Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh của thị trường chứng khoán Việt Nam
Thị trường vốn đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển dịch nền kinh tế Việt Nam theo hướng carbon thấp và nâng cao khả năng chống chọi với biến đổi khí hậu, thông qua nỗ lực huy động nguồn vốn xanh. Tại Việt Nam, thúc đẩy tài chính xanh và tài chính bền vững là ưu tiên dài hạn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Việc chủ động xây dựng một Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh cho lĩnh vực chứng khoán trong giai đoạn mới là hết sức quan trọng và cần thiết, nhằm hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững của Chiến lược quốc gia, tiến tới xây dựng một khuôn khổ định hướng về tài chính xanh và các sản phẩm tài chính xanh cho các doanh nghiệp hoạt động trên thị trường chứng khoán Việt Nam
Các hoạt động hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh
Xây dựng nền kinh tế tăng trưởng xanh và phát triển bền vững đã trở thành xu thế tất yếu và là mục tiêu mà các quốc gia trên thế giới đang hướng tới. Tháng 11/2021, 197 quốc gia, trong đó có Việt Nam, tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu đã đạt được thỏa thuận lịch sử tại Hội nghị lần thứ 26 (COP26) khi thông qua Hiệp ước khí hậu Glasgow, theo đó cam kết cắt giảm lớn lượng khí thải CO2 một cách nhanh chóng và bền vững, bao gồm giảm 45% lượng phát thải vào năm 2030 và về 0 vào năm 2050, cũng như giảm sâu phát thải các khí nhà kính khác.
Nhằm thực hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong COP26, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng Xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050, trong đó, đặt ra mục tiêu tổng quát là “tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh”. Tiếp đó, ngày 22/7/2022, Quyết định số 882/QĐ-TTg đã được ban hành phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030. Với nền tảng này, các bộ ngành tiếp tục xây dựng kế hoạch hành động cụ thể nhằm hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững mà Chính phủ đặt ra.
Đối với lĩnh vực chứng khoán, thị trường vốn đóng một vai trò quan trọng trong quá trình chuyển dịch nền kinh tế Việt Nam theo hướng carbon thấp và nâng cao khả năng chống chọi với biến đổi khí hậu, thông qua nỗ lực huy động nguồn vốn xanh. Do đó, thúc đẩy tài chính xanh và tài chính bền vững là ưu tiên dài hạn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN).
Trong thời gian qua, UBCKNN và các đơn vị như các Sở Giao dịch chứng khoán, Viện các thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD) đã triển khai hàng loạt hoạt động nhằm mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng bền vững, nâng cao nhận thức của thành 15 I
viên thị trường về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, các sản phẩm tài chính xanh. Bên cạnh đó, hướng tới phát triển thị trường vốn xanh, nhiều biện pháp hỗ trợ thị trường đã được UBCKNN triển khai như hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện công bố thông tin và minh bạch hóa các hoạt động về tài chính xanh; khuyến khích các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán thực hiện báo cáo tài chính, báo cáo thường niên đề cập đến phát triển bền vững, phát triển xanh.
Các Sở giao dịch chứng khoán đã và đang tích cực xây dựng các biện pháp để thực hiện hóa việc thu hút vốn đầu tư vào thị trường trái phiếu xanh Việt Nam. Nhiều khóa đào tạo và hội thảo về công bố thông tin liên quan đến phát triển bền vững và hướng dẫn công bố thông tin đã được UBCKNN phối hợp với các đối tác tổ chức kể từ năm 2011. Các hội nghị hội thảo đều được xây dựng nội dung nâng cao nhận thức về phát triển bền vững và hướng tới nâng cao sự minh bạch về các vấn đề ESG (Môi trường- Xã Hội và Quản trị). Từ năm 2022, UBCKNN phối hợp cùng Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) thực hiện chuỗi đào tạo cho các doanh nghiệp niêm yết (DNNY) trên 2 Sở giao dịch chứng khoán (GDCK) về cách thức thu thập và báo cáo số liệu khí phát thải nhà kính. Các chương trình này nhận được sự đánh giá cao của doanh nghiệp về nội dung và chất lượng đào tạo và quan trọng nhất là đáp ứng kịp thời các yêu cầu xây dựng báo cáo thống kê của các doanh nghiệp về khí phát thải nhà kính.
Đặc biệt, tháng 9/2022, UBCKNN đã tổ chức Hội nghị Phát triển Thị trường chứng khoán Việt Nam xanh – bền vững giai đoạn 2022-2030 với sự tham gia của các cơ quan quản lý, thành viên thị trường và các chuyên gia quốc tế. Nội dung của Hội nghị tập trung vào xây dựng chính sách quản lý vốn xanh cho tăng trưởng xanh trong giai đoạn sắp tới, kinh nghiệm quốc tế liên quan tới đánh giá độc lập bên ngoài trong quy trình phát hành trái phiếu xanh và đầu tư có trách nhiệm, đầu tư bền vững trên TTCK.
Về quy định pháp lý, Thông tư số 155/2015/ TT-BTC ban hành ngày 06/10/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán là văn bản mang tính chất bắt buộc đầu tiên đối với các doanh nghiệp về công bố các thông tin phát triển bền vững. Cụ thể, khi các doanh nghiệp công bố Báo cáo thường niên sẽ phải công bố các mục tiêu phát triển bền vững (môi trường, xã hội và cộng đồng) và chương trình chính liên quan trong ngắn hạn và trung hạn.
Năm 2020, Thông tư số 96/2020/TT-BTC được ban hành thay thế Thông tư 155/2015/TT-BTC tiếp tục có những bước cải thiện hơn khi nâng cao tiêu chuẩn công bố thông tin liên quan đến phát triển bền vững. Cụ thể là yêu cầu các doanh nghiệp công bố thông tin phát thải khí nhà kính trực tiếp và gián tiếp tại báo cáo thường niên. Có thể nói, các thông tư này đã góp phần nâng dần ý thức bảo vệ môi trường, hướng đến một thị trường chứng khoán xanh và cũng đưa thêm một tiêu chí để các nhà đầu tư cân nhắc khi đầu tư, tạo điều kiện cho các sản phẩm chứng khoán xanh dễ dàng được lựa chọn hơn.
Cùng với các thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính, UBCKNN tiếp tục ban hành Hướng dẫn công bố thông tin về các yếu tố E&S (Môi trường và Xã hội), nhằm hướng dẫn các thành viên thị trường từng bước thực hiện báo cáo bền vững có chất lượng, đáp ứng nhu cầu về thông tin của nhà đầu tư và của cơ quan quản lý.
Về phía các Sở giao dịch chứng khoán cũng triển khai các hoạt động cụ thể hướng tới mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng xanh và bền vững, tiêu biểu như việc tổ chức thường niên Cuộc thi bình chọn Doanh nghiệp niêm yết kể từ năm 2013, và bắt đầu đưa các yếu tố bền vững vào Báo cáo bền vững, tạo tiền đề cho việc đưa các yếu tố bền vững trở thành một thông lệ cho các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Bên cạnh đó, Sở GDCK TP. Hồ Chí Minh và Sở GDCK Hà Nội đã cùng trở thành đối tác của Sáng kiến các Sở GDCK Bền vững Liên hợp quốc (UN SSE) năm 2016, tham gia tiêu chuẩn trái phiếu xanh, trái phiếu xã hội, trái phiếu bền vững của ASEAN công bố tại Việt Nam vào năm 2017 và 2018.
Đối với hoạt động xây dựng và áp dụng chỉ số phát triển bền vững toàn thị trường, cuối tháng 3/2017, Sở GDCK TP. Hồ Chí Minh công bố Chỉ số Phát triển bền vững (VNSI) và chính thức đưa vào vận hành từ cuối tháng 7/2017. Việc xây dựng chỉ số VNSI là một trong những nhiệm vụ liên quan đến các sản phẩm tài chính sáng tạo cho “thị trường vốn xanh” được nêu trong Kế hoạch hành động của ngành tài chính nhằm thực hiện Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh đã ban hành theo Quyết định số 2183/QĐ-BTC của Bộ Tài chính. Chỉ số này hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững cho các doanh nghiệp niêm yết và hỗ trợ nhà đầu tư tổ chức và cá nhân đồng hành cùng các doanh nghiệp hướng đến đặc tính “xanh”. Cổ phiếu của những doanh nghiệp này phải gắn với xu hướng phát triển bền vững của nền kinh tế, đảm bảo về môi trường, góp phần thúc đẩy tăng trưởng thị trường chứng khoán và nền kinh tế.
Đặc biệt, cùng với việc UBCKNN là Chủ tịch của Diễn đàn các Cơ quan Quản lý Thị trường vốn ASEAN (ACMF) năm 2020, UBCKNN đã đưa việc phát triển hệ sinh thái thị trường vốn ASEAN trở thành một hệ sinh thái cởi mở và năng động thành nhiệm vụ ưu tiên, qua đó thúc đẩy việc huy động nguồn vốn từ khu vực tư nhân cho các dự án bền vững, và từ đó, ACMF đã đưa ra Lộ trình phát triển thị trường vốn bền vững ASEAN vào năm 2019 và xây dựng Kế hoạch hành động cụ thể cho giai đoạn 2021 - 2025.
Năm 2021, với sự hỗ trợ của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và nhóm Sáng kiến Trái phiếu khí hậu (CBI), UBCKNN đã ban hành cuốn Sổ tay hướng dẫn phát hành trái phiếu xanh, trái phiếu xã hội và trái phiếu bền vững với mục tiêu hướng dẫn cho các tổ chức phát hành và các thành viên khác trên thị trường thực hiện việc phát hành các loại trái phiếu nói trên.
Mới đây nhất, ngày 08/08/2023, tại Hà Nội, với mục tiêu hỗ trợ các cơ quan quản lý, nhà đầu tư, doanh nghiệp và các bên liên quan tại Việt Nam, thúc đẩy áp dụng các chuẩn mực và thông lệ về Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG), UBCKNN phối hợp với (IFC tổ chức ra mắt Sổ tay Hướng dẫn Báo cáo phát thải khí nhà kính. Song hành cùng việc ban hành các sổ tay hướng dẫn, UBCKNN và các Sở giao dịch thường xuyên phối hợp với các đối tác tổ chức các chương trình đào tạo về phát triển bền vững và tài chính bền vững cho cả các cán bộ của cơ quan quản lý và nhà đầu tư có tổ chức.
Nhờ có những hoạt động tích cực trên đây từ phía UBCKNN và các SGDCK, hoạt động công bố thông tin liên quan đến các yếu tố ESG cũng đã được cải thiện đáng kể. Các doanh nghiệp đã dần ý thức được việc cần thiết của việc công bố các thông tin bền vững, không chỉ đáp ứng yêu cầu của cơ quan quản lý mà còn là một công cụ để thu hút các nhà đầu tư vào doanh nghiệp, nâng cao danh tiếng và khả năng của doanh nghiệp trên thị trường.
Các nhóm giải pháp hành động tăng trưởng xanh trong lĩnh vực chứng khoán
Qua quá trình đánh giá các hoạt động thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2010-2020 và các yêu cầu phát triển bền vững trong giai đoạn tới trong Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030, UBCKNN đã xây dựng 05 nhóm giải pháp chính và các hoạt động cụ thể dự kiến triển khai trong thời gian tới như sau:
Một là, hoàn thiện khung pháp lý gắn với mục tiêu tăng trưởng xanh: Hoàn thiện các tài liệu hướng dẫn về phát hành trái phiếu xanh doanh nghiệp
(dưới dạng Sổ tay, Cẩm nang, Tài liệu hướng dẫn…); Nghiên cứu áp dụng Quy định tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh của Bộ Tài nguyên Môi trường cho lĩnh vực chứng khoán; Nghiên cứu xây dựng chính sách áp dụng cho công ty đại chúng về công bố thông tin bền vững; xây dựng chính sách phát triển bảng giao dịch chứng khoán xanh, bền vững.
Hai là, phát triển sản phẩm tài chính xanh: Nghiên cứu xây dựng khung hướng dẫn về phát hành trái phiếu doanh nghiệp xanh theo ngành (thí điểm với một số ngành: Bất động sản, Năng lượng,…); Xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn công bố thông tin phát hành trái phiếu xanh, trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu xã hội, trái phiếu bền vững ở Việt Nam.
Ba là, thúc đẩy sự tham gia của các thành phần kinh tế trong thị trường vốn xanh, tài chính bền vững. Nghiên cứu xây dựng cổng thông tin điện tử, trung tâm dữ liệu về các sản phẩm, dự án liên quan đến tài chính xanh, bền vững; hoàn thiện các chỉ số chứng khoán liên quan đến phát triển bền vững; Đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức cung cấp dịch vụ đánh giá độc lập tại thị trường Việt Nam.
Bốn là, nâng cao chất lượng nhân lực và đào tạo cho cơ quan quản lý và thành viên thị trường.
- Xây dựng và thực hiện các chương trình đào tạo, nâng cao năng lực cho cơ quan quản lý về chứng khoán xanh, tài chính bền vững.
- Thực hiện tuyên truyền, đào tạo, xây dựng chương trình nâng cao nhận thức và năng lực cho thành viên thị trường về chứng khoán xanh, tài chính bền vững.
Năm là, tăng cường hợp tác quốc tế: Hợp tác, chia sẻ thông tin với cơ quan quản lý thị trường vốn nước ngoài trong công tác xây dựng và phát triển thị trường vốn theo hướng xanh và bền vững; Hài hòa hóa khuôn khổ pháp lý hướng tới các chuẩn mực chung về tài chính xanh, phát triển bền vững trong lĩnh vực chứng khoán; Tổ chức các hội nghị, các diễn đàn về tài chính xanh, tài chính khí hậu...
Tài liệu tham khảo:
- Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050;
- Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 882/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030.