Hệ thống Kho bạc Nhà nước đẩy mạnh giao dịch không dùng tiền mặt
Triển khai chủ trương của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt (Quyết định số 2545/QĐ-TTg ngày 30/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020), hệ thống Kho bạc Nhà nước đã và đang có nhiều giải pháp để tăng cường công tác thanh toán không dùng tiền mặt trong quản lý thu, chi ngân sách nhà nước. Hoạt động này hướng tới góp phần giảm tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán trong nền kinh tế nước ta đến cuối năm 2020 ở mức thấp hơn 10% theo như chủ trương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Một số kết quả về thanh toán không dùng tiền mặt
Nhằm tiếp tục hạn chế việc sử dụng tiền mặt trong thanh toán, Chính phủ đã phê duyệt Đề án Thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016-2020, với mục tiêu tổng quát là đa dạng hóa dịch vụ thanh toán, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thanh toán điện tử, chú trọng phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong khu vực nông thôn...
Mục tiêu cụ thể là phấn đấu đến cuối năm 2020, tỷ lệ tiền mặt trong tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%. Bên cạnh đó, chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 80/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 về thanh toán không dùng tiền mặt...
Thực hiện chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ, định hướng giảm dần và hướng đến không thực hiện giao dịch bằng tiền mặt trong Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước (KBNN) đến năm 2020, thời gian qua, KBNN đã triển khai có hiệu quả nhiều hoạt động như: Tiếp tục hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý và công tác hướng dẫn; tham gia triển khai trên diện rộng hệ thống thanh toán liên ngân hàng (TTLNH) của Ngân hàng Nhà nước (NHNN); tiếp tục vận hành và phát triển các hình thức thanh toán song phương điện tử với ngân hàng thương mại (NHTM); mở rộng phối hợp thu ngân sách nhà nước (NSNN) bằng phương thức điện tử; tăng cường các hình thức giao dịch không dùng tiền mặt... Những nỗ lực này đã đem lại một số kết quả cụ thể như sau:
Thứ nhất, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý. Từ năm 2011, KBNN đã xây dựng, trình Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 164/2011/TT-BTC ngày 17/11/2011 quy định quản lý thu, chi bằng tiền mặt qua hệ thống KBNN. Sau thời gian triển khai Thông tư này, trên cơ sở các yêu cầu mới và tăng cường quản lý thanh toán bằng tiền mặt, KBNN đã trình Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 13/2017/TT-BTC ngày 15/2/2017 (thay thế Thông tư số 164/2011/TT-BTC) để hoàn thiện các nguyên tắc quản lý áp dụng chế tài nhằm tăng cường hạn chế giao dịch bằng tiền mặt qua KBNN.
Các chế tài chủ yếu đã quy định nội dung bắt buộc phải thanh toán không dùng tiền mặt như thanh toán bằng chuyển khoản trực tiếp từ tài khoản của đơn vị giao dịch mở tại KBNN tới tài khoản của người cung cấp hàng hóa dịch vụ, người hưởng lương từ NSNN và người thụ hưởng khác tại KBNN hoặc ngân hàng; các đơn vị giao dịch có tài khoản tại KBNN thanh toán bằng các hình thức không dùng tiền mặt khi mua hàng hoá, dịch vụ với các đơn vị, tổ chức, cá nhân có tài khoản tiền gửi tại KBNN hoặc ngân hàng.
Thực hiện quy định của Luật NSNN năm 2015 về quản lý ngân quỹ nhà nước (Điều 62), KBNN đã trình Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định số 24/2016/NĐ-CP ngày 5/4/2016 của Chính phủ quy định chế độ quản lý ngân quỹ nhà nước; trình Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 315/2016/TT-BTC ngày 30/11/2016 quy định về quản lý và sử dụng tài khoản của KBNN mở tại NHNN và NHTM; Thông tư số 328/2016/TT-BTC ngày 26/12/2016 về quản lý các khoản thu NSNN qua KBNN.
Các văn bản trên quy định KBNN mở tài khoản tại NHNN và các NHTM để phục vụ tốt hơn nữa công tác tập trung kịp thời, đầy đủ các khoản thu vào NSNN và chi trả thanh toán chính xác, nhanh chóng các khoản chi NSNN.
Thứ hai, tiếp tục triển khai, hoàn thiện và hiện đại hóa các hệ thống thanh toán điện tử tập trung. Cùng với tiến trình phát triển, hiện đại hóa thanh toán của KBNN, ngay sau khi vận hành ổn định và làm chủ hệ thống ứng dụng nghiệp vụ tập trung phức tạp lớn nhất của ngành Tài chính nói chung và của KBNN nói riêng (Hệ thống Thông tin Quản lý Ngân sách và Kho bạc - TABMIS), KBNN đã tích cực triển khai các hệ thống thanh toán trong và ngoài Ngành.
Sau thời gian triển khai thí điểm và phối hợp với NHNN hoàn thiện quy trình nghiệp vụ và ứng dụng TTLNH, KBNN đã tích cực đẩy nhanh việc tham gia TTLNH. Kết quả là đến hết tháng 8/2017, KBNN đã tham gia triển khai và vận hành thành công hệ thống TTLNH của NHNN tại các tỉnh thành phố trên toàn quốc; thực hiện đúng chủ trương của Chính phủ tại Quyết định số 2545/QĐ-TTg ngày 30/12/2016 về thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý quỹ NSNN, công tác thanh toán không dùng tiền mặt và cải cách hành chính, hiện đại hóa KBNN.
Việc KBNN tham gia triển khai và vận hành thành công trên diện rộng hệ thống TTLNH với sự giúp đỡ của NHNN đã khẳng định sự quyết tâm cao, tích cực của hệ thống KBNN đối với chủ trương của Chính phủ, giải pháp của NHNN về thanh toán không dùng tiền mặt kết hợp với nâng cao hiệu quả quản lý thu, chi NSNN.
Bên cạnh đó, nhằm tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế vào NSNN, tập trung nhanh nguồn thu và giảm lượng tiền mặt trong giao dịch qua KBNN, từ năm 2012, KBNN đã phối hợp với 4 NHTM lớn (Ngân hàng Công thương Việt Nam - Vietinbank, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Agribank, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank) triển khai vận hành ổn định, hiệu quả hệ thống thanh toán song phương phối hợp thu NSNN điện tử trên toàn hệ thống KBNN từ Trung ương đến tỉnh, huyện.
Từ giữa tháng 3/2017, KBNN đã ký thỏa thuận hợp tác song phương với NHTM Cổ phần Quân đội (MB) và triển khai thêm kênh thanh toán song phương điện tử và phối hợp thu giữa KBNN và MB, từ đó góp phần đa dạng, linh hoạt các kênh thanh toán và đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trong nghiệp vụ giao dịch thu, chi NSNN của KBNN.
Cùng với việc tham gia, triển khai và tiếp tục phát triển các hệ thống thanh toán với bên ngoài, KBNN đã song song nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống thanh toán nội bộ (Thanh toán liên kho bạc) giữa các đơn vị KBNN. Đến nay, KBNN đã tích hợp hệ thống thanh toán liên kho bạc điện tử vào hệ thống TABMIS và vận hành thành công.
Việc đẩy mạnh triển khai, hoàn thiện và hiện đại hóa các hệ thống thanh toán điện tử trong thời gian qua đã giúp công tác quản lý ngân quỹ được an toàn, hiệu quả, công tác thanh toán qua KBNN được nhanh chóng, an toàn, thuận tiện, từ đó góp phần cải cách thủ tục hành chính và hướng tới hạn chế tối đa sử dụng tiền mặt trong giao dịch với NSNN.
Thứ ba, tăng cường hoàn thiện các phương thức, quy trình giao dịch thu NSNN không dùng tiền mặt qua KBNN. Trên cơ sở thỏa thuận hợp tác song phương điện tử giữa KBNN với các NHTM, KBNN đã triển khai thực hiện ủy nhiệm thu NSNN bằng tiền mặt cho các NHTM nơi mở tài khoản và tổ chức mở các tài khoản chuyên thu tại chi nhánh của 4 NHTM trên toàn quốc (tính đến tháng 9/2017, số lượng tài khoản chuyên thu trên toàn hệ thống KBNN là hơn 700 tài khoản).
Trên cơ sở kết quả triển khai thành công hệ thống thanh toán song phương điện tử và phối hợp thu với MB, KBNN đang tiếp tục triển khai ủy nhiệm thu NSNN bằng tiền mặt và mở tài khoản chuyên thu với MB.
Việc triển khai thành công các hệ thống thanh toán điện tử cũng là tiền đề quan trọng cho yêu cầu tích hợp và tự động hóa của các hệ thống thu NSNN giữa KBNN và NHTM, từ đó giúp cho công tác phối hợp thu NSNN giữa KBNN với các NHTM tiếp tục được đẩy mạnh trên phạm vi toàn quốc với các hình thức thu tại quầy giao dịch NHTM, thu qua các kênh giao dịch điện tử Internet Banking, thẻ ATM...
Để tạo thuận lợi hơn nữa cho người nộp NSNN và giảm thiểu thu bằng tiền mặt tại trụ sở KBNN, từ cuối năm 2015, KBNN đã phối hợp với Vietinbank triển khai thí điểm thu NSNN qua máy chấp nhận thẻ (POS) tại một số đơn vị KBNN cấp huyện trên địa bàn TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Trên cơ sở kết quả triển khai thí điểm thành công, KBNN đã phối hợp với Vietinbank, Vietcombank hoàn thiện quy trình, triển khai trên toàn quốc và dự kiến sẽ hoàn thành triển khai với BIDV vào đầu quý IV/2017.
Theo đó, người nộp NSNN có thể sử dụng thẻ ngân hàng (thẻ ghi nợ) thay cho tiền mặt để nộp NSNN qua hệ thống thiết bị POS của NHTM đặt tại các đơn vị KBNN. Người nộp không phải trả bất kỳ một khoản phí nào chỉ cần cung cấp bảng kê nộp thuế hoặc quyết định xử phạt hành chính (trường hợp nộp phạt vi phạm hành chính) và quẹt thẻ ngân hàng vào POS thay cho việc nộp tiền mặt.
KBNN cũng chủ động phối hợp với các cơ quan trong ngành Tài chính (Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan) và hệ thống NHTM hoàn thiện, nâng cấp Chương trình trao đổi thông tin thu, nộp NSNN (Chương trình TCS) giữa KBNN, các NHTM và cơ quan thu; phối hợp với các đơn vị thuộc NHNN tiếp tục hoàn thiện ứng dụng TTLNH phục vụ tốt hơn nữa cho giao dịch thu NSNN.
Sự vận hành ổn định, hiệu quả của các Chương trình thanh toán, phối hợp thu NSNN và đa dạng các phương thức thu NSNN điện tử mới không chỉ đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong quy trình thu nộp NSNN, tạo thuận lợi cho người nộp mà còn giảm chi phí xã hội liên quan đến thu bằng tiền mặt, hạn chế tối đa việc sử dụng tiền mặt trong hoạt động giao dịch với NSNN.
Thứ tư, tăng cường quản lý chặt chẽ việc thanh toán bằng tiền mặt qua KBNN. Thực hiện Chỉ thị số 20/2007/CT-TTg ngày 24/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc trả lương qua tài khoản cho các đối tượng hưởng lương từ NSNN, KBNN đã trình Bộ Tài chính ban hành văn bản quy định nguyên tắc chuyển khoản trực tiếp từ tài khoản của đơn vị giao dịch mở tại KBNN tới tài khoản của người hưởng lương từ NSNN (Thông tư số 164/2011/TT-BTC ngày 17/11/2011; Thông tư số 13/2017/TT-BTC ngày 15/02/2017); quy định địa bàn triển khai bắt buộc thanh toán cá nhân qua tài khoản.
KBNN cũng đã báo cáo Bộ Tài chính để làm việc với Bộ Quốc phòng, Công an nhằm tăng cường công tác thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán cá nhân qua tài khoản. Theo đó, tỷ trọng các khoản chi bằng tiền mặt qua KBNN ngày càng nhỏ dần, đến nay chủ yếu chỉ còn những khoản chi nhỏ lẻ, đơn vị thụ hưởng không có tài khoản tại ngân hàng, hoặc một số các khoản chi đặc thù của khối quốc phòng, an ninh, chi đền bù giải phóng mặt bằng… là thanh toán bằng tiền mặt.
Bên cạnh việc đẩy mạnh hình thức thanh toán cá nhân qua chuyển khoản, hạn chế rút tiền mặt trực tiếp tại KBNN, KBNN cũng phối hợp với Vietinbank triển khai thí điểm “thẻ chi tiêu công” tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Mặc dù, một số đơn vị giao dịch còn tâm lý e ngại trong việc triển khai do liên quan đến công tác quản lý thẻ tại đơn vị nhưng KBNN đang tiếp tục phối hợp với các đơn vị này để tăng cường công tác thanh toán không dùng tiền mặt.
Giải pháp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt
Để tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa chủ trương của Chính phủ, giải pháp của NHNN và Chiến lược phát triển KBNN về thanh toán không dùng tiền mặt, tăng cường cải cách hành chính, giảm chi phí xã hội, trong thời gian tới, hệ thống KBNN tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp trọng tâm sau:
Một là, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho giao dịch không dùng tiền mặt qua KBNN; phối hợp Bộ Quốc phòng, Bộ Công an để tăng cường công tác quản lý, nâng cao tỷ trọng các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt.
Hai là, phát triển hệ thống thanh toán song phương điện tử và phối hợp thu giữa KBNN và MB cũng như các hệ thống NHTM đảm bảo điều kiện theo quy định; trên cơ sở đó tiếp tục mở thêm tài khoản chuyên thu và ủy nhiệm thu NSNN bằng tiền mặt với hệ thống các NHTM.
Ba là, mở rộng thu NSNN qua POS với các NHTM nơi KBNN mở tài khoản; tăng cường công tác tuyên truyền và các giải pháp phù hợp để mở rộng, phát triển hình thức sử dụng thẻ chi tiêu công.
Bốn là, quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc chi trả bằng tiền mặt qua KBNN, qua đó thúc đẩy hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Với nhiệm vụ của KBNN được Chính phủ giao trong công tác quản lý quỹ NSNN, việc đẩy mạnh các hoạt động thu, chi NSNN không dùng tiền mặt qua KBNN và tiến tới không giao dịch bằng tiền mặt qua KBNN sẽ tăng cường thực hiện mục tiêu Chính phủ đã đề ra, đồng thời góp phần tích cực trong việc kết hợp hiệu quả giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ trong nền kinh tế.
Tài liệu tham khảo:
1. Quyết định số 2545/QĐ-TTg ngày 30/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020;
2. Nghị định số 80/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt;
3. Thông tư số 164/2011/TT-BTC ngày 17/11/2011 quy định quản lý thu, chi bằng tiền mặt qua hệ thống KBNN;
4. Thông tư số 13/2017/TT-BTC ngày 15/2/2017 quy định quản lý thu, chi bằng tiền mặt qua hệ thống KBNN.