Hàng Việt vào Anh nhờ Brexit
“Trong khi câu chuyện Brexit còn chưa ngã ngũ thì các nhà nhập khẩu Anh đã bắt đầu đi mở các thị trường song phương. Đây là một cơ hội cực lớn cho doanh nghiệp Việt Nam, bởi Việt Nam được đánh giá là một trong 18 thị trường trọng điểm của Anh” – bà Nguyễn Thị Hồng Thủy, Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Anh nhấn mạnh trong cuộc trao đổi cùng DĐDN.
Bà Thủy cho rằng, dệt may, giầy dép, nông sản… là những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam nhưng lại đang thiếu thương hiệu ở thị trường Anh.
Phóng viên: Thưa bà, số liệu cho thấy, tình hình xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Anh có sự sụt giảm khá lớn sau sự kiện Brexit?
Bà Nguyễn Thị Hồng Thủy: Tôi cho rằng đó cũng là chu kỳ đi xuống của thương mại, Brexit phải sang cuối năm hoặc đầu năm 2017 mới có thể đo lường chính xác bởi những hợp đồng đã ký rồi thì không ảnh hưởng gì bởi Brexit, tôi khẳng định như vậy.
Nên nhớ Brexit mới chỉ là kết quả trưng cầu dân ý, còn Chính phủ Anh đến nay cũng chưa có tuyên bố chính thức nào về áp dụng điều 50 để đi ra khỏi EU. Hơn nữa, Anh là một đất nước có 65 triệu dân, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam vào Anh chỉ chiếm 0,5% so với kim ngạch Việt Nam với thế giới, chúng ta chỉ cần đặt mục tiêu tăng lên 1% hoặc 5% thì đã là một mục tiêu lớn rồi.
Nói như thế để thấy rằng việc Anh có ra khỏi EU hay không, trong ngắn hạn cũng chưa thể ảnh hưởng trực tiếp tới thương mại Việt Nam – Anh, đó là chưa kể liệu người Anh có ra thật không.
Nếu Brexit thực sự xảy ra thì thị trường Anh sẽ có những thay đổi gì, thưa bà?
Bà Thủ tướng Anh Theresa May đã từng nói, Anh là một thị trường mở cửa với toàn thế giới, bởi vậy nếu họ đóng cửa với châu Âu thì họ lại càng mở ra với thế giới, đó lại là một cơ hội còn tốt hơn cho các nhà xuất khẩu Việt Nam. Vì vậy, theo tôi các doanh nhân không cần thiết phải đặt ra vấn đề Anh rời khỏi EU thì ảnh hưởng tới xuất khẩu thế nào.
Điều chúng ta quan tâm là doanh nhân cần phải đảm bảo chất lượng hàng hóa của mình, bên cạnh đó cần nắm chắc nhu cầu thị trường – điều này Thương vụ có thể hỗ trợ các doanh nhân. Cuối cùng chúng ta cần làm tốt quảng bá thương hiệu để người ta biết đến sản phẩm Việt Nam.
Tôi ví dụ, tương ớt là gia vị quan trọng trong các nhà hàng ở Anh, nhưng phần lớn tương ớt ở đây là người Thái làm, trong khi tương ớt của Việt Nam rất ngon lại không thể “chen chân” vào đây được. Một ví dụ khác là gạo Việt Nam rất ngon nhưng ở nước ngoài, hay ở Anh người ta chỉ ăn gạo Thái Lan…
Nhân đây, tôi muốn nói rằng, doanh nhân Việt vẫn chưa thực sự quan tâm tới thị trường Anh.
Theo bà, vì sao doanh nhân Việt chưa quan tâm đến thị trường này?
Theo tôi nghĩ có thể là khoảng cách xa xôi, thủ tục visa khó, chi phí và tiêu chuẩn hàng hóa tại Anh thuộc diện cao nhất thế giới trong khi chúng ta đang quen bán ở các thị trường châu Á, thị trường truyền thống… cũng tương đối tốt nên có thể doanh nhân “ngại” vào Anh.
Vậy có nhiều doanh nhân Việt Nam tìm đến Thương vụ đặt vấn đề hỗ trợ xúc tiến thương mại vào thị trường Anh không, thưa bà?
Cũng có một số doanh nhân đặt vấn đề với Thương vụ nhưng lại là nhờ bán hàng. Đây là điều khó cho Thương vụ, bởi chúng tôi chỉ hỗ trợ, kết nối chứ không thể bán hàng thay doanh nhân. Nhưng chúng tôi có thể hỗ trợ những bước đầu vào thị trường, hỗ trợ thủ tục, giới thiệu đối tác, logistic…
Bà có lời khuyên gì với doanh nhân Việt Nam với thị trường Anh?
Thị trường nào cũng sẽ có cái khó riêng, nếu thiếu sự quyết tâm thì sẽ khó thành công.
Một điều tôi muốn chia sẻ nữa là thị trường Anh có đặc điểm rất chung thủy, sức mua rất lớn nên nếu hàng Việt vào được rồi thì sẽ lâu bền. Nhưng cũng lưu ý, khi thị trường chấp nhận thì doanh nhân phải đáp ứng được yêu cầu cả về chất lượng và số lượng, tức là số lượng sẽ rất lớn nên nếu doanh nhân không đáp ứng được yêu cầu sẽ dễ mất khách.
Xin nhắc lại là khi chuyện Brexit còn chưa ngã ngũ thì các nhà nhập khẩu Anh đã bắt đầu đi mở các thị trường song phương, đây là một cơ hội cực kỳ lớn, bởi Việt Nam được đánh giá là một trong mười tám thị trường trọng điểm của Anh thì doanh nhân nên tự tin bước vào để tạo cho mình một cơ hội mới.
Xin cảm ơn bà!