"Pháo đài kinh tế" của Nga liệu có trụ vững trước các lệnh trừng phạt liên hồi của phương Tây?
Các nước phương Tây, đứng đầu là Hoa Kỳ, trong tuần rồi và đầu tuần này đã liên tiếp áp đặt các lệnh trừng phạt lên nước Nga. Nhưng nhiều chuyên gia và các nhà kinh tế trên thế giới đang đưa ra câu hỏi rằng những lệnh trừng phạt này liệu có thực sự làm khó được nền kinh tế của Nga?
Kể từ năm 2014, khi Hoa Kỳ và các đồng minh phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Moscow sau khi nước này sáp nhập Crimea vào lãnh thổ của mình và sau vụ bắn rơi chiếc máy bay số hiệu 17 của Hãng hàng không Malaysia, Tổng thống Nga đã cố gắng xây dựng một nền kinh tế có khả năng chống chịu với nhiều lệnh trừng phạt khắc nghiệt.
Nga đã chuẩn bị trước
Phương Tây trong tuần này đã công bố liên tiếp các lệnh trừng phạt kinh tế với Nga sau khi quân đội nước này tấn công Ukraine. Các hình phạt nhắm vào trung tâm của hệ thống tài chính Nga sẽ đặt "pháo đài kinh tế" của Nga vào vòng thử thách thực sự.
Hôm thứ Bảy tuần rồi, Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh và Canada cho biết họ sẽ trục xuất một số ngân hàng Nga khỏi SWIFT, dịch vụ nhắn tin tài chính toàn cầu, và đóng băng tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga.
Lo ngại trước những hệ lụy của các lệnh trừng phạt, chứng khoán Nga giảm giá trị tới 33% vào hôm thứ Năm tuần rồi. Kể từ đó, thị trường chứng khoán của Nga đã phần nào phục hồi, nhưng đồng rúp tiếp tục giao dịch gần mức thấp kỷ lục so với đồng USD và đồng euro.
Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, nền kinh tế trị giá 1,5 nghìn tỷ USD của Nga là nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới, chỉ sau Hàn Quốc. Kể từ năm 2014, tổng sản phẩm quốc nội của nó hầu như không tăng trưởng và người dân Nga trở nên nghèo hơn. Giá trị của đồng rúp cũng sụt giảm, khiến cho giá trị của nền kinh tế Nga mất đi tới 800 tỷ USD.
Trong cùng thời gian, Moscow đã cố gắng đưa nền kinh tế dựa chủ yếu vào vào dầu mỏ của mình ra khỏi sự lệ thuộc vào đồng USD, hạn chế các chi tiêu của chính phủ và gia tăng dự trữ ngoại tệ.
Các nhà hoạch định kinh tế của Putin đã tìm cách thúc đẩy sản xuất một số mặt hàng trong nước trong lúc chặn việc nhập khẩu các sản phẩm tương đương từ nước ngoài vào.
Cùng lúc, Moscow đã tích lũy được khoản dự trữ quốc tế lên tới 630 tỷ USD, một khoản tiền khổng lồ so với hầu hết các quốc gia khác.
David Lubin, nhà kinh tế học thuộc tập đoàn Citi và một đối tác tại Chatham House cho biết, mô hình "pháo đài kinh tế" đòi hỏi một nguồn dự trữ ngoại tệ lớn để có thể chi tiêu khi các lệnh trừng phạt có hiệu lực.
Ông gần đây từng viết: “Nga đã theo đuổi mô hình này bằng cáchh triển khai nguồn dự trữ ngoại tệ".
Ngân hàng Trung ương Nga hôm thứ Năm cho biết họ đang can thiệp vào thị trường tiền tệ để hỗ trợ đồng rúp. Và hôm thứ Sáu, họ cho biết họ đang tăng cung tiền cho các máy ATM để đáp ứng nhu cầu tiền mặt ngày càng tăng.
Hãng thông tấn Nga TASS đưa tin, một số ngân hàng đã thấy lượng tiền rút ra tăng lên đáng kể, đặc biệt là ngoại tệ, từ khi Nga chính thức tấn công Ukraine.
Trong lúc xây dựng kho chiến lược cho chiến tranh, chiến lược khắc khổ của ông Putin cũng đã hạn chế tăng trưởng kinh tế, đầu tư và năng suất, đồng thời ưu tiên các công ty nhà nước hơn doanh nghiệp tư nhân.
Thu nhập của những người Nga trung bình đã giảm xuống mức kém nhất vào đầu những năm 2010, và nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài chỉ ở một mức rất khiêm tốn.
Nga cũng đã thất bại trong việc đa dạng hóa các sản phẩm chủ lực của mình là dầu và khí đốt, khiến nước này chịu nhiều tác động từ sự biến động của giá hàng hóa trên toàn cầu.
Trừng phạt liên tiếp
Sau khi quân đội Nga tấn công Ukraine, Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm thứ Năm tuần rồi đã công bố các biện pháp trừng phạt nhằm gây thiệt hại cho nền kinh tế Nga.
Các đòn trừng phạt của Mỹ nhằm vào hai tổ chức tài chính lớn nhất của Nga là Sberbank và VTB, đồng thời ngăn các tổ chức này xử lý các khoản thanh toán thông qua hệ thống tài chính của Mỹ.
Các công ty nhà nước của Nga sẽ không được phép huy động vốn thông qua các thị trường Mỹ. Các biện pháp trừng phạt liên quan tới gần 80% tài sản ngân hàng ở Nga.
Hoa Kỳ cũng đang cố gắng ngăn cản các công ty quân sự và công nghiệp của Nga bằng cách ngăn họ mua các công nghệ quan trọng liên quan tới chip máy tính tiên tiến.
Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh, Nhật Bản, Australia và các quốc gia khác cũng đã công bố các biện pháp trừng phạt của riêng họ đối với các công ty và cá nhân của nước Nga.
Các quan chức Hoa Kỳ, Anh và EU đã đi xa hơn vào hôm thứ Sáu và đưa ra các lệnh trừng phạt chho chính ông Putin.
Hôm thứ Bảy. Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh và Canada cho biết trong một tuyên bố chung rằng họ sẽ loại bỏ một số ngân hàng Nga khỏi SWIFT, một mạng nhắn tin bảo mật cao kết nối hàng nghìn tổ chức tài chính trên khắp thế giới.
"Chúng tôi đang phối hợp với các nhà chức trách châu Âu để tìm hiểu chi tiết về các thực thể sẽ phải tuân theo các lệnh trừng phạt và chúng tôi chuẩn bị tuân thủ theo các qui định pháp lý mới", SWIFT, công ty có trụ sở tại Bỉ, đưa ra lời tuyên bố.
Liên minh phương Tây cho biết họ cũng sẽ thực hiện các bước để ngăn Ngân hàng Trung ương Nga tung số tiền dự trữ quốc tế của mình nhằm tăng giá trị của đồng rúp.
Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, cho biết trong một tuyên bố rằng các biện pháp này sẽ "làm tê liệt tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga".
Tuy nhiên, phương Tây không cho biết ngân hàng nào của Nga sẽ bị loại khỏi SWIFT, cũng như việc họ sẽ nhắm mục tiêu vào ngân hàng trung ương như thế nào.
Nhưng một quan chức cấp cao của chính quyền Biden nói với các phóng viên rằng các biện pháp này sẽ khiến "Nga phải chịu các đau đớn cho dù nền kinh tế của Nga luôn được là một 'huyền thoại', như nhưng gì được biết từ trước đến nay".
"Kho dự trữ ngoại hối của Nga trị giá hơn 600 tỷ USD chỉ có sức mạnh nếu ông Putin có thể sử dụng nó, và nếu không có khả năng mua đồng rúp từ các tổ chức tài chính phương Tây, thì Ngân hàng Trung ương của Putin sẽ mất khả năng bù đắp các thiệt hại do các biện pháp trừng phạt gây ra", quan chức này nói.
Gói trừng phạt có quy mô lớn chưa từng có, khi nội dung các biện pháp trừng phạt được công bố hôm thứ Bảy.
Hiệu quả sẽ thế nào?
Iikka Korhonen, người đứng đầu Viện nghiên cứu các nền kinh tế mới nổi của Ngân hàng Phần Lan và cũng là chuyên gia về hệ thống tài chính ngân hàng của Nga nói với CNN Business vào thứ Sáu: "Nga vẫn đang chuẩn bị những gì cần thiết cho nền kinh tế của mình, và giá dầu thế giới ở mức 100 USD/thùng đang mang lại nguồn thu khổng lồ cho nhà nước Nga".
"Họ có thể xoay sở trong một thời gian, nhưng điều này càng kéo dài đồng nghĩa với việc tốc độ tăng trưởng kinh tế của Nga sẽ chậm lại", Korhonen nói.
Các nước phương Tây đang tìm cách trừng phạt Moscow nhưng không có nghĩa là điều này không gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế của chính họ.
Giá khí đốt tự nhiên tăng vọt ở châu Âu và việc cắt nguồn cung từ Nga có thể khiến giá khí đốt tăng ngày một cao hơn. Xuất khẩu dầu thô của Nga giảm cũng sẽ làm giá dầu và xăng trên thế giới tăng cao.
SWIFT được coi là một công cụ đặc biệt nhưng việc loại bỏ hoàn toàn Nga khỏi SWIFT sẽ khiến các tổ chức tài chính khó khăn hơn nhiều trong việc gửi tiền vào hoặc chuyển tiền ra khỏi nước này, gây ra cú sốc bất ngờ cho các công ty Nga và khách hàng nước ngoài của họ, đặc biệt là những người mua dầu và khí đốt của Nga bằng đồng USD.
Nhưng chỉ nhắm mục tiêu vào một số ngân hàng nhất định của Nga có thể cho phép việc thanh toán tiếp tục được thực hiện đối với dầu và khí đốt xuất khẩu của Nga.
Một số người cho rằng phương Tây nên sẵn sàng trả một cái giá rất cao về mặt kinh tế khi trừng phạt nước Nga.
Tyler Kustra, trợ lý giáo sư về chính trị và quan hệ quốc tế tại Đại học Nottingham ở Anh, cho biết: "Chúng ta không có 5 năm để làm suy thoái dần dần nền kinh tế Nga. Chúng ta cần làm điều đó ngay bây giờ".