Hâm nóng vốn đầu tư từ Anh vào Việt Nam
Chuyến thăm Việt Nam kéo dài hai ngày (29 và 30/7) của Thủ tướng Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland David Cameron được cho là sẽ tạo điều kiện thúc đẩy quan hệ quan hệ hợp tác đầu tư tương xứng với mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai quốc gia.
Hai tháng trước đây, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) chính thức khởi công xây dựng cơ sở mới tại Việt Nam. Cơ sở mới này được đặt tại Khu đô thị Ecopark (Hưng Yên) với tổng vốnđầu tư70 triệu USD, trong đó giai đoạn I là 25 triệu USD.
Sự kiện này thu hút được sự chú ý của dư luận bởi cho đến nay, ít có trường đại học quốc tế nào xây dựng cơ sở hạ tầng quy mô lớn như vậy tại Việt Nam. Hơn nữa, đây cũng làdự áncó yếu tố “hâm nóng” dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Anh hiện còn khiêm tốn.
Tháng 4/2015, nhiều thông tin cho biết, Tập đoàn Hamon Developments đến từ Anh, đang quản lý tổng tài sản trị giá hơn 1 tỷ USD, đã quyết định đầu tư vào Dự án căn hộ cao cấp Gateway Thảo Điền, sau 10 năm tìm kiếm đối tác tại Việt Nam. Đối tác của dự án này là Công tyBất động sảnSơn Kim Land, dự án có tổng mức đầu tư 100 triệu USD.
Vào tháng 6 năm ngoái, Công ty Công nghệ toàn cầu Laird (Anh) chính thức thành lập nhà máy sản xuất thiết bị, linh kiện điện thoại di động thông minh tại Khu công nghiệp Quế Võ, Bắc Ninh - nhà máy đầu tiên của hãng tại Việt Nam. Dự án có vốn đầu tư khá nhỏ, chỉ 4,7 triệu USD trong giai đoạn đầu. Theo thông tin từ ông David Lockwood, Giám đốc điều hành của Laird, vốn sẽ được tăng lên trong thời gian tới.
Dù cũng có các đoàndoanh nghiệpAnh sang Việt Nam tìm kiếm các cơ hội đầu tư, song thông tin cụ thể về các dự án của nhà đầu tư Anh tại Việt Nam không nhiều, thậm chí còn có thể nói là khá khiêm tốn.
Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, 6 tháng đầu năm nay, các nhà đầu tư Anh đầu tư vào Việt Nam 10 dự án (bao gồm cả dự án tăng vốn) với tổng vốn đầu tư đăng ký là 36 triệu USD.
Trong khi đó, nếu tính lũy kế, tính đến ngày 20/6/2015, Anh có 206 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký là 3,195 tỷ USD, đứng thứ 16/103 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư có đầu tư tại Việt Nam. Ngoài ra, các công ty Anh thuộc British Virgin Island đã đầu tư vào Việt Nam với số vốn khoảng 15 tỷ USD.
Không tính khoản đầu tư từ British Virgin Island, thì hơn 3 tỷ USD vốn đầu tư từ Anh vào Việt Nam được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá là còn khiêm tốn và chưa xứng với tiềm năng. Hiện các tên tuổi Anh như Dầu khí BP, nhôm BHP Billiton, Rolls-Royce, Vodafone, vận tải P&O, GlaxoSmithKline, cácngân hàngHSBC, Standard Chartered, bảo hiểm Prudential… cũng đã có các khoản đầu tư tại Việt Nam.
Trong số này, có thể nhắc đến các Dự án của Công ty cổ phần Thành phố Aqua tại Đồng Nai, được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào ngày 22/4/2008, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 518,75 triệu USD; hay Hợp đồng thăm dò, khai thác dầu khí lô 06-2 của Tập đoàn BP, ONGC, Statoil với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam từ tháng 12/2000, với vốn đăng ký là 507 triệu USD.
Ngoài ra, còn có thể kể đến dự án của nhà đầu tư Pilkington Group Ltd (PGL), với tổng vốn đầu tư đăng ký 323 triệu USD tại Bà Rịa - Vũng Tàu từ năm 2011. Hay Dự án Sản xuất methanol của Vietnam Gas Conversion System Inc với số vốn đăng ký 270,27 triệu USD; Hợp đồng thăm dò, khai thác dầu khí Lô 05-2 của Tập đoàn BP và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, với vốn cam kết tối thiểu là 103 triệu USD…
Riêng Rolls-Royce, tuy là một nhà sản xuất lớn nhưng chưa có đầu tư xây dựng nhà máy tại Việt Nam. Tháng 8 năm ngoái, Rolls-Royce chính thức đánh dấu sự hiện diện tại Việt Nam bằng việc khai trương một phòng trưng bày tại Hà Nội. Và Rolls-Royce Motor Cars cũng đã trở thành hãng xe đầu tiên của phân khúc xe siêu sang có đại lý chính thức tại Việt Nam.
Như vậy, phần lớn vốn đầu tư từ Anh là dốc vào các dự án dầu khí, trong khi nhà đầu tư Anh còn có nhiều tiềm năng và thế mạnh trong các ngành công nghiệp khác. Điều này cũng chưa xứng với tiềm năng quan hệ hợp tác giữa hai nước, nhất là khi từ tháng 9/2010, Việt Nam và Anh đã nâng tầm quan hệ thành Đối tác chiến lược.
Chính vì vậy, theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, trong thời gian tới, để thúc đẩy hơn nữa quan hệ đầu tư giữa hai nước, cần tăng cường nghiên cứu đánh giá tiềm năng, thế mạnh của Anh để lựa chọn danh mục dự án xúc tiến đầu tư phù hợp với các nhà đầu tư; đồng thời hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án của Vương quốc Anh đang hoạt động tại Việt Nam triển khai hiệu quả, thông qua đó giới thiệu, quảng bá môi trường đầu tư của Việt Nam.
“Chính phủ hai nước cần phối hợp tăng cường triển khai các chương trình xúc tiến đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp hai nước như tổ chức hội thảo, hội chợ, triển lãm... tại Việt Nam hoặc tại Anh. Qua đó, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư hiểu biết thêm về môi trường đầu tư, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài và tiềm năng đầu tư của mỗi nước để tăng khả năng hợp tác đầu tư và kinh doanh giữa các doanh nghiệp hai nước”, ông Hoàng bày tỏ quan điểm.
Trong bối cảnh như vậy, chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng David Cameron được kỳ vọng sẽ thúc đẩy quan hệ hợp tác đầu tư và thương mại giữa hai nước.
Theo kế hoạch, tháp tùng Thủ tướng David Cameron trong chuyến công du Đông Nam Á còn có 30 doanh nghiệp chủ yếu thuộc lĩnh vực khoa học - công nghệ, cơ sở hạ tầng. Một số thỏa thuận hợp tác giữa hai bên trong các lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí, phát hành trái phiếu chính phủ, bảo dưỡng máy bay…, dự kiến sẽ được ký kết trong dịp này.