Hàng loạt doanh nghiệp toàn cầu công bố rút khỏi Nga
Việc nhiều doanh nghiệp rút khỏi Nga có thể coi như thay đổi đáng kể so với vài thập kỷ trước khi mà sự sụp đổ của Liên bang Xô viết khiến cho Nga trở thành thị trường đầy hứa hẹn.
Tập đoàn năng lượng Anh Shell PLC trở thành doanh nghiệp phương Tây mới nhất tuyệt giao quan hệ với Nga bởi vụ việc nước này tấn công vào Ukraina. Shell PLC cho biết sẽ rút khỏi các dự án hợp tác chung tại Nga và chấm dứt vai trò của họ trong dự án đường dẫn khí đốt Nord Stream 2.
Theo Wall Street Journal, quyết định của Shell PLC trong ngày thứ Hai được đưa ra chỉ một ngày sau khi BP PLC công bố sẽ bán 20% cổ phần tại công ty năng lượng Nga Rosneft dưới áp lực từ chính phủ Anh. Làn sóng chỉ trích quốc tế chống lại Nga đang ngày một gây sức ép lên nền kinh tế nước này.
Các động thái trên là một phần trong kế hoạch đánh giá lại tình hình và hoạt động kinh doanh tại Nga của nhiều doanh nghiệp phương Tây, nhiều doanh nghiệp thu hẹp quy mô hoạt động hoặc quyết định rời đi hoàn toàn sau vụ tấn công của Nga vào Ukraina cũng như căng thẳng leo thang từ phương Tây.
Vào ngày thứ Hai, công ty năng lượng Nauy Equinor AS A cho biết sẽ kết thúc hoạt động đầu tư tại Nga; Daimler Truck Holding AG trong khi đó công bố sẽ ngừng gửi phụ tùng đến liên doanh tại Nga; hãng xe Volvo Car AB cho biết cũng sẽ dừng hoạt động kinh doanh tại Nga.
Hãng xe Renault SA đóng cửa nhà máy gần Moscow bởi không thể có đủ phụ tùng, thương hiệu Audi của Volkswagen dừng bán các loại xe tại Nga nhằm thích ứng với sự suy giảm của đồng ruble.
Việc nhiều doanh nghiệp rút khỏi Nga có thể coi như thay đổi đáng kể so với vài thập kỷ trước khi mà sự sụp đổ của Liên bang Xô viết khiến cho Nga trở thành thị trường đầy hứa hẹn với các doanh nghiệp phương Tây. Nhiều doanh nghiệp lớn, các hãng xe và hãng kinh doanh bia đã có hoạt động lâu đời ở Nga, mở rộng hoạt động của họ, thành lập các liên doanh với doanh nghiệp địa phương trong nỗ lực tiếp cận hàng triệu người tiêu dùng mới cũng như nguồn tài nguyên thiên nhiên to lớn của Nga.
Giờ đây, sau khi Nga tấn công Ukraina và phương Tây thực hiện nhiều biện pháp trả đũa, các doanh nghiệp hoạt động tại Nga đang chật vật với những thách thức mới, từ vận tải cho đến tổn hại uy tín. Tuy nhiên, cho đến hiện tại, vẫn chưa thể biết doanh nghiệp sẽ rời hẳn khỏi Nga hay đó chỉ là những động thái tình thế. Nếu căng thẳng địa chính trị và trừng phạt ngày một leo thang, việc doanh nghiệp chấm dứt vĩnh viễn hoạt động tại Nga hoàn toàn có thể xảy ra.
Các biện pháp trừng phạt chống lại các cá nhân và ngân hàng của Nga hiện nay sẽ khiến cho các doanh nghiệp nước ngoài ngày một đương đầu với nhiều khó khăn khi hoạt động tại đây.
Trưởng bộ phận tội phạm tài chính tại công ty luật Stewarts Law LLP, ông David Savage, nhận xét: “Chắc chắn với các quy định hạn chế mới và bất ổn về chính sách, các biện pháp trừng phạt thay đổi chóng mặt, tình hình sẽ còn khó khăn nhiều hơn nữa”.
Chuyên gia tại công ty luật Jenner & Block, bà Rachel Alpert, khẳng định các doanh nghiệp phương Tây giờ đây sẽ cần phải tìm hiểu xem liệu các biện pháp kiểm soát xuất khẩu nhằm ngăn chặn hạn chế của Nga trong việc tiếp cận với công nghệ không ảnh hưởng đến những gì họ mang vào đất nước. Họ cũng cần phải đảm bảo các cá nhân và doanh nghiệp họ làm việc cùng không thuộc diện bị trừng phạt, các biện pháp trừng phạt chống lại các ngân hàng sẽ khiến cho họ khó trả tiền cho nhà cung cấp và người lao động.
Quyết định của Shell về việc rút khỏi vai trò của 5 doanh nghiệp năng lượng phương Tây tham gia vào dự án đường ống Nord Stream 2 đánh dấu cho quyết định biểu tượng gây tranh cãi ngay từ khi bắt đầu. Vào tuần trước, Mỹ công bố sẽ áp dụng biện pháp trừng phạt với công ty xây dựng đường ống sau khi phía Đức thông báo rằng sẽ không tiếp tục cấp phép cho việc tiếp tục dự án đường ống.
Vào năm 2017, Shell và các đối tác cấp vốn đồng ý cho vay khoảng 950 triệu euro tức tương đương khoảng 1 tỷ USD nhằm cấp tiền cho dự án.