Hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ giúp cải thiện minh bạch thông tin thị trường
Việc Hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ (TPDN) vừa chính thức đi vào hoạt động sẽ góp phần tạo tính thanh khoản, cải thiện minh bạch thông tin cho thị trường và làm cơ sở cho nhà đầu tư trong việc ra quyết định về khoản đầu tư của mình. Tuy nhiên, rủi ro vẫn luôn hiện hữu, trong trường hợp xảy ra các vấn đề tranh chấp dân sự, trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ vẫn thuộc về DN phát hành và nhà đầu tư theo pháp luật dân sự.
Hệ thống giao dịch TPDN riêng lẻ vừa chính thức đi vào hoạt động từ ngày 19/7. Đánh giá về sự kiện này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, việc vận hành hệ thống này thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Bộ Tài chính trong việc phát triển thị trường tài chính nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng nhằm tạo ra kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế.
Ngay tại thời điểm mở cửa (ngày 19/7), thị trường có 19 mã TPDN riêng lẻ được chấp thuận đăng ký và đưa vào giao dịch ngay trong phiên đầu tiên. Trong phiên giao dịch khai trương, 4 mã TPDN riêng lẻ được giao dịch với tổng số 39 lệnh. Tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt trên 5 triệu trái phiếu, trong đó khối lượng thanh toán ngay gần 4,1 triệu trái phiếu và thanh toán cuối ngày là 0,9 triệu trái phiếu. Tổng giá trị giao dịch toàn thị trường đạt 1.781 tỷ đồng, trong đó giá trị thanh toán ngay là 1.690 tỷ đồng, giá trị thanh toán cuối ngày xấp xỉ 91 tỷ đồng.
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, kết quả giao dịch ban đầu của hệ thống giao dịch TPDN riêng lẻ cho thấy, hệ thống này nếu được giám sát chặt chẽ, vận hành minh bạch sẽ góp phần tạo ra một nền tài chính đa dạng, hỗ trợ doanh nghiệp huy động vốn trung và dài hạn nhằm phát triển kinh tế đất nước, giảm gánh nặng vào kênh tín dụng ngân hàng.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng, việc đưa trái phiếu riêng lẻ lên sàn nhằm tạo tính thanh khoản là dấu hiệu tích cực cho thị trường TPDN. Theo chuyên gia này, trong trường hợp các cơ quan quản lý nhà nước quy định chặt chẽ về việc nhà phát hành riêng lẻ phải công bố thông tin tài chính của mình, đây sẽ là yếu tố thuận lợi giúp nhà đầu tư "chọn mặt gửi vàng", lựa chọn được các trái phiếu chất lượng, thay vì trước đó, các doanh nghiệp phát hành không công khai minh bạch thông tin.
Chia sẻ quan điểm này, ông Nguyễn Quang Thuân - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của FiinGroup, việc ra đời hệ thống kê khai và giao dịch tập trung tại HNX đối với trái phiếu riêng lẻ là một bước tiến lớn cho thị trường này. Theo đó, hoạt động kê khai tập trung và với các yêu cầu về kê khai thông tin về tổ chức phát hành và về lô trái phiếu đó sẽ góp phần cải thiện minh bạch thông tin cho thị trường và làm cơ sở cho nhà đầu tư trong việc ra quyết định và chịu trách nhiệm về khoản đầu tư của mình. Điều này từng bước sẽ góp phần giúp thị trường xác định đó chính là một sản phẩm chứng khoán chứ không phải là một khoản tiền gửi tiết kiệm có thu nhập cố định như trước kia. Khi đó, nhà đầu tư sẽ có một tâm thế chấp nhận rủi ro so với kỳ vọng lãi suất hay lợi tức đã được niêm yết.
Bên cạnh đó, việc để trái phiếu riêng lẻ lên sàn sẽ góp phần thực hiện giải quyết vấn đề thanh khoản khi cần thiết. Trái phiếu được giao dịch tập trung thay vì các nền tảng giao dịch của các công ty chứng khoán sẽ góp phần thực hiện giao dịch thuận lợi hơn thay vì phải qua các thủ tục tìm kiếm bên mua và bên bán theo hình thức khá thủ công hiện nay mặc dù hệ thống giao dịch của một số công ty chứng khoán cũng rất thuận lợi.
Ngoài ra, theo Tổng giám đốc của FiinGroup, việc kê khai và giao dịch tập trung này sẽ góp phần tạo đường cong lãi suất cho từng trái phiếu tùy theo mức xếp hạng tín nhiệm hay đánh giá chất lượng trái phiếu của thị trường và tùy theo kỳ hạn của trái phiếu. Việc giao dịch và hình thành đường cong lãi suất trái phiếu sẽ giải quyết vấn đề định giá trái phiếu - vốn rất cần thiết cho các định chế đầu tư nhằm phục vụ công tác quản trị rủi ro, báo cáo và tuân thủ. Đồng thời, việc hình thành công cụ định giá trái phiếu cũng sẽ góp phần mở rộng cơ sở nhà đầu tư, bao gồm cả các định chế tài chính đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường này.
Tuy nhiên, TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, thị trường TPDN riêng lẻ tại Việt Nam đang tiềm ẩn rủi ro rất lớn và việc đưa giao dịch trái phiếu riêng lẻ trên sàn thực tế chưa thể giảm thiểu rủi ro cho các nhà đầu tư. Do vậy, trong thời gian tới, cơ quan quản lý cần tiếp tục rà soát, bổ sung thêm quy định về việc công bố thông tin của các đơn vị phát hành riêng lẻ, tương tự như quy định đối với nhà phát hành trái phiếu ra công chúng. Đồng thời, phải đẩy nhanh việc xếp hạng tín nhiệm, thực hiện quy định yêu cầu xếp hạng tín nhiệm đối với các DN phát hành...
Trong một cuộc trả lời báo chí gần đây, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng khẳng định, việc ra đời thị trường thứ cấp TPDN riêng lẻ chỉ là cung cấp thêm nơi để nhà đầu tư chuyên nghiệp có thể giao dịch thuận tiện hơn và một phần hỗ trợ nhà đầu tư tiếp cận thông tin liên quan về sản phẩm TPDN riêng lẻ đó dễ dàng hơn. Trong trường hợp xảy ra các vấn đề tranh chấp dân sự đối với TPDN riêng lẻ thì trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ (đặc biệt là nghĩa vụ trả gốc, lãi) vẫn thuộc về DN phát hành và nhà đầu tư theo pháp luật dân sự.
Nói cách khác, theo các chuyên gia tài chính, trách nhiệm vẫn ở doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư khi giao dịch phải có trách nhiệm với khoản đầu tư của mình khi phải tìm hiểu kỹ năng lực tài chính, kế hoạch sử dụng trái phiếu, mức độ uy tín của doanh nghiệp phát hành.