Các yếu tố cấu thành thị trường các-bon

Khánh Chi

Thị trường các-bon là một trong các công cụ được các quốc gia áp dụng rộng rãi trên thế giới nhằm giảm phát thải khí nhà kính. Bài viết này đánh giá tổng quan về các yếu tố cấu thành thị trường các-bon.

Hàng hóa giao dịch trên thị trường các bon bao gồm hạn ngạch phát thải và tín chỉ các-bon.
Hàng hóa giao dịch trên thị trường các bon bao gồm hạn ngạch phát thải và tín chỉ các-bon.

Theo các chuyên gia, tương tự như mô hình các thị trường truyền thống, thị trường các-bon khi thành lập phải có đầy đủ các yếu tố cơ bản để hình thành và phát sinh giao dịch như hàng hóa, chủ thể tham gia, sàn giao dịch và các quy tắc, nguyên tắc vận hành thị trường. Theo đó, các yếu tố cấu thành thị trường các-bon bao gồm hàng hóa, chủ thể tham gia thị trường, sàn giao dịch các-bon, cơ quan quản lý nhà nước. Cụ thể:

Hàng hóa giao dịch trên thị trường các bon 

Hạn ngạch phát thải khí nhà kính (Carbon allowance) là giấy phép do Chính phủ cấp, cho phép một công ty hoặc tổ chức phát thải một lượng các-bon đioxit (CO2) hoặc CO2 tương đương cụ thể vào khí quyển. Định mức này được ban hành theo các quy tắc, chương trình cụ thể và có thể được giao dịch giữa các công ty thuộc đối tượng kiểm kê khí nhà kính trên thị trường các-bon.

Đối với hạn ngạch phát thải khí nhà kính, các doanh nghiệp trong nước sẽ được cơ quan nhà nước phân bổ miễn phí hoặc qua đấu giá, ở những giai đoạn đầu triển khai thị trường các-bon trong nước tỷ lệ hạn ngạch phát thải khí nhà kính được phân bổ miễn phí có thể đến 100%; ở các giai đoạn sau tỷ lệ phân bổ miễn phí giảm xuống, cùng với hình thức phân bổ qua đấu giá.

Theo tổ chức Đối tác hành động các-bon quốc tế ICAP, hai phương pháp phổ biến trong trường hợp phân bổ hạn ngạch miễn phí là: phân bổ dựa trên lịch sử phát thải của doanh nghiệp (grandfathering) và phân bổ dựa trên cường độ phát thải của doanh nghiệp (benchmarking).

Với việc phân bổ dựa trên lịch sử phát thải, các cơ sở thuộc phạm vi điều chỉnh của thị trường sẽ nhận được hạn ngạch phát thải theo lượng phát thải lịch sử của họ trong năm cơ sở hoặc giai đoạn cơ sở. Với phương pháp phân bổ miễn phí dựa trên cường độ phát thải, hạn ngạch được phân bổ theo các chỉ số về hiệu suất sản xuất/phát thải của doanh nghiệp. 

Tín chỉ các-bon (Carbon credit) là một đơn vị giảm khí thải được sử dụng để đo lường lượng khí thải một tổ chức/dự án đã giảm được hoặc tránh phát thải. Tín chỉ các-bon có giá trị thương mại và có thể được mua và bán trên thị trường các-bon. Tín chỉ các-bon cũng là giấy phép có thể bán được, mỗi giấy phép phản ánh một tấn khí thải các-bon dioxide (hoặc một tấn khí thải CO2 tương đương) mà một doanh nghiệp được phép thải ra. 

Các bộ tiêu chuẩn sẽ bao gồm cả việc đo lường lượng giảm phát thải kính kính, xác định khối lượng tín chỉ được cấp; dự án sẽ phải trải qua nhiều công đoạn để được cấp tín chỉ, từ việc thuế tư vấn, đăng ký hồ sơ, thẩm định, nhận kết quả… Điều này cũng đồng nghĩa với việc bên cạnh chi phí phát triển dự án, doanh nghiệp phải chi trả các khoản chi phí nhất định theo yêu cầu của tổ chức thẩm định để thực hiện các công đoạn trước khi được chính thức cấp tín chỉ các-bon.

Các chủ thể tham gia thị trường các-bon

Việc cho phép chủ thể nào tham gia vào thị trường các-bon phụ thuộc vào quy định của mỗi quốc gia cũng như tùy thuộc vào tính chất của mỗi thị trường. Đối với thị trường các-bon tuân thủ (như các cơ chế mua bán phát thải), đối tượng chính tham gia thị trường là các thực thể/doanh nghiệp/cơ sở phát thải khí nhà kính thuộc diện tuân thủ thị trường. Hay nói các khác, đối tượng tham gia thị trường các-bon tuân thủ là các cơ sở được phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính.

Theo kế hoạch phát thải và giao dịch, những cơ sở tham gia thị trường phải nộp đủ giấy phép vào cuối chu kỳ tuân thủ để tuân thủ lượng phát thải khí nhà kính của họ. Trong trường hợp có mức phát thải vượt quá ngưỡng hạn ngạch được phân bổ, các cơ sở có thể cân nhắc việc mua thêm hạn ngạch phát thải của các cơ sở khác trên thị trường hoặc cũng có thể mua bán hạn ngạch với các mục đích kinh tế khác. Ngoài ra, những cơ sở này phải tuân theo quy trình đo đạc, báo cáo, thẩm định (MRV) phát thải khí nhà kính do chính phủ quy định.

Một số thị trường cũng có thể cho phép các chủ thể không thuộc đối tượng phân bổ hạn ngạch vẫn có quyền mua bán hạn ngạch phát thải trên thị trường hoặc mua bán các sản phẩm phái sinh trên thị trường thứ cấp. Các chủ thể này có thể bao gồm các nhà đầu cơ bán lẻ, thương nhân hàng hóa, nhà môi giới và trung gian tài chính như ngân hàng thương mại.

Các trung gian tài chính này tham gia sôi nổi trên thị trường thứ cấp nhằm tìm kiếm lợi nhuận từ biến động giá của hạn ngạch phát thải, tín chỉ các-bon cũng như từ giao dịch các công cụ phái sinh như hợp đồng tương lai và hợp đồng quyền chọn của hạn ngạch phát thải và tín chỉ các-bon. Những nhà đầu tư này có thể cung cấp tính thanh khoản cho thị trường các-bon tuân thủ cũng như giúp xác định giá hàng hóa trên thị trường các-bon tuân thủ chính xác hơn.

Sàn giao dịch các-bon

Sàn giao dịch các-bon (carbon exchange) được thiết kế để phục vụ cho hoạt động mua bán hạn ngạch phát thải, tín chỉ các-bon và các công cụ/sản phẩm phái sinh của chúng trong thị trường các-bon. Sàn giao dịch các-bon có thể được tổ chức trực tiếp hoặc thông qua nền tảng trực tuyến.

Trên thực tế, trong giai đoạn đầu triển khai, thị trường các-bon có thể tổ chức giao dịch theo phương thức thỏa thuận. Tùy thuộc quy mô thị trường có thể phát triển sàn giao dịch với nền tảng trực tuyến giao dịch theo phương thức khớp lệnh tập trung nhằm tăng tính thanh khoản của thị trường (như Nhật Bản đã tổ chức thí điểm giao dịch tín chỉ các-bon trên sàn giao dịch chứng khoán Tokyo), cũng như tạo thuận lợi cho việc quản lý, giám sát thị trường, qua đó tăng tính minh bạch của thị trường các-bon tuân thủ nội địa.

Cơ quan quản lý nhà nước

Chính phủ hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý thị trường đóng vai trò là người thiết kế, kiểm tra, giám sát và thực thi các hoạt động của thị trường các-bon tuân thủ. Các cơ quan nhà nước cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy cung và cầu trên thị trường các-bon, Chính phủ đặt ra giới hạn phát thải hoặc mức cơ sở dựa trên các mục tiêu khí hậu của mình và phân phối hạn ngạch phát thải ra thị trường thông qua phân bổ miễn phí hoặc đấu giá.

Cơ quan nhà nước cũng là trung tâm của hệ thống giám sát và thực thi. Vào cuối mỗi giai đoạn tuân thủ, cơ quan quản lý đảm bảo rằng báo cáo phát thải của người tham gia được gửi và xác minh bởi cơ quan có thẩm quyền hoặc bên thứ ba. Cơ quan nhà nước đồng thời cũng thực hiện các hình phạt đối với những trường hợp không tuân thủ.

Như vậy, tuy mô hình thị trường có khác nhau nhưng có thể thấy rõ đều chung mục tiêu lớn nhất là giảm phát thải khí nhà kính và tạo môi trường trong lành, bền vững cho sự phát triển của người dân và xã hội.