Hậu Brexit: Paris có thay thế London?

Theo daibieunhandan.vn

Một tuần nữa sẽ diễn ra cuộc trưng cầu dân ý nhằm quyết định việc Anh sẽ ra đi hay ở lại Liên minh châu Âu (EU). Trước viễn cảnh Anh có thể rời khỏi EU, còn gọi là kịch bản Brexit, các quan chức của một số thành phố lớn châu Âu, trong đó có Thủ đô Paris của Pháp, đang rập rình muốn trở thành trung tâm dịch vụ tài chính toàn cầu mới, thay thế London.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Paris trải thảm đỏ

Từ lâu, vị thế trung tâm tài chính toàn cầu của London đã khiến nhiều trung tâm tài chính khác ở EU ganh tị. Khoảng 1/3 lượng giao dịch bằng đồng euro diễn ra ở London, dù Anh không tham gia Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Mặc dù chỉ đứng thứ 5 trong số các nền kinh tế lớn thế giới, nhưng Anh là nước xuất khẩu dịch vụ tài chính lớn nhất. Đóng góp ròng của London vào cán cân thương mại và kho bạc của Anh có thể được tính vào hàng chục tỷ USD. Riêng kim ngạch xuất khẩu dịch vụ tài chính của London sang EU lên tới 30 tỷ USD hoặc hơn mỗi năm, tương đương hơn 1% GDP của Anh.

Nếu Anh chọn Brexit và mất quyền tiếp cận đầy đủ vào thị trường EU, đặc biệt là quyền cung cấp các dịch vụ tài chính xuyên biên giới, cơ hội kinh doanh tương đối lớn ở EU sẽ dành cho những nơi khác ở châu Âu, do các ngân hàng sẽ buộc phải chuyển hoạt động giao dịch, thậm chí cả trụ sở chính, từ London sang Eurozone để hoạt động không gặp trở ngại. Đầu năm nay, HSBC thông báo, sẽ chuyển khoảng 20% lực lượng lao động ở London, tương đương khoảng 1.000 việc làm chủ yếu ở các phòng giao dịch và ngân hàng đầu tư, sang Paris trong trường hợp Brexit xảy ra.

Trong bối cảnh đó, nhiều thành phố khác ở châu Âu không bỏ qua cơ hội trở thành “London mới” trong lĩnh vực tài chính, nếu Anh rút khỏi EU. Tháng 2 vừa qua, Bộ trưởng Kinh tế Pháp Emmanuel Macron tuyên bố, Paris sẵn sàng trải thảm đỏ đón các chủ ngân hàng của Anh, nếu nước này chọn rời khỏi EU. 2 tuần trước ngày diễn ra cuộc trưng cầu dân ý ở Anh, các nhà cung cấp dịch vụ tài chính Pháp đã mở chiến dịch nhằm thu hút giới tài chính đến với thành phố Paris trong trường hợp Brexit.

Chủ tịch tổ chức Paris Europlace, được thành lập để quảng bá ngành tài chính Pháp, Gérard Mestrallet khẳng định, không muốn nước Anh rời khỏi EU, nhưng nếu điều đó xảy ra thì Paris sẽ dang tay chào đón bất kỳ ngân hàng nào. Tổng Giám đốc điều hành Công ty quảng bá nhằm thu hút đầu tư IDA của Ireland, Martin Shanahan cho rằng, Brexit có thể giúp Dublin thu hút 10.000 việc làm trong ngành dịch vụ tài chính. Giám đốc quản lý Frankfurt Main Finance Hubertus Vath cũng tuyên bố, thành phố Frankfurt sẵn sàng chào đón làn sóng các chủ ngân hàng từ London. Những lời chào mời tương tự được phát đi từ Luxembourg, Amsterdam, Munich, Stockholm và nhiều trung tâm tài chính khác của European trước thềm cuộc trưng cầu dân ý ở Anh.

Tuy nhiên, các quan chức Pháp tranh luận rằng, Paris có vị trí tốt hơn các đối thủ như Dublin, Amsterdam hay Frankfurt, để chào đón bất kỳ ngân hàng nào sắp sửa rời khỏi London. Các chính trị gia và giới chức tài chính Pháp còn tự hào về nhân lực và cơ sở hạ tầng tài chính hiện ở Paris, với 800,000 nhân viên tài chính và có 4 trong 10 ngân hàng lớn nhất châu Âu tính theo tài sản đặt trụ sở chính tại đây.

Khó có thể thay thế

Các nhà phân tích cho rằng, khó có thành phố châu Âu nào hội đủ những yếu tố quan trọng của một trung tâm tài chính toàn cầu mà London nắm giữ. Xét các yếu tố cạnh tranh như môi trường thể chế và pháp lý, thuế và chi phí, Paris thua xa London. Hiện, Thủ đô Pháp chỉ xếp thứ 32 trong bảng xếp hạng Chỉ số trung tâm tài chính toàn cầu (GFCI) và đứng ở vị trí thứ 7 ở châu Âu, sau Zurich, Luxembourg, Geneva, Frankfurt và Munich.

Nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng tài chính của Paris cũng khiêm tốn so với của London. Với 8,5 triệu người, dân số của London gấp khoảng 4 lần dân số của Paris, 2,2 triệu người. London có khoảng 350.000 - 400.000 người làm việc trong lĩnh vực dịch vụ tài chính hiện nay, tương đương gần toàn bộ số lao động của Frankfurt, thành phố có dân số khoảng 700.000 người. Các nhà phân tích cho rằng, những trung tâm tài chính khác ở châu Âu (trừ London) có thể trở thành trung tâm tài chính mạnh trong khu vực, nhưng chưa đủ mạnh để trở thành trung tâm toàn cầu.

Riêng với Paris, giới lãnh đạo ngân hàng Pháp thừa nhận một số hạn chế của Paris, đáng chú ý là thuế. Frédéric Oudéa, Tổng Giám đốc điều hành của Ngân hàng Société Générale cho rằng, thuế đánh vào tuyển dụng là quá cao. Theo Liên đoàn Ngân hàng Pháp (FBF), mức lương 300.000 euro chi cho nhân viên ngân hàng ở Anh chỉ khiến các ngân hàng tốn khoảng 350.000 euro/năm, sau khi tính tất cả các yếu tố. Còn ở Pháp, ngân hàng sẽ phải trả khoảng 470.000 euro cho cùng mức lương này. Thêm vào đó, năm 2013, Tổng thống Pháp Francois Hollande từng tuyên bố có ý định tăng thuế đối với người giàu lên 75%. Đây chắc chắn không phải tin tốt lành đối với giới tài chính giàu có. Bà Barbat-Layani, đứng đầu FBF cho rằng, Chính phủ cần gửi đi những thông điệp phù hợp, có thể khởi đầu bằng việc hạ thấp một số phí xã hội.