Hậu Covid-19, nhà phố mặt tiền đua nhau rao bán
Tác động của dịch Covid-19, nhiều mặt bằng “vàng” ở những khu vực trung tâm TP. Hồ Chí Minh liên tục treo biển cho thuê, hoặc rao bán nhiều tháng, nhưng không tìm được khách.
Khách thuê không có, nhiều mặt bằng đua nhau rao bán
Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, việc sở hữu một căn nhà phố mặt tiền là điều mơ ước của không ít người, thậm chí nhiều người có tiền cũng không thể mua được. Tuy nhiên hiện nay, tình hình đã thay đổi 180 độ.
Chị Nguyễn Thị Thu Thảo, chủ sở hữu một căn nhà phố 1 trệt, 2 lầu trên đường Điện Biên Phủ (quận 3, TP. Hồ Chí Minh) cho biết, tấm bảng cho thuê mặt bằng được chị treo hơn 2 tháng nay, nhưng không có ai hỏi, bí đường, chị quyết định bán đứt để xoay dòng vốn, vì chị đang gánh một số nợ lớn ở ngân hàng.
Chị Thảo cho biết, đây là quyết định không mấy dễ dàng, vì căn nhà là tài sản lớn nhất hiện chị đang có khi từ quê vào TP. Hồ Chí Minh lập nghiệp. Tuy nhiên, việc dịch bệnh bùng phát khiến chuyện làm ăn của gia đình ngày càng bế tắc, cầm cự được 2 tháng, nay chị quyết định bán căn nhà này với giá thấp hơn gần 10% so với mặt bằng chung của thị trường. Tuy nhiên, việc rao bán cũng không dễ dàng gì, vì cũng chưa có khách nào hỏi thăm.
Tương tự, Anh Phạm Văn Thanh, chủ căn nhà 80m2 mặt tiền đường Phan Xích Long (quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh) cũng phải “cắn răng” bán đi căn nhà anh vừa mới mua lại vào giữa năm 2019 với mục đích cho thuê lại.
Anh Thanh cho biết, giữa năm 2019, anh mua lại căn nhà này với giá 23 tỷ đồng và bỏ thêm 2 tỷ đồng để tu sửa, rồi cho thuê với giá 30 triệu đồng/tháng tại tầng trệt.
“Thời gian đầu, việc cho thuê rất thuận lợi, nhưng khi dịch bệnh xảy ra, khách hàng trả mặt bằng, từ đó tới nay, rao thuê vài lần cũng không có khách, tôi quyết định rao bán toàn bộ căn nhà với giá 24 tỷ đồng”, anh Thanh nói và cho biết, đây là quyết định rất khó khăn, nhưng phải chấp nhận lỗ, vì tiền lãi hàng tháng của ngân hàng phải trả, tiền gửi cho con gái du học Hàn Quốc, rồi tiền duy trì hoạt động của công ty.
Không chỉ chị Thảo, anh Thanh, sau dịch, làn sóng rao bán nhà mặt phố đang lan rộng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Nếu trước đây, giao dịch nhà chủ yếu diễn ra trên các tuyến đường phụ, những căn nhà mặt tiền rất hiếm khi rao bán, bởi lợi nhuận từ việc cho thuê lại rất cao, thì nay cục diện thị trường đã hoàn toàn khác. Dù làn sóng rao bán lớn, nhưng nhu cầu mua lại không cao, nên thị trường dường như không có thanh khoản.
Sẽ còn khó khăn
Theo dữ liệu của trang batdongsan.com.vn, tính riêng trong quý I/2020 và các tháng đầu quý II/2020, nhu cầu giao dịch nhà phố, nhà lẻ tại TP. Hồ Chí Minh liên tục giảm mạnh, dự báo các chủ nhà còn phải hạ giá thêm nếu muốn bán nhanh.
Trong hai tháng của quý II, giá bán nhà lẻ, nhà phố chưa có dấu hiệu cải thiện. Nếu so với giá bán cao điểm giữa năm 2019, nhà mặt phố tiếp tục hạ nhiệt trung bình 2%. Trong khi nhà riêng, nhà hẻm có giá bán đi ngang, thì các tuyến đường chính lại chào bán giá thấp hơn 3 - 5% so với cùng kỳ.
Ông Nguyễn Văn Uynh, một nhà đầu tư có kinh nghiệm nhiều năm trong phân khúc nhà phố, mặt bằng cho thuê phân tích, nhà phố ở những tuyến đường hiện hữu dân cư luôn là sản phẩm có giá trị lớn, vì vậy người mua phần nhiều là giới “nhà giàu”, các doanh nghiệp cần tìm mặt bằng kinh doanh dài hạn... Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, để thu hút được những đối tượng này rất gian nan, bởi kinh tế đang trong giai đoạn khó khăn.
"Tác động của dịch Covid-19 lên sức khỏe kinh tế thì ai cũng thấy rõ, với người có tiền, thời điểm này họ không dại gì đầu tư vào những sản phẩm khó có khả năng sinh lợi ngắn hạn. Sức mua giảm mạnh nên dù rất nhiều căn nhà ở những tuyến đường sầm uất chào bán, thì nhu cầu cũng mua không cao”, ông Uynh nhấn mạnh.
Còn theo khảo sát mới đây của Công ty CBRE Việt Nam, tác động kinh tế của dịch Covid-19 đã có ảnh hưởng mạnh đến tình hình kinh doanh, 79% khách thuê tham gia khảo sát lo ngại môi trường kinh doanh 6 tháng cuối năm sẽ trở nên xấu hơn. Ngoài ra, 43% khách thuê cho rằng, doanh thu sẽ giảm 10 - 30% trong năm 2020 và có tới 61% khách thuê cho biết chưa được nhận các hỗ trợ từ chủ nhà.
Theo CBRE, việc trả mặt bằng tại các trung tâm thương mại diễn ra không nhiều do khách thuê nhận được hỗ trợ về việc giảm hoặc miễn giá thuê trong thời gian giãn cách xã hội. Tuy nhiên, việc trả mặt bằng kinh doanh nhà phố diễn ra phổ biến hơn, chủ yếu là từ những đơn vị kinh doanh nhà phố nhỏ lẻ, không đủ tiềm lực duy trì kinh doanh dài hạn.