Hàng nghìn tỷ USD tài sản ròng của Mỹ có thể “bốc hơi” do suy thoái
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo rằng một cuộc suy thoái nghiêm trọng sẽ khiến tổng giá trị tài sản công của nước Mỹ thiệt hại khoảng 5.000 tỷ USD.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo rằng một cuộc suy thoái nghiêm trọng sẽ khiến tổng giá trị tài sản công của nước Mỹ thiệt hại khoảng 5.000 tỷ USD, kéo theo những tác động lớn lên hệ thống tài chính của Washington thay vì chỉ chỉ làm gia tăng nợ công và thâm hụt ngân sách.
Sử dụng một bài kiểm tra mức độ chịu đựng và ổn định của hệ thống (stress test) do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phát triển và đưa vào áp dụng trong ngành ngân hàng, IMF chỉ ra một cuộc suy thoái nghiêm trọng sẽ khiến giá trị tài sản công của Mỹ thiệt hại tương đương 26% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2020. Ở cấp độ hiện tại, điều ngày đồng nghĩa giá trị tài sản ròng của Mỹ sẽ mất khoảng 5.000 tỷ USD.
Bài kiểm tra đưa ra kịch bản kinh tế toàn cầu trải qua một cuộc suy thoái sâu, với lãi suất tăng nhưng thị trường chứng khoán và bất động sản lao dốc.
Trong trường hợp đó, nợ công của Mỹ sẽ “phình” thêm 9%, còn giá trị tài sản ròng suy giảm mạnh, chủ yếu là do giá bất động sản yếu đi sẽ kéo theo giá trị của các cơ sở hạ tầng thuộc sở hữu chính phủ đi xuống.
Giá trị tài sản ròng của Mỹ đã suy giảm trong gần bốn thập kỷ qua. Đáng chú ý là do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, tổng tài sản ròng của Mỹ đã trượt dốc mạnh trong năm 2016.
Các nhà kinh tế hiện đang nhận định rằng khả năng xảy ra một cuộc suy thoái ở Mỹ đang lớn dần do một số yếu tố, bao gồm căng thẳng thương mại leo thang và lãi suất tăng.
Báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu (WEO) công bố hồi đầu tuần này của IMF cũng cho biết căng thẳng thương mại gia tăng như là một nguyên nhân khiến giới quan sát lo lắng, đồng thời hạ dự báo tăng trưởng cho kinh tế Mỹ cho năm nay, năm tới và xa hơn nữa.
IMF cho biết cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 vẫn để lại những vết sẹo trên tài sản của các quốc gia một thập niên sau đó. Theo số liệu của IMF, tổng giá trị tài sản ròng của 17 nền kinh tế phát triển hiện đã thấp hơn 11.000 tỷ USD so với mức trước cuộc khủng hoảng.
Ngoài ra, giá trị tài sản ròng của hầu hết các nền kinh tế của Nhóm bảy quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) cùng hiện đều nằm trong vùng âm. Tổng nợ trên toàn cầu đã leo lên mức kỷ lục 182.000 tỷ USD vào năm 2017, sau khi đã tăng 50% trong thập niên trước đó.
Tài sản ròng của Trung Quốc đã giảm xuống mức 8% GDP (Tổng sản phẩm quốc nội) do các khoản vay ngoài ngân sách của chính quyền địa phương và lợi nhuận kém của các doanh nghiệp nhà nước.
IMF nhấn mạnh các quốc gia có cách tiếp cận toàn diện hơn đối với hệ thống tài chính của họ sẽ chỉ phải đối mặt với chi phí vay thấp hơn. Cùng với đó, nguồn thu ngân sách của nước này sẽ tăng lên, giúp nền kinh tế của họ có thêm sức chống chịu trước các cuộc suy thoái.