Hàng hóa trên thị trường các-bon tuân thủ tại một số quốc gia và vùng lãnh thổ

Huy Nguyễn

Thị trường các-bon được ghi nhận là một trong các phương pháp định giá các-bon chính trên thế giới. Thị trường các-bon được phân loại thành thị trường các-bon tự nguyện và thị trường các-bon tuân thủ. Trong đó, thị trường các-bon tuân thủ đang được nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ áp dụng để đạt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính.

Thị trường các-bon tuân thủ được nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ áp dụng để đạt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính.
Thị trường các-bon tuân thủ được nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ áp dụng để đạt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính.

Theo nghĩa vụ tuân thủ, thị trường các-bon được phân loại gồm: thị trường các-bon tuân thủ và thị trường các-bon tự nguyện. Thị trường các-bon tuân thủ được các chính phủ thành lập như một phương tiện để đạt được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính quốc gia khi đặt ra mức trần phát thải và phân bổ nó cho các doanh nghiệp phát thải lớn. Thị trường này hoạt động trên cơ sở các quy định của pháp luật và bắt buộc các cơ sở phát thải khí nhà kính phải tham gia để đáp ứng các mục tiêu giảm phát thải nhất định. Hàng hóa được trao đổi trên thị trường các-bon tuân thủ chủ yếu là hạn ngạch phát thải khí nhà kính.

Ở mỗi giai đoạn, các doanh nghiệp sẽ được chính phủ phân bổ một lượng hạn ngạch phát thải nhất định; việc phân bổ có thể là miễn phí hoặc kết hợp với phân bổ qua đấu giá (tức là doanh nghiệp phải tham gia đấu giá và trả tiền cho chính phủ để nhận được hạn ngạch/quyền phát thải khí nhà kính).

Trên thị trường các-bon tuân thủ, việc tổ chức đấu giá hạn ngạch phát thải còn được hiểu là vận hành “thị trường sơ cấp”. Để khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện giảm phát thải, hạn ngạch được chính phủ cho phép trao đổi thương mại. Theo đó, các doanh nghiệp phát thải ít hơn so với mức hạn ngạch được cấp thì có thể đem bán lượng hạn ngạch còn dư thừa cho các doanh nghiệp khác trên thị trường và ngược lại. Việc trao đổi, mua bán hạn ngạch này giữa các doanh nghiệp trên thị trường các-bon tuân thủ còn được hiểu là “thị trường thứ cấp”.

Vì là hàng hóa đặc trưng của thị trường các-bon tuân thủ nên tại 03 thị trường EU, Hàn Quốc và Trung Quốc, Hệ thống mua bán phát thải khí nhà kính (ETS) đều bao gồm loại hàng hóa là hạn ngạch phát thải khí nhà kính. Tại EU và Hàn Quốc, hạn ngạch được phân bổ miễn phí kết hợp với phân bổ qua đấu giá, còn tại Trung Quốc thì mới chỉ phân bổ miễn phí, chưa thực hiện đấu giá.

Hiện nay, vẫn có nhiều quan điểm khác nhau về việc coi hạn ngạch phát thải là một loại tài sản hay một loại công cụ tài chính/chứng khoán hay là quyền tài sản… Tại Trung Quốc, hạn ngạch phát thải không được coi là một công cụ tài chính nhưng riêng với hoạt động kế toán doanh nghiệp, Bộ Tài chính Trung Quốc đã ban hành một chính sách tạm thời; theo đó, lượng hạn ngạch mà doanh nghiệp mua trên thị trường thứ cấp (không bao gồm số hạn ngạch được Chính phủ phân bổ miễn phí) sẽ được tính là tài sản trong báo cáo tài chính của doanh nghiệp.

Tại EU, hạn ngạch phát thải được phân loại là công cụ tài chính theo Chỉ thị số 2014/65/EU năm 2018 của Nghị viện và Hội đồng châu Âu. Do vậy, việc giao dịch hạn ngạch phát thải trên Hệ thống mua bán phát thải của Liên minh châu Âu (EU-ETS) được quản lý theo các quy tắc của thị trường tài chính. Bên cạnh đó, các sản phẩm phái sinh của hạn ngạch cũng đã được triển khai tại thị trường châu Âu và cũng đồng thời được coi là công cụ tài chính như: hợp đồng tương lai, hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng quyền chọn và hợp đồng hoán đổi… Hàn Quốc và Trung Quốc hiện chưa giới thiệu các sản phẩm phái sinh trên thị trường các-bon tuân thủ nhưng cũng đã có kế hoạch phát triển các sản phẩm này trong tương lai.

Ngoài hàng hóa cơ bản là hạn ngạch phát thải khí nhà kính, thị trường các-bon tuân thủ cũng có thể cho phép trao đổi một loại hàng hóa khác là tín chỉ các-bon. Tín chỉ các-bon là một chứng chỉ được chính phủ hoặc các tổ chức thẩm định độc lập cấp cho cá nhân/tổ chức/doanh nghiệp khi thực hiện các hoạt động cắt giảm phát thải hoặc hấp thụ khí nhà kính theo các bộ tiêu chuẩn được quy định riêng.

Mỗi tín chỉ các-bon gắn liền với chứng nhận giảm phát thải 1 tấn CO2 hoặc 1 tấn CO2 tương đương, vì vậy một số quốc gia cho phép doanh nghiệp sử dụng tín chỉ các-bon để bù trừ lượng phát thải của mình ở một mức độ nhất định (gần giống như sử dụng hạn ngạch). Tuy nhiên, thực tế có rất nhiều loại tín chỉ các-bon, được các tổ chức độc lập cấp theo tiêu chí khác nhau; do đó, loại tín chỉ các-bon nào được phép giao dịch trên thị trường các-bon tuân thủ và được sử dụng để bù trừ phát thải sẽ do chính phủ quy định.

Tại thị trường Hàn Quốc và Trung Quốc đều cho phép giao dịch tín chỉ các-bon và sử dụng tín chỉ các-bon để bù trừ phát thải. Ở Trung Quốc, tín chỉ các-bon quốc gia của Trung Quốc (CCER) là loại tín chỉ được phép giao dịch trên Hệ thống mua bán phát thải quốc gia và được phép sử dụng để bù trừ phát thải. Tại Hàn Quốc, từ giai đoạn phát triển thứ 2 (từ năm 2018-2020), tín chỉ các-bon bù trừ Hàn Quốc (KOC) được Chính phủ cho phép giao dịch trên Hệ thống mua bán phát thải quốc gia Hàn Quốc (K-ETS). Đây là tín chỉ giảm phát thải khí nhà kính được cấp theo các tiêu chuẩn quốc tế cho các dự án ngoài phạm vi của K-ETS.

Tuy nhiên, để được giao dịch trên K-ETS thì KOC phải được chuyển đổi thành Đơn vị tín chỉ các-bon Hàn Quốc (KCU). Mỗi KCU có giá trị phát thải tương đương với 1 đơn vị hạn ngạch phát thải nên các doanh nghiệp có thể mua bán và sử dụng KCU để bù trừ cho lượng phát thải của mình.

Riêng với thị trường châu Âu, trong các giai đoạn 1, 2 và 3, bên cạnh hàng hóa chính là hạn ngạch phát thải khí nhà kính, EU-ETS cho phép các chủ thể trao đổi tín chỉ các-bon và sử dụng để bù trừ với lượng phát thải của mình. Tuy nhiên, bắt đầu từ giai đoạn 4 (từ năm 2021-2030), EU đã ngừng cho phép sử dụng tín chỉ các-bon để bù trừ phát thải, hàng hóa trên thị trường chỉ còn là hạn ngạch phát thải khí nhà kính.