Hàng không giá rẻ: Ao người khó bằng mười ao nhà
(Tài chính) Để triển khai chiến lược bay quốc tế, nguồn vốn lớn là một trong những điều kiện tiên quyết của các hãng hàng không.
Tuyên bố của ông Khánh là có cơ sở vì đến nay, VietJetAir đã làm được những điều mà các hãng tư nhân đi trước như Indochina Airlines và Air Mekong đều muốn nhưng không thể thực hiện được. Chỉ mới bay được 2 năm mà nay VietJetAir đã phủ gần như kín mạng nội địa và nâng thị phần trong nước lên mức 25%, đe dọa trực tiếp đến Jetstar Pacific lẫn Vietnam Airlines.
Chinh phục ao người
Kết thúc năm qua, kết quả theo sơ bộ, doanh thu của VietJetAir tăng 100% so với 2012 và đã bắt đầu có lãi từ tháng 7/2013. Những con số này đang góp phần tạo tiền đề để ban lãnh đạo VietJetAir đặt tham vọng lớn hơn trong năm mới: mở ít nhất 7 đường bay quốc tế. Cuối năm qua, VietJetAir đã liên doanh với hãng Kan Air (Thái Lan) với tên gọi Thai VietJetAir nhằm khai thác thị trường nội địa tại đây và với kế hoạch lâu dài là mở các đường bay quốc tế tới các điểm chính của Đông Nam Á. “Theo dự kiến, Thai VietJetAir sẽ chính thức bay thương mại từ tháng 6/2014 với khoảng 5 tuyến nội địa và 2-3 tuyến quốc tế”, ông Khánh cho biết.
Theo ông, VietJetAir sẽ bổ sung thêm từ 7-10 chiếc A320 trong năm nay vào đội bay hiện tại gồm 11 chiếc. Hãng này đã ký hợp đồng hơn 9 tỉ USD với Airbus để mua và thuê 100 máy bay A320. Gần đây, 2 ngân hàng lớn là BNP (Pháp) và CCB (Trung Quốc) đã ký cam kết tài trợ tín dụng cho hợp đồng mua máy bay này.
Để triển khai chiến lược bay quốc tế, nguồn vốn lớn là một trong những điều kiện tiên quyết. Hiện VietJetAir có mức vốn chủ sở hữu là 800 tỉ đồng. Trong tương lai, khi đội bay đạt mức từ 20-30 chiếc A320, theo yêu cầu của Cục Hàng không Việt Nam, VietJetAir sẽ phải nâng mức vốn chủ sở hữu lên ít nhất 1.000 tỉ đồng. VietJetAir cũng đang chuẩn bị cho lộ trình IPO tại Hồng Kông hay Singapore dự kiến vào năm 2015. “Chúng tôi kỳ vọng giá trị cổ phiếu VietJetAir sẽ đạt mức từ 4-10 lần mệnh giá tại thời điểm IPO”, vị lãnh đạo VietJetAir cho biết.
Trước tham vọng chinh phục bầu trời quốc tế của VietJetAir, tất nhiên Jetstar Pacific không thể không không sốt ruột. Hiện nay, đội bay của Jetstar Pacific gồm 6 chiếc A320 và trong vài tuần tới sẽ được bổ sung 2 chiếc nữa để phục vụ Tết và chuẩn bị cho kế hoạch bay quốc tế.
“Đường bay quốc tế đầu tiên của Jetstar Pacific trong năm nay được dự kiến là TP. Hồ Chí Minh- Singapore - Jakarta và tiếp theo có thể tới Trung Quốc hay Hồng Kông”, ông Lê Hồng Hà, Tổng Giám đốc Jetstar Pacific, cho biết.
Nhưng lên kế hoạch là một chuyện, thực hiện được hay không lại là chuyện khác vì thông tin về đường bay quốc tế đầu tiên nói trên từng được Hãng lên kế hoạch cho năm 2013, nhưng tới nay vẫn chưa thể thực hiện được.
Cảnh báo
Chắc chắn, người tiêu dùng trong và ngoài nước là đối tượng được hưởng lợi trước tiên nếu các hãng giá rẻ mở rộng các đường bay quốc tế. Nhưng việc cạnh tranh ở “ao người” trong thời gian tới sẽ khó khăn hơn gấp bội so với “ao nhà”.
Tại Đông Nam Á, hiện tỉ lệ thâm nhập của hàng không giá rẻ tại Việt Nam ở mức 23% tương đương Myanmar, nhưng đứng sau Malaysia và Philippines cùng 50%, Thái Lan và Singapore cùng 31% (theo khảo sát của tổ chức chuyên nghiên cứu về hàng không CAPA). Để mở đường bay tới những thị trường này, VietJetAir phải cạnh tranh với 11 hãng giá rẻ khác, trong đó có AirAsia, Lion Air, Cebu Pacific Air, Tiger Airways, Nok Air, Scoot...
Đối với Đông Bắc Á, cạnh tranh còn khốc liệt hơn nhiều vì ở đây đã có tới 17 hãng giá rẻ đang chia nhau thị phần. Một thách thức khác là, để vươn tới những thị trường như Hàn Quốc và Nhật, các chuyến bay từ TP.HCM phải mất từ 5 tiếng trở lên. Khi đó, VietJetAir phải khai thác loại máy bay lớn hơn như A330 hay A350, nghĩa là phải tốn thêm khá nhiều tiền để mua hay thuê thêm máy bay.
Chưa hết, tờ Bangkok Post cho biết, do nhu cầu đi lại ngày càng tăng trong khu vực, các hãng giá rẻ ở Đông Nam Á và Đông Bắc Á đang rục rịch xúc tiến việc bắt tay nhau. Tại Thái Lan, phân khúc bay đường dài đang trở nên sôi động hơn sau khi Scoot của Singapore và Nok Air của Thái Lan chuẩn bị liên doanh với tên gọi NokScoot. Liên doanh này dự kiến cho máy bay cất cánh vào nửa cuối năm 2014 với các chuyến bay đến Đông Bắc Á. Hãng China Airlines của Đài Loan cũng đang chuẩn bị liên doanh với Tiger Airways của Singapore để lập một hãng giá rẻ đóng tại Đài Bắc với tên gọi Tigerair Taiwan.
Như vậy, nếu liên doanh Thai VietJetAir chưa thể bay thương mại dự kiến vào tháng 6 năm nay thì các hãng giá rẻ khác sẽ chiếm lấy thị trường và tất nhiên “trâu chậm sẽ uống nước đục”.
Hiện nay, dân số châu Á - Thái Bình Dương đã chiếm hơn 40% dân số toàn cầu nên nhu cầu sử dụng hàng không giá rẻ ngày càng tăng là chuyện tất yếu. Cầu tăng ắt cung phải tăng và sinh nhiều nhưng tử cũng không ít. Liên doanh Japan AirAsia thất bại mới đây là một bài học bổ ích đối với VietJetAir lẫn Jetstar Pacific.
Theo CAPA, Japan AirAsia đã lỗ tới 31 triệu USD trong năm 2012 và tiếp tục lỗ 21 triệu USD trong quý I/2013 với tỉ lệ ghế có khách chỉ đạt mức 70%. Tình hình tệ hại hơn khi tỉ lệ này tiếp tục rơi xuống mức 56% trong tháng 4/2013. “Liên doanh ở Nhật là một thảm họa. Đối tác tại đây không hiểu chúng tôi muốn gì”, ông Tony Fernandes, nhà sáng lập Tập đoàn AirAsia, cho biết trên trang web www.themalaysianinsider.com. Nguyên nhân là ban lãnh đạo liên doanh không thể quản lý chi phí hoạt động, dẫn tới thua lỗ, Japan Asia đã phải ngưng hoạt động từ cuối tháng 10 năm 2013 sau khi đối tác Nhật là Hãng All Nippon Airways quyết định mua lại 51% vốn góp của AirAsia.
Vì vậy, tuy lạc quan về kế hoạch bay quốc tế trong năm mới, nhưng ông Khánh, VietJetAir, cũng nhấn mạnh là cần tận dụng tốt cơ hội kinh doanh với nguồn lực tài chính lành mạnh và bền vững, nhưng cũng cần phải “lạc quan trong thận trọng”.
Cả VietJetAir lẫn Jetstar Pacific đang đứng trước cơ hội để khẳng định mình, nhưng thách thức đối với họ cũng không hề nhỏ. “Phải bắt tay làm mới biết được nó sẽ ra sao, chúng tôi đã có niềm tin từ mảng kinh doanh nội địa nên vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng tới 80% trong năm nay so với năm 2013 và tiếp tục có lãi”, ông Khánh cho biết.