Hậu trường câu chuyện “tàu 67”: Vui, buồn xen lẫn âu lo

PV.

Vui vì “tàu 67 trúng đậm sau 10 ngày ra khơi; hiện thực ước mơ sở hữu chiếc tàu vỏ sắt 800CV; sắm được “tàu 67” mừng hơn cả cưới vợ; tôi muốn được đóng thêm nhiều chiếc “tàu 67” nữa…”. Buồn vì vẫn còn quá nhiều ngư dân trên dặm dài hình chữ S chưa chạm được tới đồng vốn Nghị định 67/2014/NĐ-CP do thiếu điều kiện và vốn đối ứng…

Chiếc "tàu 67"của anh Trần Quân - Thị trấn Thuận An - huyện Phú Vang - tỉnh Thừa Thiên Huế vừa hạ thủy ngày 10/8/2015.
Chiếc "tàu 67"của anh Trần Quân - Thị trấn Thuận An - huyện Phú Vang - tỉnh Thừa Thiên Huế vừa hạ thủy ngày 10/8/2015.

“Tàu 67” đầu tiên trúng đậm sau hơn 10 ngày vươn khơi

Anh Phan Văn Chinh ở Thị trấn Thuận An (Phú Vang, Thừa Thiên Huế) - chủ “tàu 67” (tàu đóng mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ) đã chia sẻ như vậy với chúng tôi sau chuyến ra khơi “thử nghiệm”. “Khả năng trả nợ ngân hàng sẽ là rất nhanh, nếu chuyến nào cũng đánh bắt được như chuyến đầu tiên này”, anh Chinh hồ hởi nói: Thú thực, chuyến đi biển đầu tiên cũng chỉ thử nghiệm, nào ngờ lại trúng lớn. Chỉ hơn 10 ngày ra khơi, tàu đã đánh bắt được 20 tấn cá các loại, trị giá gần 300 triệu đồng, sau khi trừ đi chi phí xăng, dầu lãi gần 200 triệu đồng. Bất ngờ hơn chiếc “tàu 67” mà anh Chinh đang sở hữu lại là chiếc “tàu 67” đầu tiên của tỉnh Thừa Thiên Huế và cũng là chiếc “tàu 67” công suất lớn bằng vỏ gỗ đầu tiên của cả nước. Niềm vui được nhân lên, báo hiệu một sự hanh thông, thuận buồm, xuôi gió của chương trình tiếp sức ngư dân bám biển.

Chiếc “tàu 67” của anh Phan Văn Chinh được hoàn thành vào đầu năm 2015 với khối lượng gần 100m3 gỗ kiền, dài 22 mét. Ngày 15/7, “tàu 67” của anh Phan Văn Chinh chính thức ra khơi đánh bắt hải sản (cách bến cảng Thuận An hơn 10 hải lý). “Đóng mới chiếc tàu công suất hơn 700 CV có giá trị trên 7 tỷ đồng là điều không dễ. Tuy nhiên, được Nhà nước tạo điều kiện cho vay vốn, nếu không mạnh dạn vay thì sẽ khó có cơ hội biến ước mơ thành hiện thực. Quy định của Nhà nước chỉ hỗ trợ ngư dân cho vay 70% giá trị chiếc tàu, còn 30% chủ tàu phải có vốn đối ứng. Nếu không có số tiền này chắc chắn sẽ không vay được vốn Nghị định 67/2014/NĐ-CP. Phải nói đây chính là điểm vướng lớn nhất đối với ngư dân, không phải ai cũng tích lũy được số tiền lớn như vậy”, anh Chinh chia sẻ.

Hộ anh Phan Văn Chinh có truyền thống đánh bắt hải sản từ bao đời nay. Nối nghiệp cha ông, năm lên 17 tuổi, anh Chinh đã có những lần đánh bắt gần bờ, rồi dần dần “bén duyên” với nghề biển từ lúc nào chẳng hay. Đến nay, anh Chinh đã có 30 năm gắn bó với biển. Có được chiếc tàu công suất lớn để vươn khơi, bám biển dài ngày luôn là niềm mơ ước, khát khao đối với anh Chinh. Quyết tâm hiện thực ước mơ đó, anh Chinh thường xuyên đến UBND thị trấn Thuận An để tìm hiểu thêm thông tin và các thủ tục vay vốn theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về việc cho ngư dân vay vốn đóng mới tàu công suất lớn. Sau khi đăng ký nguyện vọng vay vốn đóng mới tàu với UBND thị trấn Thuận An, anh Phan Văn Chinh đã được cán bộ tín dụng của ngân hàng Agribank chi nhánh Phú Vang (trực thuộc Agribank tỉnh Thừa Thiên Huế) trực tiếp đến gặp gỡ, tận tình hướng dẫn. Cởi bỏ những vướng mắc, vợ chồng anh Chinh quyết định thế chấp chiếc tàu cũ cộng với số tài sản (2,3 tỷ đồng) tích lũy sau nhiều năm bám biển, đánh bắt hải sản để làm thủ tục vay vốn của ngân hàng Agribank chi nhánh Phú Vang. Được biết, ngày 12/8/2015, Agribank chi nhánh Phú Vang đã giải ngân hết số vốn (gần 8,2 tỷ đồng) đóng mới tàu vỏ gỗ với công suất 685CV cho anh Phan Văn Chinh.

“Nếu không có sự quan tâm của Nhà nước thì gia đình tôi chắc chắn không có chiếc tàu công suất lớn để vươn khơi, bám biển dài ngày, phát triển kinh tế, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo. Tôi hứa sẽ bằng mọi biện pháp, kỹ thuật, kinh nghiệm đánh bắt hiệu quả để không phụ lòng mong đợi, sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, các ban ngành và làm giàu chính đáng. Chuyến biển đầu tiên vừa rồi chỉ là thử nghiệm nên chưa thật sự vươn khơi. Những chuyến sau sẽ cho tàu vươn khơi đến ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa để đánh bắt hiệu quả hơn”, anh Chinh bộc bạch.

Sắm được “tàu 67” mừng hơn cả cưới vợ

Anh Trần Quân (40 tuổi), ở Thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang Thừa Thiên Huế, mê mẩn chiếc “tàu 67” đến mức quên ăn, quên ngủ thức cùng “tàu 67” đợi đến giờ hạ thủy (10/8/2015). Tới gặp anh sau Lễ hạ thủy con tàu vỏ gỗ với công suất 650 CV mới thấy rằng sự mạnh mẽ, quyết đoán và đầy hoài bão của con người miền biển. Mặc dù vẫn đang trong quá trình phối hợp với cán bộ tín dụng Agribank chi nhánh Phú Vang hoàn thiện hồ sơ vay vốn đóng mới tàu vỏ gỗ công suất lớn theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP nhưng gia đình anh Trần Quân đã mạnh dạn thế chấp 2 con tàu gỗ của mình (có công suất 410CV và 350CV) để đóng mới chiếc “tàu 67” gần 10 tỷ đồng.

Hồ hởi đưa chúng tôi ra ngắm chiếc “tàu 67” vừa hạ thủy, anh Trần Quân tâm sự: “Trong 4 chiếc “tàu 67” được Agribank chi nhánh Phú Vang ký kết giải ngân thì chiếc của tôi là suôn sẻ nhất”, vướng ở đâu là được chính quyền địa phương và cán bộ tín dụng chung tay hỗ trợ tháo gỡ hết mình. Với thực lực của ngư dân, chỉ nằm mơ mới có con tàu công suất lớn như vậy nhưng nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước và ngân hàng Agribank mà tôi đã đóng được con tàu mơ ước. Ơn trời, thuận buồm xuôi gió, tính trung bình mỗi năm dự kiến “tàu 67” sẽ thu về 2 tỷ tiền lãi từ đánh bắt hải sản, vi chi 3 năm sau gia đình tôi sẽ thanh toán được hết số vốn vay mà Agribank đầu tư”.

Nhu cầu nhiều nhưng được vay chẳng bao nhiêu

Đó là kết quả mà chúng tôi thu được sau chuyến đi thực tế về tình hình giải ngân vốn hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của ngân hàng Agribank (một trong những đơn vị chủ chốt trong triển khai Nghị định 67/2014/NĐ-CP) tại 2 tỉnh ven biển Thừa Thiên Huế và Quảng trị. Theo nguồn tin từ Agribank, tính tới 18/8/2015, Agribank giải ngân được gần 166 tỷ đồng, chiếm gần 50% tổng số toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã giải ngân được từ đầu năm đến nay (281 tỷ đồng). Các chi nhánh Agribank triển khai cho vay theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP đến thời điểm này gồm có: Bình Thuận, Đà Nẵng, Nghệ An, Quảng Ninh, Quảng Trị, Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Tiền Giang, Bạc Liêu, Vũng Tàu, Sóc Trăng. Trong số 99 hồ sơ đã tiếp nhận, Agribank đã ký 54 hợp đồng tín dụng và đã giải ngân cho 38 khách hàng đóng mới 27 tàu vỏ thép, 2 tàu composive và 70 tàu vỏ gỗ. Từ nay đến cuối năm 2015, Agribank cam kết sẽ giải ngân hết các hợp đồng tín dụng đã ký với số tiền là 434 tỷ đồng.

“Nguyên nhân chính khiến dòng vốn Nghị định 67/2014/NĐ-CP chảy chậm là do điều kiện vốn đối ứng, nhu cầu vay vốn đóng tàu mới của các địa phương rất lớn, tuy nhiên khi thẩm định khả năng và điều kiện đối ứng thì chỉ số ít trong đó đủ điều kiện ký kết hợp đồng tín dụng”, nhấn mạnh điều này ông Mai Xuân Thành, Giám đốc Agribank huyện Phú Vang cho biết: Quy định sử dụng máy mới 100% khi đóng mới tàu là một nút thắt lớn, bởi nhiều chủ tàu có nhu cầu đăng ký cải hoán tàu vỏ gỗ nhưng không thuộc đối tượng được hỗ trợ vay vốn; trong khi, hầu hết bà con ngư dân đều có nguyện vọng tận dụng lại trang thiết bị và ngư lưới cụ sẵn có, nâng cấp, cải tạo cho phù hợp và giảm chi phí. Chưa kể, ngân hàng gặp rất nhiều khó khăn trong việc thẩm định dự toán con tàu vì cho đến nay vẫn chưa có quy định cụ thể về định mức kỹ thuật và giá khái toán để cán bộ tín dụng tham khảo…

Một trong những nguyên tắc cơ bản của tín dụng là khả năng thu hồi vốn. Với loại hình cho vay đặc thù này, nguồn thu nợ chủ yếu đến từ hoạt động khai thác và kinh doanh của chủ tàu nhưng nguồn thu nhập này lại khó kiểm soát, bởi do: Đây là nguồn thu không ổn định và có nhiều biến động. Sản lượng hải sản mỗi chuyến ra khơi phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết và luồng cá. Nếu thời tiết tốt và gặp được luồng cá thì tàu sẽ thu được mẻ cá lớn. Ngược lại, thời tiết xấu, không gặp được luồng cá, không những thất thu mà con tàu và các thuyền viên còn gặp rủi ro lớn. Do đó, ngân hàng không thể ước lượng một con số cố định về sản lượng đánh bắt mỗi chuyến ra khơi; Hơn nữa cũng rất khó xác định dòng tiền để ghi chép, theo dõi trong hồ sơ. Do giá cả hải sản trên thị trường biến đổi hàng ngày và phụ thuộc vào tư thương. Đồng thời, đánh bắt ở ngư trường xa khiến ngư dân phải neo đậu ở các địa phương ngoài tỉnh nên ngân hàng rất khó khăn trong việc kiểm tra, quản lý dòng tiền sau khi ngư dân bán hải sản khai thác…

Để dòng vốn Nghị định 76/2014/NĐ-CP được giải ngân hiệu quả và tới được với nhiều ngư dân hơn nữa, cần có sự phối hợp đồng bộ và chặt chẽ của nhiều bộ, ngành từ trung ương đến địa phương và người dân trong việc triển khai thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP như: hỗ trợ thuế, phí cho các chủ tàu từ ngân sách chưa hoặc chậm được triển khai đã gây khó khăn cho các chủ tàu trong bổ sung vốn đối ứng; cảng cá chưa phù hợp với neo đậu những con tàu trong bổ sung vốn đối ứng; ngư dân thiếu kinh nghiệm trong việc vận hành tàu công suất lớn, kinh nghiệm đánh bắt xa bờ… Đồng thời, quan tâm đến vấn đề bao tiêu sản phẩm, nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề vay vốn đóng tàu…

Đặc biệt, sớm ban hành các định mức kỹ thuật như giá khái toán của các loại tàu; sớm đưa ra các mẫu tàu phù hợp và đẩy nhanh tiến độ phê duyệt các điều chỉnh về mẫu tàu và dự toán đóng tàu; có ý kiến rõ ràng về việc “có cho phép ngư dân cải hoán máy cũ hay không”?

Chính quyền địa phương cũng cần phối hợp với các ngân hàng thương mại tăng cường tuyên truyền cho ngư dân hiểu đúng tinh thần của Nghị định 67/2014/NĐ-CP, đồng thời xem xét, tạo điều kiện để ngư dân có thể tiếp cận những mô hình thí điểm, tạo tâm lý yên tâm đầu tư cho ngư dân.

Vấn đề quan trọng nữa là điều kiện giải ngân: Việc giải ngân theo quy định “chỉ được thực hiện giải ngân hạng mục sau khi có kiểm định hoàn thiện trước của cơ quan đăng kiểm…”. Do vậy, để tháo gỡ khó khăn cho ngư dân, đề nghị cho thực hiện giải ngân theo tỷ lệ % từng phần của từng hạng mục khi có nghiệm thu từng phần đối với vỏ tàu, sau khi có kiểm định hoàn thiện của cơ quan đăng kiểm mới giải ngân số vốn còn lại.

Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành, với năm nhóm chính sách hỗ trợ, nhằm khuyến khích phát triển thủy sản với mục tiêu xuyên suốt là khuyến khích ngư dân bám biển, trên cơ sở đó tổ chức lại nghề cá, tái cơ cấu ngành thuỷ sản, khuyến khích đóng tàu lớn, vững chắc để có thể khai thác xa bờ đúng với lợi thế từng địa phương, góp phần giúp ngư dân ổn định sản xuất, phát triển bền vững, nâng cao thu nhập và giữ vững chủ quyền biển đảo.