Hải quan Hồ Chí Minh hướng dẫn, giải đáp nhiều vướng mắc cho doanh nghiệp Hàn Quốc
Ngày 10/7, trên 150 doanh nghiệp Hàn Quốc đã tham dự Hội nghị đối thoại với Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh. Hơn 30 câu hỏi vướng mắc của các doanh nghiệp đã được Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh giải đáp thỏa đáng, doanh nghiệp hài lòng và đánh giá cao.
Giải đáp thỏa đáng các vướng mắc của doanh nghiệp
Ngay đầu hội nghị, Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM Đinh Ngọc Thắng đã đưa ra thông điệp tổ chức hội nghị đối thoại: “Muốn lắng nghe và giải đáp kịp thời các khó khăn, vướng mắc cho DN, hướng dẫn nội dung văn bản mới…”.
Sau khi giới thiệu những điểm mới quy định tại Nghị định 59/2018/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 39/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính, Cục Hải quan TP.HCM đã dành phần nhiều thời gian đối thoại, giải đáp các câu hỏi vướng mắc của DN.
Các vướng mắc chủ yếu tập trung vào nội dung: Xác định nguyên phụ liệu hao hụt; ưu đãi C/O; mã vạch, trị giá tính thuế; kiểm hóa hộ...
Trả lời câu hỏi vướng mắc của các DN về tham vấn giá đối với hàng nhập khẩu, Cục trưởng Đinh Ngọc Thắng lưu ý các DN điểm mới trong Nghị định 59 và Thông tư 39 quy định về tham vấn giá. Theo đó, trong quá trình tham vấn, DN được quyền yêu cầu cơ quan Hải quan tham vấn 1 lần, được sử dụng kết quả tham vấn cho những lô hàng nhập khẩu sau trong vòng 60 ngày, quá 60 ngày DN có thể yêu cầu tham vấn lại.
Trả lời vướng mắc của các DN về khó khăn trong việc xác định định mức nguyên phụ liệu gia công, sản xuất xuất khẩu, ông Nguyễn Thanh Long, Phó Trưởng phòng Giám sát quản lý- Cục Hải quan TP.HCM cho biết, theo quy định hiện nay, DN tự xây dựng định mức và chịu trách nhiệm về định mức của mình, thông báo định mức cho cơ quan Hải quan cùng với việc báo cáo quyết toán vào cuối năm. Cơ quan Hải quan chỉ căn cứ vào quy định định mức thực tế DN sử dụng để sản xuất ra 1 đơn vị sản phẩm làm căn cứ tính thuế, thanh lý hợp đồng cho DN. DN cần xây dựng định mức đúng thực tế sử dụng.
Trả lời vướng mắc của DN về mã vạch do nước ngoài cấp được dán ở hàng xuất khẩu, ông Nguyễn Thanh Long, Phó Trưởng phòng Giám sát quản lý- Cục Hải quan TP.HCM giải thích, căn cứ quy định tại Điều 15 Quyết định 15/2006/QĐ-BKHCN ngày 23/8/2006 của Bộ Khoa học Công nghệ, các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam muốn sử dụng mã nước ngoài (bao gồm cả mã UCC của Mỹ và Canada) để in trên sản phẩm của mình nhằm phục vụ cho mục đích chỉ để xuất khẩu, phải được cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp hoặc được tổ chức nước ngoài chủ sở hữu ủy quyền sử dụng mã số nước ngoài thông qua thư ủy quyền, hợp đồng sử dụng hoặc các hình thức ủy quyền khác. Sau khi được cấp hoặc được ủy quyền sử dụng mã số nước ngoài, tổ chức sử dụng phải thông báo việc sử dụng mã số nước ngoài với Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng bằng văn bản, gửi kèm theo bản sao giấy phép sử dụng, thư ủy quyền, hợp đồng sử dụng hoặc bằng chứng ủy quyền khác.
Giải đáp vướng mắc của DN về miễn thuế nhập khẩu cho trường hợp thuê đơn vị khác gia công một phần trong công đoạn sản xuất, ông Nguyễn Quốc Toản, Phó Trưởng phòng, phụ trách Phòng Thuế XNK cho biết, căn cứ quy định tại khoản 7 Điều 16 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, "Nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất hàng hoá xuất khẩu" thuộc đối tượng được miễn thuế. Điều 12 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 của Chính phủ không quy định cho trường hợp DN nhập khẩu nguyên liệu, vật tư theo loại hình sản xuất xuất khẩu sau đó thuê gia công lại một vài công đoạn sau đó nhận lại sản phẩm để xuất khẩu hoặc tiếp tục sản xuất để xuất khẩu. Cục Hải quan TP.HCM ghi nhận những khó khăn, bất cập đối với trường hợp nêu trên và đã có các văn bản báo cáo Tổng cục Hải quan xem xét đề xuất miễn thuế nhập khẩu cho trường hợp cục thể của DN.
Tuy nhiên, theo công văn số 1738/TXNK-CST ngày 11/4/2018 và công văn số 2405/TXNK-CST ngày 14/5/2018 của Cục Thuế xuất nhập khẩu – Tổng cục Hải quan thì các trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu, vật tư theo loại hình sản xuất xuất khẩu nhưng giao cho các đơn vị khác (không phải chi nhánh phụ thuộc) gia công toàn bộ hoặc gia công một số công đoạn sau đó nhận lại sản phẩm để xuất khẩu hoặc tiếp tục sản xuất để xuất khẩu thì không đáp ứng cơ sở xác định hàng hoá được miễn thuế theo quy định tại Nghị định số 134/2016/NĐ-CP nên không được miễn thuế nhập khẩu đối với phần hàng hoá nhập khẩu đưa đi gia công. Hiện nay Bộ Tài chính đang lấy ý kiến để trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 134/2016/NĐ-CP. Quan điểm của Cục Hải quan TP.HCM khi tham gia ý kiến hàng hóa sản xuất - xuất khẩu thuê gia công lại vẫn thuộc đối tượng miễn thuế.
Công ty New Hana (KCN cao TP.HCM) nêu kiến nghị, do công ty thực hiện xuất khẩu tại chỗ, giao hàng, xuất hóa đơn rất nhiều, DN có được gộp hóa đơn lại để xuất theo tuần hay không? Trả lời vướng mắc này, Cục Hải quan TP.HCM cho biết, chưa có quy định về việc khai gộp trong trường hợp DN thực hiện XNK tại chỗ nhiều lần.
DN hài lòng, đánh giá cao
Hơn 30 câu hỏi vướng mắc của các DN đã được Cục Hải quan TP.HCM giải đáp thỏa đáng tại hội nghị, được DN hài lòng và đánh giá cao. Ông Kim Heung Soo, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hàn Quốc tại TP.HCM (Korcham) đã cảm ơn ông Cục trưởng và ban lãnh đạo Cục Hải quan TP.HCM đã tổ chức hội nghị rất ý nghĩa này để hỗ trợ các DN.
Theo ông Kim Heung Soo, hiện nay, có 5.600 DN Hàn Quốc đã đầu tư 57,7 tỷ USD tại Việt Nam, đứng đầu trong số các quốc gia đầu tư tại Việt Nam. Các DN Hàn Quốc đóng góp 35% kim ngạch XK của Việt Nam. Kết quả này có sự hỗ trợ rất lớn từ ngành Hải quan nói chung và Cục Hải quan TP.HCM. Hội nghị đối thoại hôm nay là một minh chứng Cục Hải quan TP.HCM đã hướng dẫn và giải đáp rất nhiều câu hỏi cho DN Hàn Quốc, Hải quan đã sử dụng rất nhiều ứng dụng CNTT trong quy trình thủ tục hải quan, đồng thời đã kiến nghị sửa đổi nhiều bất cập về chính sách... đã tạo rất nhiều thuận lợi cho DN.
Phát biểu tại hội nghị, ông Lim Jae Hoon, Tổng lãnh sự Hàn Quốc tại TP.HCM cho biết, hiện có gần 2.900 DN Hàn Quốc đầu tư tại khu vực phía Nam trong nhiều lĩnh vực. Đồng thời có khoảng 1.400 DN Hàn Quốc đang triển khai đầu tư tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam đã nhận được sự hỗ trợ tích cực của các cơ quan quản lý, trong đó có Cục Hải quan TP.HCM. Bên cạnh các DN hiểu và thực hiện tốt các chính sách, vẫn còn một số DN Hàn Quốc còn hạn chế về thủ tục hành chính, gây khó khăn cho việc triển khai đầu tư tại Việt Nam, với hội nghị đối thoại này, các DN sẽ được hướng dẫn, giải đáp các vướng mắc để nắm vững và thực hiện đúng các quy định.
Cam kết tạo thuận lợi cho các DN, Cục trưởng Đinh Ngọc Thắng cho biết, sau hội nghị này, những vướng mắc khó khăn đã được giải đáp sẽ được đơn vị tập hợp thành tài liệu gửi cho hiệp hội để phổ biến cho các DN. Những nội dung nào DN cần tư vấn sâu thì tiếp tục liên hệ với Cục Hải quan TP.HCM để được hướng dẫn cụ thể. Đối với những văn bản mới, Cục Hải quan TP.HCM sẽ tiếp tục phối hợp với hiệp hội để phổ biến cho DN để thực hiện cho đúng quy định
“Cục Hải quan TP.HCM sẽ thành lập bộ phận giúp việc trực tiếp cho lãnh đạo Cục, các DN phát sinh vướng mắc trong quá trình làm thủ tục chỉ cần gửi mail cho bộ phận này để được Cục Hải quan TP.HC hướng dẫn cụ thể. Cơ quan Hải quan mong muốn tiếp nhận thông tin của DN một cách nhanh nhất để được hướng dẫn kịp thời cho DN. Tránh trường hợp DN phải thông qua đường văn thư, mất nhiều thời gian của DN”- ông Thắng thông tin thêm.
Với những cam kết từ Cục trưởng Đinh Ngọc Thắng, các DN Hàn Quốc tỏ ra rất đồng tình và đồng loạt vỗ tay tán thưởng.