Hải quan Thanh Hóa thu ngân sách nhà nước đạt 104% chỉ tiêu được giao

T.Nguyên

Tính đến 30/7/2022, Cục Hải quan Thanh Hóa đã thu nộp ngân sách nhà nước (NSNN) là 11.446,5 tỷ đồng; đạt 104% so với chỉ tiêu Bộ Tài chính giao (11.000 tỷ đồng), 95% chỉ tiêu giao của TCHQ (12.000 tỷ đồng); tăng 55,9% so với cùng kỳ năm 2021.

Công chức Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Na Mèo (Hải quan Thanh Hóa) thực hiện thủ tục hải quan cho cư dân biên giới
Công chức Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Na Mèo (Hải quan Thanh Hóa) thực hiện thủ tục hải quan cho cư dân biên giới

Trong đó, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Nghi Sơn và Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Na Mèo đã hoàn thành chỉ tiêu giao thu năm 2022 (Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Nghi Sơn: 11.274 tỷ/10.668 tỷ, đạt 105% chỉ tiêu giao thu; Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Na Mèo: 4,22 tỷ/3 tỷ, đạt 140% chỉ tiêu giao thu).

Số thu từ nguồn thuế giá trị gia tăng của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn là 9.215 tỷ đồng/20 chuyến, chiếm 80,5% tổng số thu toàn Cục.

Tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu là 7,617 tỷ USD, tăng 43,4%. Trong đó kim ngạch xuất khẩu là 2,576 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu là 5,041 tỷ USD.

7 tháng đầu năm, đơn vị đã xử lý 66.962 lượt thủ tục hành chính. Trong đó, 60.359 thủ tục hành chính (TTHC) xử lý trên phầm mền Dịch vụ công trực tuyến (HQ36a), 6.603 TTHC được tiếp nhận trực tiếp và qua dịch vụ bưu chính); Trả kết quả 66.891 hồ sơ (số lượng hồ sơ giải quyết trước hạn là 1.090 và số hồ sơ giải quyết đúng hạn là 65.801; hồ sơ đang xử lý trong thời hạn là 71). Số lượng thủ tục được giải quyết qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đạt 90,1%/ tổng số TTHC phát sinh tại đơn vị.

Cục Hải quan Thanh Hóa tiếp tục thực hiện tốt cơ chế đối thoại Hải quan - Doanh nghiệp; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình làm thủ tục hải quan. Qua đối thoại sẽ thúc đẩy mối quan hệ đối tác Hải quan - Doanh nghiệp ngày càng phát triển, giải quyết kịp thời và hiệu quả, đáp ứng sự hài lòng của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp hiểu sâu hơn về quyền lợi và nghĩa vụ của mình, xây dựng lòng tin của doanh nghiệp vào một môi trường kinh doanh thuận lợi.

Đồng hành và chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp thông qua việc nắm bắt và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu; duy trì “Tổ giải quyết vướng mắc” ở cấp Cục và Chi cục.

Triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin trong các khâu nghiệp vụ trong đó tập trung nâng cấp các Hệ thống công nghệ thông tin phục vụ công tác chuyên môn nghiệp vụ theo đúng lộ trình của Tổng cục Hải quan; triển khai vận hành, duy trì các phần mềm nghiệp vụ thông suốt, ổn định và triển khai có hiệu quả Hệ thống Hải quan số, Hải quan thông minh theo lộ trình của Tổng cục Hải quan.