sự đồng ý bằng văn bản của bên cung cấp thông tin.