Động lực phục hồi kinh tế cuối năm

Theo Hương Giang/Báo Thời Nay

Sau khi cả nước cơ bản kiểm soát được dịch bệnh và Chính phủ đưa ra các giải pháp mang tính “bệ đỡ” thì bản thân các doanh nghiệp cần có chiến lược phù hợp để thích ứng tình hình mới, từ đó khôi phục và phát triển. Bởi theo các chuyên gia kinh tế, động lực quan trọng nhất của nền kinh tế trong khó khăn không gì khác chính là sức mạnh nội tại, là sức bật của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp cần thích ứng nhanh, vận hành tốt chuỗi cung ứng. Ảnh: Nam Anh
Doanh nghiệp cần thích ứng nhanh, vận hành tốt chuỗi cung ứng. Ảnh: Nam Anh

Tăng cường sự hỗ trợ

Năm 2020, Việt Nam đạt được nhiều thành tựu trong “mục tiêu kép” phòng, chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế - xã hội. GDP tăng 2,91%, đưa Việt Nam vào nhóm quốc gia hiếm hoi có tăng trưởng dương trong bối cảnh nhiều nước phát triển kiệt quệ vì dịch bệnh.

Nhờ đó, Ngân hàng Thế giới dự báo GDP của Việt Nam trong năm 2021 có thể đạt mức tăng trưởng 6,7%, trong khi Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng, mức 6,5% là khả quan. Tại Nghị quyết 124/2020/QH14 kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV về “Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021”, Quốc hội giao chỉ tiêu GDP của năm 2021 là khoảng 6%.

Tuy nhiên, đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư ở trong nước với biến chủng Delta nguy hiểm, khó kiểm soát đã tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Kinh tế quý III tăng trưởng âm, kéo chỉ số tăng trưởng kinh tế chín tháng đầu năm xuống 1,42%, mức thấp nhất kể từ năm 2000 đến nay.

Phát biểu ý kiến tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định, dự báo GDP cả năm chỉ đạt khoảng 2,5 - 3%, thấp xa so mục tiêu Quốc hội đã đề ra, khoảng 6%.

Báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng cho biết, GDP cả năm 2021 ước đạt khoảng 3 - 3,5%, thấp hơn nhiều so mục tiêu khoảng 6%.

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp, hỗ trợ nền kinh tế hồi phục, phát triển trong và sau đại dịch, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, nghị định, cả chính sách tài khóa, tiền tệ lẫn chi hỗ trợ trực tiếp.

Cụ thể, tính đến ngày 15/10/2021, Chính phủ đã thực hiện miễn, giảm, giãn khoảng 95.100 tỷ đồng tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất; hỗ trợ gần 21.890 tỷ đồng cho 24,26 triệu lượt đối tượng; cho vay 566 tỷ đồng để trả lương cho hơn 161.000 lượt người lao động. 

Mới đây nhất, ngày 19/10/2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ký nghị quyết ban hành một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19. Theo đó, giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021 cho doanh nghiệp có doanh thu năm 2021 từ 200 tỷ đồng trở xuống và doanh thu này thấp hơn doanh thu 2019.

Ngoài ra, hộ kinh doanh và cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh tại địa bàn có ca nhiễm bệnh được miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế phát sinh khác trong quý III và IV/2021. Dịch vụ vận tải, lưu trú, xuất bản, thể thao, giải trí… cũng được giảm thuế giá trị gia tăng trong hai tháng cuối năm.

Thúc đẩy kinh tế tăng trưởng trở lại

Cùng với các gói hỗ trợ bằng chính sách tài khóa, tiền tệ, việc dần mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế, thống nhất về giao thông trên toàn quốc, không “cát cứ, chia cắt” giữa các địa phương trong phòng, chống dịch khi việc tiêm vắc xin đạt độ phủ cao trên toàn quốc dần tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh các gói hỗ trợ miễn, giảm thuế, lãi suất cho doanh nghiệp, giải ngân đầu tư công đang được Chính phủ đẩy mạnh để tạo động lực hồi phục cho nền kinh tế, với mục tiêu hoàn thành giải ngân 240.000 tỷ vốn đầu tư công còn lại theo kế hoạch đầu tư công năm 2021. 

Hiện, nguồn vốn đầu tư công đang chiếm khoảng 24% vốn đầu tư toàn xã hội, nhưng vốn đầu tư tư nhân chiếm lớn nhất, tới 63%. Với tỷ trọng này, việc để thúc đẩy kinh tế tăng trưởng trở lại sẽ không chỉ dựa riêng vào nguồn vốn đầu tư công như nguồn vốn mồi ban đầu, thì cần có thêm những chính sách thúc đẩy nguồn vốn đầu tư tư nhân. Khơi thông được dòng vốn đầu tư tư nhân, GDP sẽ tăng trưởng trở lại mạnh mẽ và bền vững hơn. 

Theo đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân - Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, kinh tế quý IV khó có khả năng tăng trưởng cao, nhưng hy vọng cuối năm nhu cầu tiêu dùng tăng cao, chỉ tiêu đầu tư công đã được phân giao đi vào giai đoạn nước rút cộng với Nghị quyết 128 về thích ứng an toàn vừa ban hành, hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ được khôi phục và tăng tốc.

Ông Lê Thanh Vân khẳng định, động lực quan trọng nhất của nền kinh tế trong khó khăn không gì khác chính là sức mạnh nội tại, sức bật của doanh nghiệp. Chính phủ đã cho chủ trương tại Nghị quyết 128, vấn đề cốt yếu của doanh nghiệp hiện nay là sắp xếp lại chu trình sản xuất sao cho thích nghi điều kiện mới, là thu hút lao động trở lại. Muốn vậy, phải bảo đảm đời sống cho họ.

Về vấn đề này, theo PGS., TS. Ngô Trí Long, sau khi cơ bản kiểm soát được dịch bệnh và Chính phủ đưa ra các giải pháp mang tính “bệ đỡ” thì bản thân các doanh nghiệp cần có chiến lược phù hợp để thích ứng tình hình mới, từ đó khôi phục và phát triển.

Những tháng cuối năm, nhu cầu tiêu dùng trong nhân dân rất cao, Chính phủ cần nỗ lực kiểm soát tốt dịch bệnh, còn doanh nghiệp nếu không thích ứng nhanh, vận hành tốt chuỗi cung ứng, để xảy ra đứt gãy quá trình này thì thiệt hại rất lớn. 

Lũy kế từ ngày 23/1/2020 đến ngày 15/10/2021, tổng số tiền lãi các tổ chức tín dụng miễn, giảm cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19 là gần 27.000 tỷ đồng. Mặt bằng lãi suất bình quân cho vay VND của hệ thống tổ chức tín dụng giảm tại thời điểm cuối tháng 8/2021 giảm khoảng 1,66% so trước khi dịch bệnh xảy ra.