Hành động tăng trưởng xanh cho thị trường chứng khoán Việt Nam

Minh Lâm

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đang soạn dự thảo Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh cho thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2022 - 2030, trong đó có nội dung mới là xây dựng và triển khai thị trường carbon.

Đầu tư xanh là cơ hội cho doanh nghiệp thu hút nguồn vốn.
Đầu tư xanh là cơ hội cho doanh nghiệp thu hút nguồn vốn.

Trong giai đoạn 1 của Chương trình/Dự án Cải cách kinh tế vĩ mô và tăng trưởng xanh, GIZ đã hỗ trợ Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) trong việc tìm hiểu, xây dựng Chỉ số Phát triển bền vững (VNSI).

VNSI là một chỉ số theo giá trị vốn hóa thị trường và tự do điều chỉnh, bao gồm các công ty niêm yết có điểm số cao nhất về tính bền vững dựa trên hơn 100 tiêu chí. Các yếu tố cấu thành của VNSI được lựa chọn từ danh mục VN100 Index, một chỉ số theo giá trị vốn hóa thị trường và tự do điều chỉnh của 100 công ty lớn nhất niêm yết trên HOSE.

Đầu tư bền vững đã trở thành dòng chảy lớn trên toàn cầu, khi ngày càng có nhiều nhà đầu tư cá nhân, tổ chức quản lý tài sản trên thế giới áp dụng yếu tố ESG trong hoạt động kinh doanh, đơn cử IFC đang áp dụng Bộ Quy tắc về trách nhiệm đầu tư (Stewardship Code). Yếu tố ESG hiện cũng trở thành một tiêu chí quan trọng mà các quỹ đầu tư đánh giá, cân nhắc khi đưa ra quyết định đầu tư vào một doanh nghiệp.

Theo ông Vũ Chí Dũng - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (UBCKNN), tất cả các công cụ tài chính hoặc tài chính xanh, tiêu chuẩn dịch vụ về công bố thông tin xanh và bền vững, các yêu cầu về mục tiêu thực hiện dự án đều hướng tới thu hút nguồn vốn xanh để phục vụ cho tăng trưởng xanh. Các nội dung này hỗ trợ chứ không ảnh hưởng đến thị trường vốn nói chung. Bởi vậy, đầu tư xanh, các dịch vụ mới trên thị trường là cơ hội cho doanh nghiệp.

Với các thành viên thị trường, yếu tố được quan tâm hiện nay là tổ chức phát hành, tổ chức cung cấp dịch vụ và nhà đầu tư phải tuân thủ các quy định công bố thông tin, công bố rộng rãi ra thị trường để các bên nắm được, đánh giá được về các dự án xanh, có thông tin vốn được phân bổ vào đúng dự án xanh, đảm bảo niềm tin của nhà đầu tư.

Về phía cơ quan quản lý, UBCKNN đang nghiên cứu các tiêu chuẩn, kể cả trái phiếu xanh và đưa trái phiếu xanh ASEAN vào Việt Nam. Các tiêu chuẩn này không chỉ cho tổ chức phát hành mà cả nhà đầu tư, các quỹ đầu tư liên quan đến khuôn khổ xanh và bền vững có thể nắm bắt cụ thể.

Ông Vũ Chí Dũng cho biết, trong các cuộc làm việc của UBCKNN gần đây tại nước ngoài liên quan đến ESG, các tổ chức đầu tư, các quỹ đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài rất quan tâm đến Việt Nam. Câu chuyện ESG không chỉ nằm ở nội tại các nhà đầu tư, mà cả yêu cầu của Chính phủ nơi họ đặt trụ sở và yêu cầu của các nhà đầu tư vào quỹ. Bên cạnh đó, bản thân ngành quỹ cũng yêu cầu các chuẩn về công bố thông tin và có tỷ lệ nhất định giá trị tài sản ròng phải đầu tư vào công cụ tài chính xanh để hỗ trợ cho các các dự án phát triển xanh.

“Thẳng thắn mà nói, Việt Nam có nhiều hoạt động thành công trong thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh. Với bối cảnh chung của kinh tế - xã hội Việt Nam hiện nay, đầu tư xanh, đầu tư vào tăng trưởng là hai lĩnh vực song trùng, có nhiều thông tin để giới thiệu cho các nhà đầu tư”, ông Vũ Chí Dũng chia sẻ.

Trong khi chờ Kế hoạch hành động cho thực hiện chiến lược xanh quốc gia và thị trường chứng khoán được ban hành, UBCKNN tập trung vào 3 vấn đề đã và đang triển khai, cụ thể:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức về các vấn đề phát triển bền vững để doanh nghiệp biết họ cần làm gì trong lĩnh vực của mình và trong thị trường vốn.

Thứ hai, xây dựng các bộ tiêu chuẩn để căn cứ vào đó xác định chuẩn đầu tư xanh nói chung.

Thứ ba, tăng cường công bố thông tin, vì nhà đầu tư nước muốn có thông tin để đảm bảo khoản đầu tư của mình được sử dụng đúng mục đích hay không.

 

Bộ Tài chính đang xây dựng Đề án Phát triển thị trường carbon tại Việt Nam trên cơ sở phối hợp với Bộ Tài nguyên - Môi trường và các cơ quan có liên quan. Hiện Đề án này ở các bước cuối cùng để trình các cấp có thẩm quyền ban hành. Theo đó, đến năm 2025, Việt Nam sẽ bắt đầu thí điểm và đến năm 2028 vận hành chính thức sàn giao dịch tín chỉ carbon.