Hàng loạt doanh nghiệp niêm yết tăng vốn để bước vào nhịp kinh doanh mới, với nhiều kế hoạch lớn
(Tài chính) Một trong những nội dung quan trọng sẽ được HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Sao Mai (ASM-HOSE) trình Đại hội đồng cổ đông vào ngày 29/3 tới là phương án phát hành thêm 222,6 triệu cổ phiếu trong quý II và quý IV năm 2015.
Những trường hợp như Tập đoàn Sao Mai không phải là cá biệt, bởi nhiều doanh nghiệp niêm yết khác cũng đang có kế hoạch tăng vốn trong năm 2015.
Ông Nguyễn Bá Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Nhựa Đông Á (DAG-HOSE) cho biết, Nhựa Đông Á đang muốn phát hành tăng vốn lên 500 tỷ đồng.
Hiện vốn điều lệ của Nhựa Đông Á là 190 tỷ đồng. Theo đó, nếu việc tăng vốn được thực hiện, Nhựa Đông Á sẽ có quy mô vốn cao gấp hơn 2,5 lần so với hiện nay.
Theo kế hoạch, năm 2015, Nhựa Đông Á dự kiến mức doanh thu 1.300 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 40 tỷ đồng. Trước đó, năm 2014, Nhựa Đông Á đạt doanh thu hơn 1.100 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế gần 30 tỷ đồng.
Một loạt doanh nghiệp niêm yết khác cũng không giấu kế hoạch huy động vốn qua phát hành thời gian tới. Công ty cổ phần Dược phẩm Cửu Long (DCL-HOSE) dự kiến sẽ phát hành 36,2 triệu cổ phiếu để tăng vốn, bao gồm 4 đợt. Năm 2015, Dược Cửu Long dự kiến chi trả cổ tức với tỷ lệ 10 - 15% bằng cổ phiếu và đặt kế hoạch doanh thu thuần năm 2015 là 840 tỷ đồng (tăng 18,4%), lợi nhuận sau thuế 50 tỷ đồng (tăng 57,7% so với năm 2014).
Trong khi đó, Công ty cổ phần Cơ điện Xây dựng Việt Nam (MCG-HOSE) cũng có kế hoạch phát hành 30 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ thêm 300 tỷ đồng. Cùng với việc thực hiện kế hoạch phát hành, MCG cũng sẽ niêm yết cổ phiếu của Công ty Thủy điện Văn Chấn tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) trong tháng 4/2015. Thủy điện Văn Chấn là công ty liên kết của MCG (MCG sở hữu gần 50% vốn điều lệ). Văn Chấn cũng là tài sản giá trị nhất trong những dự án thủy điện dở dang của Công ty. Năm 2014, Thủy điện Văn Chấn đã kinh doanh có lãi và đem về cho MCG gần 20 tỷ đồng lợi nhuận.
Tổng công ty Thăng Long - Công ty cổ phần (TLG-HOSE) có kế hoạch huy động tối đa 200 tỷ đồng bằng cách phát hành tối đa 20 triệu cổ phiếu (mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu) với phương thức chào bán riêng lẻ không quá 100 nhà đầu tư chiến lược. Mục đích của việc huy động vốn lần này được Thăng Long sử dụng để phân bổ nguồn vốn đảm bảo vốn đối ứng cho Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 10 đoạn từ cầu Quán Toan đến cầu Nghìn - Hải Phòng là 172 tỷ đồng và Dự án BOT cầu Yên Lệnh là 28 tỷ đồng.
Tuy nhiên, doanh nghiệp đang có kế hoạch tăng vốn thuộc hàng khủng nhất phải kể đến Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (FLC-HOSE) với kế hoach tăng vốn điều lệ từ 3.749 tỷ đồng lên 8.397,6 tỷ đồng. Theo kế hoạch năm 2015, FLC dự kiến doanh thu hợp nhất 5.535 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.158 tỷ đồng, cả hai chỉ tiêu đều gấp hơn 2,5 lần mức đạt được trong năm 2014.
Động thái phát hành cổ phiếu của hàng loạt doanh nghiệp được giới chuyên môn đánh giá là tín hiệu tốt. Điều này cho thấy, doanh nghiệp đang bước vào một nhịp kinh doanh mới với nhiều kế hoạch lớn sau một thời gian “ngủ đông” do kinh tế suy thoái. Nhịp độ phát hành gia tăng song hành với tín hiệu tăng trưởng trở lại của tín dụng ngân hàng những tháng đầu năm 2015 cũng càng khẳng định thêm nhu cầu phục hồi sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, riêng với thị trường chứng khoán, một trong những vấn đề còn làm nhiều nhà đầu tư e ngại vẫn là sự gia tăng quá nhanh của nguồn hàng, có thể khiến thị trường bị ngợp nguồn cung thời gian tới.