Hàng không xuất hiện tín hiệu lạc quan
Sự quan tâm của các cấp, các ngành, cùng nhu cầu đi lại tăng cao trong dịp Lễ đã giúp thị trường hàng không bắt đầu nhộn nhịp trở lại. Nhưng hậu quả tàn dư vẫn còn rất lớn, không dễ để ngành hàng không hồi phục trong một sớm một chiều nếu thiếu đi các giải pháp quyết liệt.
Hàng không nhộn nhịp trở lại
Sau thời gian cắt giảm chuyến bay, giãn cách ghế ngồi để phòng chống dịch, Cục Hàng không Việt Nam vừa kiến nghị Bộ Giao thông vận tải tăng tần suất bay và dỡ bỏ quy định về giãn cách chỗ ngồi trên máy bay.
Cụ thể, Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị Bộ Giao thông vận tải cho phép từ ngày 5/5 tăng tần suất lên 52 chuyến khứ hồi/ngày đối với đường bay Hà Nội - TP.HCM; 20 chuyến khứ hồi/ngày đối với đường bay Hà Nội - Đà Nẵng; 20 chuyến khứ hồi/ngày đối với đường bay TP.HCM - Đà Nẵng. Các đường bay khác theo nhu cầu của hãng hàng không.
Đặc biệt, cục kiến nghị từ ngày 1/6, các hãng sẽ khai thác các chuyến bay nội địa và quốc tế bình thường theo lịch bay đã phân bổ.
Cùng với đề xuất tăng chuyến bay, Cục Hàng không Việt Nam cũng đề xuất dỡ bỏ toàn bộ quy định về giãn cách chỗ ngồi trên máy bay, các hãng sẽ vận chuyển hành khách theo cấu hình của máy bay, bắt đầu từ ngày 5/5.
Được biết trong dịp nghỉ Lễ từ ngày 30/4 đến 3/5, các hãng đã vận chuyển hơn 150.000 khách trên các chuyến bay nội địa. Lượng khách này chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại do việc quyết định cho phép bay sát với thời điểm khai thác nên khách không kịp lên kế hoạch, đặt giữ chỗ, mua vé.
Theo các chuyên gia, việc Cục Hàng không Việt Nam đề xuất tiếp tục tăng chuyến bay được xem là phù hợp với tình hình dịch cơ bản đã được khống chế, phù hợp định hướng chung của ngành hàng không thế giới.
Hiện tại, nhiều hãng đang đặt kỳ vọng vào mô hình hồi phục chữ V, nghĩa là hàng không đã đi qua "vực thẳm" bắt đầu phát triển trở lại, là nhân tố thúc đẩy phục hồi kinh tế qua các hoạt động giao thương, đầu tư, du lịch…
Những tín hiệu từ nhiều nước cho thấy ngành hàng không quốc tế luôn là nhân tố đi đầu kéo theo kinh tế vực dậy, vượt qua đỉnh dịch, kiểm soát dịch bệnh lây lan. Mọi cái sẽ dần trở lại từ tín hiệu "mở cửa" bầu trời.
Theo PGS.TS Lý Hùng Anh, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), ngành hàng không như lò xo đang nén lại, nếu kịch bản phục hồi sau dịch tốt, sẽ bật ra kéo theo các ngành kinh tế khác tăng trưởng trở lại. Những thời điểm khó khăn sẽ là cơ hội để các đơn vị hàng không chuyển mình với những sản phẩm tốt, chất lượng để kích cầu hành khách đi lại hơn.
Vẫn cần thêm các giải pháp quyết liệt
Sự nhộn nhịp trở lại của các hãng hàng không mới là những tín hiệu vui ban đầu. Theo các chuyên gia và cơ quan quản lý nhà nước, thiệt hại trong giai đoạn vừa qua là nặng nề, và dù lạc quan vẫn cần có thêm các giải pháp đồng bộ quyết liệt để hỗ trợ vực dậy các hãng hàng không trong thời điểm này.
Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) nhận định, phải giữa năm sau (2021) thị trường hàng không trong nước mới có thể khôi phục hoàn toàn và hiện nay là giai đoạn quyết định, có tính sống còn với các hãng hàng không.
Đề cập đến vấn đề này, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, dù guồng máy hàng không đã bắt đầu quay trở lại tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, các đường bay nội địa mới được khôi phục một phần và còn khoảng 70-80% đội tàu bay vẫn đang “nằm đất”.
Theo Cục trưởng Cục Hàng không, thời gian này, việc giảm thuế, phí cho các doanh nghiệp hàng không sẽ là “cú hích” cả về tinh thần và vật chất để các hãng hàng không có quyết tâm vượt qua khó khăn hiện tại.
Nhưng cũng phải nhìn nhận, những chính sách hỗ trợ mà Chính phủ đưa ra là hỗ trợ “mồi” nhằm khuyến khích các hãng hàng không duy trì hoạt động. Quan trọng nhất là nỗ lực của chính các hãng hàng không phải tự điều tiết để vượt qua vì đây là khó khăn chung của cả thế giới, không riêng gì Việt Nam.
Đánh giá về sự hồi phục của thị trường hàng không và dự báo thời gian tới, ông Đinh Việt Thắng nhận định, thị trường hàng không quốc tế tương đối khó đoán vì diễn biến dịch bệnh các quốc gia trên thế giới đang phức tạp và việc khôi phục các đường bay quốc tế phụ thuộc nhiều vào nhu cầu du lịch. Dự báo nhanh nhất phải cuối năm 2021 thì thị trường hàng không quốc tế mới khôi phục bằng năm 2019.
Trong thời gian trước mắt, khi thị trường hành khách chưa thể khôi phục lại, nhất là ở thị trường quốc tế, Cục Hàng không Việt Nam tiếp tục khuyến khích giải pháp tăng cường các chuyến bay hàng hóa trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, việc khôi phục lại đường bay là giải pháp quan trọng nhất với các hãng hiện nay. Cục đã lên phương án tính toán làm sao hỗ trợ tối đa các hãng phát động lại thị trường, tạo điều kiện tốt nhất cho các hãng khôi phục thị phần nội địa.
“Chúng tôi tiếp tục kiến nghị các cơ quan Nhà nước, các doanh nghiệp trong ngành có các gói giảm giá, giãn giá, thậm chí là miễn giá hỗ trợ các hãng hàng không trong giai đoạn khôi phục. Đây là giai đoạn quyết định, có tính sống còn với các hãng hàng không hiện nay”, Cục trưởng Đinh Việt Thắng thông tin.
Được biết, Cục Hàng không Việt Nam cũng đã kiến nghị Chính phủ làm việc với các ngân hàng để có các gói vay ưu đãi cho các hãng hàng không, bởi khó khăn lớn nhất của các hãng hiện nay là dòng tiền, các hãng cần có tiền để chi trả các chi phí để tiếp tục duy trì các hoạt động.