Cần hiểu đúng về vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong việc thúc đẩy thu hút FDI
Thực tế cho thấy, môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi sẽ tạo điều kiện để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam. Do đó, việc tăng cường công tác kiểm toán của KTNN đối với hoạt động thu hút FDI đóng vai trò hết sức quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay, vẫn còn có những ý kiến hiểu chưa đúng về vai trò của KTNN trong việc thực hiện nhiệm vụ này…
Làm rõ trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước
Muốn xác định được vai trò của KTNN trong thu hút vốn FDI, trước hết, chúng ta phải hiểu sứ mệnh của KTNN là thực hiện tính minh bạch và trách nhiệm giải trình đối với nền tài chính quốc gia. Các nhà đầu tư nước ngoài khi dự định đầu tư vào một quốc gia hay vùng lãnh thổ thì vấn đề quan tâm đầu tiên là quốc gia đó có đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm giải trình không? Các chính sách của quốc gia đó có minh bạch từ quá trình ban hành cho đến tổ chức thực thi và các cơ quan nhà nước ở quốc gia đó có đảm bảo trách nhiệm giải trình hay không? Tất cả các công việc này theo thông lệ quốc tế tốt nhất thuộc trách nhiệm của cơ quan kiểm toán tối cao.
KTNN sẽ thực hiện trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước, từ đó góp phần làm nên tính minh bạch của nền tài chính quốc gia. Đây là nền tảng cơ bản để các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm khi đầu tư vào Việt Nam. Tất cả các cơ quan của Chính phủ đều phải thực hiện trách nhiệm giải trình để đảm bảo công khai, minh bạch trong sử dụng nguồn lực và thực thi các chính sách công. Khi các cơ quan Chính phủ đảm bảo tính minh bạch từ việc thiết kế chính sách, tổ chức thực thi, đánh giá lại chính sách và KTNN kiểm toán, xác nhận, công khai việc thực hiện của các cơ quan Chính phủ thì đây sẽ là điều kiện tốt để các nhà đầu tư tin tưởng, yên tâm đầu tư.
Với hàm ý trên, vai trò của KTNN trong thu hút FDI được thể hiện ở những khía cạnh sau. Trước hết, cơ quan nhà nước làm nhiệm vụ thiết kế các chính sách thu hút FDI và có trách nhiệm giải trình về việc thực hiện chính sách này, đảm bảo tuân thủ pháp luật Việt Nam và thu hút nguồn vốn FDI để phát triển đất nước. Muốn vậy, cơ quan nhà nước phải thực hiện trách nhiệm giải trình thông qua hoạt động KTNN.
Ví dụ, kiểm toán Bộ Kế hoạch và Đầu tư để đánh giá việc xây dựng kế hoạch thu hút FDI, đưa ra chính sách ưu đãi có đảm bảo tuân thủ pháp luật, công khai, minh bạch để các nhà đầu tư được tiếp cận một cách dễ dàng, có đảm bảo công bằng giữa các nhà đầu tư hay không? Hoạt động kiểm toán của KTNN còn góp phần đánh giá công tác quản lý hành chính của các cơ quan nhà nước, liệu các nhà đầu tư có quá mất nhiều thời gian và thủ tục rườm rà không? Các kết quả kiểm toán này cần được công khai để tạo ra môi trường đầu tư minh bạch. Như vậy, vai trò của KTNN là góp phần làm minh bạch, mang lại niềm tin cho nhà đầu tư.
Mặt khác, thông qua hoạt động kiểm toán, trách nhiệm giải trình của KTNN được thực hiện. Điều đó đảm bảo cho cơ quan nhà nước không xâm lấn lợi ích của nhà đầu tư, giúp họ yên tâm đầu tư. KTNN sẽ kiểm toán đối với các cơ quan quản lý, cơ quan ban hành chính sách để đảm bảo rằng các cam kết giữa Chính phủ với nhà đầu tư được thực hiện, đủ điều kiện thực hiện và phù hợp với pháp luật Việt Nam. Nhà đầu tư sẽ yên tâm khi quyền lợi của mình được đảm bảo thông qua việc đảm bảo các cam kết của Chính phủ và có cơ quan KTNN xác nhận.
Việc kiểm toán chính sách ưu đãi đầu tư và công khai kết quả này cũng sẽ tạo sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân. Chẳng hạn như việc thu hồi đất của người dân để thực hiện dự án đầu tư. KTNN sẽ kiểm toán và đưa ra ý kiến về sự phù hợp trong việc thu hồi đất cũng như lợi ích mà người dân được hưởng, qua đó sẽ tạo sự đồng thuận của người dân. Đây chính là yếu tố quan trọng giúp nhà đầu tư yên tâm rót vốn và triển khai các dự án được thuận lợi.
Đồng thời, việc kiểm toán nội dung này còn nhằm đảm bảo mặt bằng ưu đãi đầu tư chung trong toàn quốc, tránh tình trạng nhà đầu tư lạm dụng và chạy theo ưu đãi của các địa phương; đồng thời tạo điều kiện cho nhà đầu tư yên tâm đầu tư có chiều sâu. Vấn đề quan trọng nữa là thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đánh giá trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc đưa ra các ưu đãi và định hướng thu hút đầu tư, ngăn ngừa việc DN FDI kéo công nghệ bẩn, công nghệ lạc hậu vào Việt Nam.
Vai trò của KTNN còn được thể hiện qua kiểm toán việc thực hiện chính sách thuế và ưu đãi thuế. Việc công khai kết quả kiểm toán này trước nhân dân nhằm đảm bảo sự bình đẳng trong việc thực hiện chính sách, không phân biệt giữa DN trong và ngoài nước, DNNN và DN FDI, DN có vốn đầu tư nước ngoài và DN có vốn đầu tư trong nước.
Ngoài ra, kiểm toán còn là để xem xét, đánh giá sự phù hợp của các chính sách ưu đãi đầu tư với các hiệp định và điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, tạo sự yên tâm cho các nhà đầu tư về một môi trường kinh doanh phù hợp với thông lệ quốc tế.
Tóm lại, kiểm toán việc thực hiện chính sách thu hút FDI sẽ giúp KTNN thực hiện đúng sứ mệnh của mình là tạo ra tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong các cơ quan thuộc Chính phủ. Một Chính phủ có tính minh bạch và trách nhiệm giải trình cao sẽ tạo điều kiện cho DN FDI yên tâm đầu tư.
Đánh giá việc thực hiện cam kết của các nhà đầu tư
Kiểm toán việc thực hiện chính sách thu hút FDI không chỉ nhằm đánh giá trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trong vấn đề này mà còn đưa ra ý kiến về việc thực hiện các cam kết của nhà đầu tư đối với Việt Nam. Chính phủ Việt Nam chủ trương không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế.
Thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đưa ra nhận định liệu nhà đầu tư có đảm bảo cam kết bảo vệ môi trường hoặc có đưa công nghệ bẩn, lạc hậu vào Việt Nam hay không? Nhà đầu tư phải thực hiện trách nhiệm giải trình này. Đây là vấn đề lớn, cần phải được kiểm tra, giám sát thường xuyên. Bài học về Fomosa cho thấy hoạt động thu hút FDI không thể thiếu công tác kiểm tra, giám sát từ phía các cơ quan nhà nước và kinh nghiệm quốc tế cũng chỉ ra rằng, việc làm này là hoàn toàn phù hợp.
Hơn nữa, KTNN vào cuộc để đánh giá xem DN FDI có thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế và có chuyển giá, gian lận, trốn thuế, tránh thuế hay không? Đây gọi là kiểm toán vì mục đích thuế để đảm bảo DN FDI khi đầu tư vào Việt Nam phải thực hiện đúng các cam kết cũng như luật pháp Việt Nam, hoạt động bình đẳng với các DN khác, từ đó tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, góp phần thu hút các nhà đầu tư tiềm năng. Thông qua hoạt động kiểm toán đất đai, môi trường, thuế và công khai các kết quả kiểm toán này, KTNN sẽ giúp nhà đầu tư hiểu được rằng đầu tư vào Việt Nam là phải cạnh tranh bình đẳng, có trách nhiệm.
Lựa chọn các chuyên đề kiểm toán
Để thực hiện tốt vai trò thúc đẩy thu hút FDI, tới đây, KTNN nên lựa chọn các chuyên đề kiểm toán. Chẳng hạn, kiểm toán Chuyên đề Trách nhiệm thực hiện cam kết thu hút FDI của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhằm đánh giá chính sách ưu đãi có phù hợp với pháp luật Việt Nam, đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư hay không? Hoặc kiểm toán Chuyên đề Thực hiện ưu đãi thuế cho các DN FDI để đánh giá xem chính sách ưu đãi thuế có đủ hấp dẫn nhà đầu tư, có tồn tại sự bất bình đẳng giữa DN trong và ngoài nước không? Kiểm toán các chuyên đề này còn nhằm đảm bảo cho các chính sách được triển khai đúng hướng, cân bằng các mặt lợi ích, phát triển hài hòa giữa DN trong nước và DN FDI, giữa thị trường nội địa và thị trường nước ngoài.
KTNN cũng có thể kiểm toán việc ưu đãi đất tại các khu công nghiệp cho nhà đầu tư nước ngoài hay kiểm toán môi trường để đảm bảo các DN FDI thực hiện đúng cam kết bảo vệ môi trường.
Hiến pháp và pháp luật đều đã quy định về vai trò, sứ mệnh của KTNN, điều quan trọng là các bên liên quan nhận thức đúng vai trò, sứ mệnh này. Để thực hiện tốt các chuyên đề trên, KTNN cần có đội ngũ kiểm toán viên am hiểu về chính sách, luật pháp, các điều ước, công ước quốc tế; huy động được đội ngũ chuyên gia giỏi. Đồng thời, hỗ trợ tích cực từ phía Chính phủ, Quốc hội, sự vào cuộc của các cơ quan báo chí cũng góp phần giúp KTNN phát huy vai trò trong việc thúc đẩy thu hút FDI.
* TS. Lê Đình Thăng - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III