Thị trường các-bon giúp các quốc gia thực hiện mục tiêu cắt giảm phát thải khí nhà kính
Các quốc gia đang nỗ lực áp dụng các công cụ nhằm giảm phát thải khí nhà kính. Trong đó, một trong nhưng công cụ được các quốc gia áp dụng rộng rãi trên thế giới đó là thị trường các-bon.
Để đạt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính theo Thỏa thuận Paris, các quốc gia trên thế giới đã và đang xây dựng, triển khai các công cụ định giá các-bon, trong đó có hai công cụ chủ yếu là thuế các-bon và thị trường các-bon. Trong đó, thị trường các-bon đang được sử dụng phổ biến để thúc đẩy hoạt động mua và bán quyền phát thải các-bon.
Theo Chương trình phát triển của Liên hợp quốc UNDP, thị trường các-bon là hệ thống giao dịch trong đó các hàng hóa các-bon (hạn ngạch phát thải và tín chỉ các-bon) được bán và mua. Thị trường các-bon là công cụ định giá các-bon được các quốc gia quan tâm và ưu tiên áp dụng, bởi thị trường các-bon có những vai trò quan trọng và ý nghĩa như sau:
Thứ nhất, thị trường các-bon là một công cụ định giá các-bon quan trọng có vai trò hỗ trợ các quốc gia thực hiện mục tiêu cắt giảm phát thải khí nhà kính theo các cam kết quốc tế đã ký (Nghị định thư Kyoto, Thoả thuận Paris) hướng tới phát triển nền kinh tế các-bon thấp hoặc nền kinh tế không phát thải khí nhà kính.
Thứ hai, thị trường các-bon tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức tham gia thị trường tạo nguồn thu tài chính, nghiên cứu, tiếp cận, cải tiến công nghệ theo hướng phát thải ít các-bon hoặc không phát thải các-bon. Từ đó, người tiêu dùng sẽ có thêm cơ hội lựa chọn các sản phẩm, dịch vụ xanh, thân thiện với môi trường góp phần thúc đẩy xu hướng tiêu dùng xanh.
Thứ ba, xây dựng và phát triển thị trường các-bon là cơ hội để các cơ quản quản lý, các nhà hoạch định chính sách có góc nhìn toàn diện hơn trong quản lý phát thải khí nhà kính, hướng tới phát triển nền kinh tế carbon thấp và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Ngoài ra, nguồn thu từ việc đấu giá, giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon góp phần tạo thêm nguồn ngân sách cho chính phủ các nước sử dụng để đầu tư vào các dự án bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu hoặc thực hiện các chính sách an sinh xã hội của quốc gia.