Hải quan tăng cường đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại
(Taichinh) - Xác định chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là nhiệm vụ quan trọng trong năm 2015, do vậy, trong 6 tháng đầu năm 2015, công tác này đã được Tổng cục Hải quan triển khai mạnh mẽ và đạt nhiều kết quả tích cực.
Đạt nhiều kết quả tích cực
Trong 06 tháng đầu năm 2015, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo lực lượng kiểm soát hải quan nắm vững diễn biến tình hình các địa bàn trọng điểm; xây dựng các kế hoạch, phương án đấu tranh; áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ; xác lập, đấu tranh thành công nhiều chuyên án, bắt giữ, xử lý thành công nhiều vụ việc phức tạp, nổi cộm, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chống thất thu ngân sách, bảo vệ sức khỏe người dân, bảo vệ môi trường.
Tính đến ngày 15/6/2015, lực lượng kiểm soát hải quan toàn Ngành đã chủ trì, phối hợp phát hiện, bắt giữ, xử lý 7.997 vụ, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 73 tỷ 275 triệu đồng. Thu nộp ngân sách nhà nước đạt 64 tỷ 880 triệu 080 đồng. Trong đó có, 445 vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; 70 vụ ma túy; 7.029 vụ vi phạm hành chính; 10 vụ vi phạm sở hữu trí tuệ và 443 vụ vi phạm khác. Trong 6 tháng/2015, Cơ quan Hải quan khởi tố, điều tra 09 vụ án hình sự, chuyển cơ quan khác khởi tố 31 vụ án hình sự.
Mặc dù hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới 06 tháng đầu năm 2015 vẫn diễn biến phức tạp, tại một số địa bàn vẫn xảy ra nhiều hiện tượng, vụ việc nhưng lực lượng hải quan đã kịp thời kiểm soát, ngăn chặn. Bằng sự quyết tâm của toàn ngành Hải quan, sự chỉ đạo sát sao và quyết liệt của Chính phủ, Tổng cục Hải quan đã tăng cường huy động sức mạnh tổng thể để thực hiện tốt công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Trong thời gian qua, Tổng cục Hải quan đã hoàn thiện đồng bộ hệ thống cơ sở pháp lý liên quan đến công tác kiểm soát hải quan thông qua việc tham mưu cho Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định số 01/2015/NĐ-CP ngày 02/01/2015, quy định chi tiết phạm vi địa bàn hoạt động hải quan, trách nhiệm phối hợp trong phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan.
Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan luôn chủ động, tích cực tham mưu cho Bộ Tài chính, Chính phủ chỉ đạo, điều hành kịp thời chính sách kinh tế xã hội: Ngoài ra, Tổng cục Hải quan còn kiến nghị các Bộ ngành sửa đổi, bổ sung kịp thời nhiều cơ chế, chính sách quản lý còn bị các đối tượng lợi dụng buôn lậu, gian lận thương mại; Chỉ đạo thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các đề án chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới của Chính phủ như: Đề án phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển và kinh doanh, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép; đề án đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá; phòng, đề án chống buôn bán, vận chuyển trái phép động, thực vật hoang dã.
Lực lượng Hải quan tăng cường các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ hình thành tổ chức bộ máy và triển khai bước đầu hoạt động của Trung tâm chỉ huy nhằm phân tích, tổng hợp dữ liệu, hình ảnh song song với quá trình làm thủ tục hải quan, đảm bảo cập nhật kịp thời thông tin tổng quan về hoạt động xuất nhập khẩu phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính.
Đặc biệt là, Tổng cục Hải quan đã chủ động thực hiện các hoạt động chỉ đạo, cảnh báo, tập trung vào các mặt hàng cấm, các hiện tượng nổi cộm như: Xuất nhập khẩu mặt hàng thực phẩm kém chất lượng; nhập lậu gia súc, gia cầm, khoáng sản, xăng, dầu; chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong lĩnh vực y tế; buôn lậu gỗ quý hiếm; cảnh báo thủ đoạn cất giấu ma túy mới;... để lực lượng kiểm soát hải quan chủ động xây dựng kế hoạch phòng ngừa, kiểm soát, ngăn chặn.
Nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả xã hội và tạo được chuyển biến căn bản về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thời gian tới, lực lượng Hải quan đã chủ động, tích cực phối hợp với lực lượng chức năng như Công an, Biên phòng, Cảnh sát biển, Quản Lý thị trường ngày càng hiệu quả, có chiều sâu. Tiếp tục hợp tác với các đối tác, hiệp hội nghề nghiệp trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại. Cung cấp nhiều thông tin có giá trị phục vụ công tác nghiệp vụ thông qua hợp tác trao đổi thông tin với Hải quan các nước.
Tăng cường các giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ
Trong tình hình hiện nay, tội phạm về buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại và hàng giả vẫn diễn biến phức tạp, với thủ đoạn tinh vi và gắn với tệ nạn tham nhũng, làm thất thu ngân sách, thất thoát tài nguyên, tác động xấu đến môi trường đầu tư, kinh doanh và hội nhập quốc tế...
Trong thời gian tới, Tổng cục Hải quan tăng cường công tác điều tra, xử lý buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tập trung vào các đường dây, ổ nhóm, các đối tượng chủ mưu, cầm đầu; đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra để phát hiện, phòng ngừa vi phạm, đồng thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Củng cố lực lượng làm công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo hướng tập trung, chuyên sâu, phân định rõ trách nhiệm theo địa bàn, lĩnh vực và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; xử lý kịp thời, nghiêm minh những cán bộ, công chức tiếp tay, dung túng hoặc có biểu hiện tiêu cực khác trong thực hiện nhiệm vụ được giao, đảm bảo nội bộ vững mạnh, đáp ứng yêu cầu công tác.
Đồng thời, khẩn trương rà soát, sửa đổi bổ sung hoặc xây dựng và ban hành chế độ, quy trình luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác cán bộ, công chức trong các lực lượng chức năng, nhất là tại các vị trí nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng; hoàn thành trước 30/9/2015, trên cơ sở đó thực hiện đúng, đủ chế độ.
Tổng cục Hải quan sẽ tăng cường quản lý giá tính thuế, kiểm tra sau thông quan, hoàn thuế giá trị gia tăng, chính sách thương mại biên giới, khu kinh tế cửa khẩu, khu thương mại, thị trường nội địa, các loại hình kinh doanh, dịch vụ dễ dẫn đến buôn lậu, gian lận thương mại như xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, gửi kho ngoại quan, bán hàng miễn thuế, sản xuất xuất khẩu, gia công, vận chuyển hàng hóa từ biên giới vào nội địa.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh các hoạt động kiểm tra, thanh tra về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, điều kiện sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thuộc diện quản lý chuyên ngành; xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin giữa các Bộ, ngành, địa phương và lực lượng chức năng để nắm chắc địa bàn, đối tượng, phương thức thủ đoạn buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất, kinh doanh hàng giả.