Hàng loạt dịch vụ gọi xe trong nước ra mắt sau khi Uber rút lui
Tưởng như Grab sẽ trở nên độc quyền sau khi Uber rút lui khỏi Đông Nam Á nhưng thực tế ngay ở Việt Nam, hàng loạt đối thủ nội của Grab đã ra đời với những khác biệt hứa hẹn tạo ra nhiều khó khăn cho Grab.
Sau khi Uber bán lại các hoạt động của mình tại Đông Nam Á cho Grab, dịch vụ này đang dần tỏ ra vượt trội so với các đối thủ tại thị trường Việt Nam.
Điều này có được do Grab có mặt lâu trên thị trường, số lượng lái xe và khách hàng có thói quen sử dụng lớn.
Ngoài ra việc liên tục đưa ra các khuyến mại cũng giúp dịch vụ của startup Singapore thu hút nhiều khách hàng.
Tuy nhiên dịch vụ này cũng có những hạn chế.
Tỷ lệ chiết khấu cao đang dần kém hấp dẫn lái xe mới trong khi khách hàng chưa hoàn toàn hài lòng với thái độ lái xe và giá cước trong giờ cao điểm.
Đây cũng là những điểm để dịch vụ trong nước có thể vươn lên giành vị trí của đối thủ ngoại.
Mặc dầu vậy, những dịch vụ đã có ở Việt Nam lúc này như TNet, Vato vẫn chưa có được vị trí xứng đáng đối với người tiêu dùng.
Những dịch vụ này đang bị người dùng đánh giá khó gọi xe, ít khuyến mại và cũng không hỗ trợ những phương pháp thanh toán hiện đại như thẻ hay tài khoản trả trước.
Nhưng ngay trong tháng 6, đã có thêm những “tân binh” dịch vụ gọi xe trong nước ra mắt thị trường.
Trong tuần trước, dịch vụ gọi xe do một nhóm kỹ sư Việt Nam tại Đức đã ra mắt dịch vụ ABER.
Dịch vụ này sẽ cung cấp tới 6 sản phẩm cho khách hàng từ xe ôm công nghệ, taxi công nghệ đến xe tải, xe du lịch hay giao hàng.
Đối với lái xe, thay vì thu phí trên từng chuyến đi thì ABER chỉ thu phí sử dụng ứng dụng theo tháng.
Cụ thể lái xe máy nếu thu nhập tháng dưới 500.000 đồng sẽ được miễn phí sử dụng.
Sau đó với những bước giá cao hơn, mức phí chỉ vài chục nghìn đồng và tối đa là 300.000 đồng một tháng với lái xe ôm.
Theo lãnh đạo ABER, ưu điểm của dịch vụ hiện nay là không tăng cước vào giờ cao điểm.
Ngoài ra chi phí vận hành của ABER đang thấp do tinh gọn về công nghệ và tự xây dựng các ứng dụng, bản đồ.
Ngày 12/6, một dịch vụ gọi xe khác cũng được ra mắt là FastGo.
Không đánh nhiều mảng dịch vụ như ABER, FastGo có cách hoạt động tương tự Grab hiện nay là cung cấp các lựa chọn gồm xe của FastGo, xe của các hãng taxi với 2 tuỳ chọn là tính tiền theo ứng dụng hoặc đồng hồ và lựa chọn xe cao cấp.
Tuy nhiên ưu điểm lớn nhất của FastGo lại là hệ sinh thái Fast Pay đang được hãng xây dựng.
Hệ sinh thái này sẽ hoạt động tương tự một ví điện tử, cho phép khách hàng sử dụng để tích điểm và thanh toán các dịch vụ trong tương lai.
Như vậy cách hoạt động của nó cũng tương tự như dịch vụ GrabPay mà Grab đang duy trì.
Hiện nay FastGo mới chỉ hoạt động tại Hà Nội, ngoài ra công ty cũng chỉ tập trung vào xe taxi và xe cá nhân, chưa triển khai dịch vụ xe hai bánh.
Ngoài ra khách hàng muốn có bảo hiểm cho chuyến đi của mình cũng có thể lựa chọn ngay trong giao diện đặt xe.
Một dịch vụ khác có tên EMDDI cũng vừa được ra mắt. EMDDI hoạt động giống một nền tảng hỗ trợ đặt xe hơn là một dịch vụ thật sự.
Nền tảng này cho phép các công ty vận tải bình thường không cần đầu tư kinh phí để phát triển ứng dụng mà có thể cấu hình các dịch vụ, xe mà mình cung cấp trong ứng dụng.
Trong khi đó khách hàng không cần phải cài quá nhiều ứng dụng, chỉ cần dùng một ứng dụng trong máy, sau đó tới từng tỉnh, ứng dụng sẽ tự động hiển thị dịch vụ xe đang có ở địa phương.
Nếu ở tỉnh nào có nhiều hơn một dịch vụ, khách hàng có thể lựa chọn dịch vụ nào mình thích.
Như vậy nếu tính cả các dịch vụ đặt xe trong nước đang hoạt động, số lượng dịch vụ xe của các startup, doanh nghiệp Việt Nam đã ở mức gần 10 dịch vụ.
Số lượng xe cũng không nhỏ do nhiều lái xe vừa hoạt động Grab, vừa hoạt động thêm các dịch vụ khác.
Tuy nhiên quan trọng nhất trong cuộc đua dịch vụ xe chính là chất lượng phục vụ khách hàng.
Ngoài ra thua kém về vốn đầu tư ban đầu cũng khiến cho các dịch vụ trong nước vẫn đang có khoảng cách khá xa với dịch vụ nước ngoài.
Các dịch vụ mới ra mắt hiện nay đều chung chiến lược mở rộng dịch vụ dần do thị trường dịch vụ gọi xe trong nước vẫn còn rất lớn.