Hệ thống Kho bạc Nhà nước thích ứng an toàn với COVID-19

Theo Tiểu Phong/daibieunhandan.vn

Tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh trên nền tảng công nghệ thông tin vững chắc đã giúp hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN) duy trì hoạt động thông suốt, kiểm soát chi hiệu quả và chi trả ngân sách kịp thời… dù dịch bệnh diễn biến phức tạp trên diện rộng.

Hệ thống KBNN duy trì hoạt động thông suốt, kiểm soát chi hiệu quả và chi trả ngân sách kịp thời… dù dịch bệnh diễn biến phức tạp trên diện rộng.
Hệ thống KBNN duy trì hoạt động thông suốt, kiểm soát chi hiệu quả và chi trả ngân sách kịp thời… dù dịch bệnh diễn biến phức tạp trên diện rộng.

Áp dụng “3 tại chỗ”

Nằm trong tâm dịch, KBNN TP. Hồ Chí Minh và các đơn vị trực thuộc cùng lúc gánh 2 nhiệm vụ nặng nề, đó là bảo đảm an toàn phòng dịch trong cơ quan, cho cán bộ công nhân viên và duy trì hoạt động thông suốt, nhất là chi phòng chống dịch. Đáp lại yêu cầu này, KBNN TP. Hồ Chí Minh chủ trương thực hiện linh hoạt nhiều giải pháp.

Cụ thể, ngay từ khi dịch bùng phát, KBNN TP. Hồ Chí Minh áp dụng mô hình “3 tại chỗ” để các cán bộ có thể xử lý công việc, nghiệp vụ thường xuyên và phát sinh. Tại KBNN các quận, huyện, thành phố, hầu hết bố trí làm việc thêm giờ, không kể ngày thứ bảy, chủ nhật.

Trong đó, ưu tiên cho cán bộ, công chức có bệnh nền, phụ nữ có thai, có con nhỏ làm việc tại nhà. 50% cán bộ, công chức được bố trí luân phiên làm việc tại trụ sở chính cũng như tại các quận, huyện. Sau 2 tuần, đổi ca kíp trực một lần.

Nhờ vậy và cùng với “trợ thủ đắc lực” là dịch vụ công trực tuyến, KBNN TP. Hồ Chí Minh và các đơn vị trực thuộc đã hoàn thành tốt nhiệm vụ trong suốt thời gian thành phố thực hiện Chỉ thị 16. Đặc biệt, hàng chục nghìn tỷ đồng đã được KBNN TP. Hồ Chí Minh kịp thời chi trả và giám sát nguồn chi cho các đối tượng được hỗ trợ khó khăn do dịch COVID-19. Ví dụ, có ngày, KBNN TP. Thủ Đức chuyển tiền thanh toán cho gần 1.000 người.

Tương tự, KBNN Khánh Hòa cũng duy trì hoạt động thông suốt, an toàn khi dịch bùng phát. Tính đến ngày 30.9, đơn vị đã chi hỗ trợ hơn 100 nghìn đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh với số tiền hơn 180,8 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, KBNN Khánh Hòa tích cực hỗ trợ chủ đầu tư, đôn đốc và khắc phục khó khăn để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Với nhóm dự án đã hoàn thành từ trước ngày 31/12/2020 vẫn tồn đọng quyết toán và kế hoạch vốn chưa giải ngân, KBNN Khánh Hòa yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương liên hệ với nhà thầu để thanh toán công nợ; yêu cầu các chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ thanh toán trong 4 ngày; thực hiện nghiêm quy định về tạm ứng, thu hồi tạm ứng…

Lấy khách hàng là trung tâm, đối tượng phục vụ, KBNN Khánh Hòa tuyệt đối không để tồn đọng bất kỳ hồ sơ thanh toán nào mà không rõ lý do. Dịch vụ công trực tuyến đã phủ sóng tới tất cả đơn vị sử dụng ngân sách cũng là một yếu tố thuận lợi, giúp đơn vị hoàn thành nhiệm vụ.

Kết quả, dù gặp nhiều khó khăn khi phải thực hiện 4 đợt giãn cách xã hội nhưng đến 30.9.2021, lũy kế thanh toán vốn đầu tư công năm 2021 kiểm soát qua KBNN Khánh Hòa là 1.788 tỷ đồng, đạt 46,7% kế hoạch Thủ tướng giao và bằng 69,9% kế hoạch vốn tỉnh giao.

Tập trung chi hỗ trợ và chống dịch

Nhìn chung, tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh trên nền tảng công nghệ thông tin vững chắc đã giúp hệ thống KBNN duy trì hoạt động thông suốt, kiểm soát chi hiệu quả và chi trả ngân sách kịp thời… dù dịch bệnh diễn biến phức tạp trên diện rộng.

Theo báo cáo của KBNN, đến ngày 15.9, toàn hệ thống đã thực hiện kiểm soát, thanh toán 628,9 nghìn tỷ đồng vốn chi thường xuyên, bằng 59,2% dự toán chi thường xuyên năm 2021 của ngân sách qua kho bạc. Lũy kế thanh toán nguồn vốn đầu tư công năm 2021 là 205,2 nghìn tỷ đồng, bằng 43% kế hoạch Thủ tướng giao và 38% tổng kế hoạch vốn.

Từ nay đến cuối năm, dự báo dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp. KBNN sẽ tiếp tục ưu tiên kiểm soát thanh toán nhanh, kịp thời kinh phí phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn. Cùng với đó, thực hiện kiểm soát các khoản chi cấp bù tiền miễn, giảm học phí, hỗ trợ học phí cho các cơ sở giáo dục theo Nghị định 81 của Chính phủ.

Trong giải ngân vốn đầu tư công, KBNN yêu cầu KBNN cấp tỉnh chủ động phối hợp với các chủ đầu tư, ban quản lý dự án thực hiện các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ. Trên cơ sở đó kịp thời nắm bắt và xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện giải ngân vốn đầu tư của từng gói thầu, dự án theo đúng thẩm quyền.

Đối với các vướng mắc vượt thẩm quyền, KBNN cấp tỉnh tổng hợp và đề xuất các giải pháp tháo gỡ với cấp có thẩm quyền để xem xét giải quyết.