Hàng giả, nhái bán tràn lan, Lazada và Shopee nói gì?
Lazada né tránh trả lời, Shopee cho rằng mình không đủ khả năng để chặn hàng giả, hàng nhái.
Trước thông tin sàn thương mại Shopee, Lazada tràn ngập các mặt hàng giả, nhái các loại... đại diện Lazada không đưa ra phản hồi nhưng tiếp tục cho phép nhiều gian hàng buôn bán hàng phạm pháp.
Trong khi đó, Shopee khẳng định công ty luôn siết chặt việc kiểm tra và rà soát hoạt động kinh doanh của các nhà bán hàng. “Đồng thời, chúng tôi cũng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh trên Shopee”.
Hàng nhái giả vẫn tràn lan trên Shopee và Lazada
Tuy vậy, theo người dùng phản ánh, các mặt hàng giả, nhái trên các trang thương mại điện tử không xuất hiện đơn lẻ mà có hệ thống. Thậm chí, dựa vào thói quen mua sắm của người dùng, Shopee và Lazada còn đưa ra các nhóm sản phẩm gợi ý. Trong đó sản phẩm giả, nhái thương hiệu chiếm số lượng áp đảo hàng chính hãng.
Với từ khóa "Galaxy Note 9", cả Shopee và Lazada đều trả về hàng chục kết quả với giá cả đa dạng từ 2-20 triệu đồng. Một số cửa hàng bán Note9 còn quảng cáo là hàng "chính hãng" với giá chưa đến 5 triệu đồng.
Với mức giá đáng ngờ, những sản phẩm trên vẫn ghi trong phần mô tả là chính hãng từ thương hiệu Samsung. Các thông số khác như chip, RAM, ROM, camera đều giống hệt hàng chính hãng.
Hỗn loạn hơn cả là các sản phẩm iPhone. Cùng một mẫu máy và thông số nhưng có nhiều loại như máy cũ, máy mới, máy tân trang với giá khác nhau.
Khi được hỏi một model iPhone có giá 3 triệu đồng nguồn từ đâu, người bán trả lời hàng Đài Loan hoặc Hong Kong. Họ cố tình lập lờ việc đây là những sản phẩm nhái, giả hòng lừa dối người dùng.
"Shopee không đủ khả năng phân biệt thật giả"
Với từ khóa “Adidas”, Shopee cho ra kết quả tìm kiếm hầu hết là sản phẩm giày nhái mẫu mã thương hiệu với giá dưới 500.000 đồng.Giải thích cho việc này, Shopee cho rằng họ không đủ “năng lực” để phân biệt hàng thật hàng nhái.
“Với lượng người tham gia kinh doanh và số lượng mặt hàng lớn và Shopee không phải là một tổ chức có thẩm quyền/chức năng/nghiệp vụ cũng như không có đủ năng lực chuyên môn để thẩm định chất lượng sản phẩm đăng bán có phải là hàng giả/hàng nhái hay không, rất khó để có thể phân biệt đâu là hàng giả, hàng nhái kém chất lượng khi khách hàng đăng bán”, đại diện Shopee trả lời..
Theo Shopee, trách nhiệm đảm bảo tính chính xác, trung thực của thông tin về hàng hóa, dịch vụ cung cấp trên sàn giao dịch thương mại điện tử theo quy định tại Điều 37.3 của Nghị định 52 là của chủ gian hàng.
Về phần mình, Shopee có trách nhiệm xử lý kịp thời khi phát hiện hoặc nhận được phản ánh về hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật trên sàn giao dịch thương mại điện tử.
Đồng thời, công ty cũng hỗ trợ cơ quan quản lý Nhà nước điều tra các hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật như cung cấp thông tin đăng ký, lịch sử giao dịch và các tài liệu khác về đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật trên sàn giao dịch thương mại điện tử.
Shopee cũng cho biết sẽ “tạm khóa” những mặt hàng nhái, giả như Zing.vn đề cập. Đại diện Shopee cho biết mức phạt cao nhất mà sàn thương mại này áp dụng là tạm khóa gian hàng trong 28 ngày.
Tuy nhiên, sau nhiều ngày, những mặt hàng tương tự vẫn tồn tại. Trong số đó có model Galaxy Note9 được người bán cam kết “chính hãng” với mức giá 2,5 triệu đồng.
"Với mức phạt "tạm khóa 28 ngày" cùng cơ chế đăng ký gian hàng dễ dàng, có thể thấy Shopee chưa thật sự làm hết khả năng để ngăn chặn hàng giả, nhái kém chất lượng trên nền tảng của mình", Trọng Nhân, chuyên gia marketing thương hiệu thuộc Mieu chia sẻ.
Lazada né tránh trả lời, dung túng hàng giả, nhái?
Đáp lại thông tin dung túng hàng nhái hàng giả, Lazada tránh né trả lời các câu hỏi. Đồng thời, Lazada cũng không có bất kỳ động thái nào ngăn chặn nào.
Mẫu son môi từ hãng Mac có giá thị trường 400-800 nghìn đồng nhưng trên Lazada, một set hai cây son Mac chỉ có giá 170 nghìn đồng. Thậm chí, một số cửa hàng của Lazada còn bán mẫu son trên với giá 40 nghìn đồng, mức giá không tưởng của thương hiệu Mac.
Ngoài hàng giả, Lazada cũng từng dính bê bối khi tiếp tay cho hàng cấm. Tháng 2/2019, Lazada bị phát hiện tiếp tay cho thông tin rao bán thiết bị lắp ráp súng. Điều này cho thấy vấn đề kiểm duyệt nội dung rao bán của nền tảng này vẫn còn sơ sài.
Ngay sau thông tin trên, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) cũng đã lên tiếng đề nghị các thương nhân, tổ chức sở hữu website và ứng dụng sàn giao dịch thương mại điện tử kiểm tra, rà soát, gỡ bỏ khỏi website và ứng dụng sàn giao dịch thương mại điện tử các sản phẩm, thiết bị để lắp ráp súng, vũ khí thô sơ như dao găm, kiếm, côn, cung, nỏ, phi tiêu…
Dù không rao bán súng nguyên chiếc nhưng với những thiết bị, linh kiện bán rời trên Lazada, người có hiểu biết về vũ khí có thể tự lắp ráp thành một cây súng hoàn chỉnh, có thể bắn đạn bằng bi sắt hoặc bằng khí nén CO2 gây sát thương.