Hệ thống Kho bạc Nhà nước tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân
20 năm trước, để phù hợp với tiến trình đổi mới cơ chế quản lý kinh tế và cải cách nền hành chính quốc gia, đổi mới công tác quản lý tài chính tiền tệ, củng cố và nâng cao hiệu lực của Nhà nước, nhiệm vụ quản lý quỹ ngân sách nhà nước đã được chuyển giao từ Ngân hàng Nhà nước về Bộ Tài chính, đồng thời hệ thống Kho bạc Nhà nước được thành lập (ngày 01/4/1990) để đảm nhận nhiệm vụ này. Đến nay, qua 20 năm hình thành và phát triển, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã cùng với toàn ngành Tài chính hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao phó, tạo thế và lực cho những bước phát triển mới.
Chặng đường 20 năm, dù rất ngắn trong cả một sự nghiệp gây dựng cơ đồ, nhưng những gì Kho bạc Nhà nước đã đạt được là rất đáng tự hào. Qua 20 năm hoạt động, Kho bạc Nhà nước đã góp phần cùng với toàn ngành Tài chính đạt được nhiều kết quả tích cực trong hoạch định chính sách, quản lý phân phối nguồn lực của đất nước, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy nền kinh tế đạt và duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao; đóng góp tích cực vào sự nghiệp đổi mới và lành mạnh hóa nền tài chính quốc gia thông qua việc tập trung nhanh, đầy đủ nguồn thu cho ngân sách nhà nước, đáp ứng kịp thời nhu cầu chi tiêu của Chính phủ, thực hiện các chính sách xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng; huy động một lượng vốn lớn cho đầu tư phát triển kinh tế; kế toán và cung cấp thông tin chính xác về tình hình thu, chi ngân sách phục vụ sự chỉ đạo điều hành của Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan Trung ương và chính quyền địa phương, góp phần đắc lực vào việc nâng cao chất lượng quản lý và điều hành tài chính - ngân sách.
Năm 2010 cũng như quá trình chuẩn bị triển khai nhiệm vụ xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020 và Chiến lược Tài chính giai đoạn 2011 - 2020 trong bối cảnh có nhiều thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, khó lường trước, việc đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế chính là cơ hội để đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội nhanh hơn, có hiệu quả hơn nhưng đồng thời đặt ra nhiều sức ép và thách thức lớn.
Với chức năng và nhiệm vụ được giao, đòi hỏi ngành Tài chính nói chung và hệ thống Kho bạc Nhà nước nói riêng phải có những nỗ lực mới, biện pháp mới để hoàn thành nhiệm vụ trên chặng đường phía trước mà Đảng và nhân dân giao cho.
Mục tiêu tổng quát nhất mà toàn hệ thống Kho bạc Nhà nước cần nỗ lực tập trung phấn đấu là: Xây dựng Kho bạc Nhà nước hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả và phát triển ổn định vững chắc trên cơ sở cải cách thể chế, chính sách, hoàn thiện tổ chức bộ máy, gắn với hiện đại hoá công nghệ và phát triển nguồn nhân lực để thực hiện tốt các chức năng: quản lý quỹ ngân sách nhà nước và các quỹ tài chính nhà nước; quản lý ngân quỹ; tổng kế toán nhà nước; thực hiện việc huy động vốn cho ngân sách nhà nước và cho đầu tư phát triển thông qua hình thức phát hành trái phiếu Chính phủ theo quy định của pháp luật nhằm tăng cường năng lực, hiệu quả và tính công khai, minh bạch trong quản lý các nguồn lực tài chính của Nhà nước. Đến năm 2020, các hoạt động Kho bạc Nhà nước được thực hiện trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại và hình thành Kho bạc điện tử.
Giữ vững định hướng “văn hóa là nền tảng, đoàn kết là động lực, đổi mới và hiện đại hóa là giải pháp” để tiếp tục thực hiện mục tiêu dài hạn, toàn hệ thống Kho bạc Nhà nước cần phát huy truyền thống vẻ vang với tinh thần thi đua yêu nước, phấn đấu thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu dưới đây:
Thứ nhất: Tập trung triển khai có kết quả các đề án, cơ chế chính sách thuộc Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2020. Đặc biệt, tập trung triển khai quyết liệt Dự án hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS) - cấu phần lớn nhất của Dự án Cải cách quản lý tài chính công, đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Tài chính chủ trì triển khai trong khuôn khổ “Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2001 - 2010”. Việc triển khai thành công dự án này góp phần rất lớn vào hiện đại hóa công tác quản lý ngân sách nhà nước từ khâu lập kế hoạch, thực hiện ngân sách, báo cáo ngân sách; nâng cao tính minh bạch và hiệu quả trong quản lý tài chính công; đảm bảo an ninh tài chính trong quá trình phát triển và hội nhập của quốc gia.
Thứ hai: Tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng công tác quản lý điều hành quỹ ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước, khẳng định vị trí của Kho bạc Nhà nước là một công cụ quản lý tài chính, thực hiện vai trò giám sát, kiểm soát toàn diện các nguồn thu, chi các quỹ theo đúng quy định của pháp luật. Trong quản lý quỹ ngân sách nhà nước, bên cạnh việc tập trung nhanh nguồn thu, Kho bạc Nhà nước cần hoàn thiện quy chế, đơn giản hoá thủ tục và giữ vững kỷ cương, kỷ luật tài chính trong quản lý và kiểm soát chi ngân sách nhà nước gắn với việc thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Thứ ba: Thực hiện tốt công tác kế toán ngân sách nhà nước và hoạt động nghiệp vụ Kho bạc Nhà nước, phân tích thông tin về tài chính ngân sách để Kho bạc trở thành trung tâm kế toán quốc gia, tiến tới thực hiện tổng kế toán nhà nước. Tiếp tục nghiên cứu cải tiến, hoàn thiện cơ chế chính sách cũng như các hình thức huy động vốn để nâng cao hiệu quả huy động vốn, tăng tỷ trọng vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ huy động vốn cho ngân sách nhà nước và cho đầu tư phát triển các công trình trọng điểm của đất nước.
Thứ tư: Tiếp tục tập trung các nguồn lực để nhanh chóng hiện đại hoá công nghệ Kho bạc Nhà nước. Công nghệ thông tin phải trở thành nền tảng cho công tác quản lý, kết hợp chặt chẽ với việc hoàn thiện các cơ chế chính sách, quy trình nghiệp vụ tạo nên công nghệ Kho bạc hiện đại. Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện cải cách hành chính; cải tiến và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chỉ đạo, quản lý và điều hành của lãnh đạo Kho bạc Nhà nước các cấp. Mỗi cán bộ, công chức của hệ thống Kho bạc Nhà nước phải luôn đề cao tinh thần trách nhiệm, tổ chức quản lý chặt chẽ, an toàn tiền và tài sản của Nhà nước và đảm bảo an ninh hoạt động nghiệp vụ Kho bạc Nhà nước. Tiếp tục cải tiến phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo điều hành trên tất cả các mặt hoạt động nghiệp vụ Kho bạc Nhà nước, trong đó chú trọng đến công tác quản lý cán bộ và quản lý nội bộ, giữ vững sự đoàn kết, thống nhất, ổn định để phát triển.
Thứ năm: Hết sức chú ý xây dựng, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác đào tạo bồi dưỡng, nâng cao năng lực, phẩm chất đạo đức, văn hóa nghề Kho bạc cho đội ngũ cán bộ công chức. Coi đây là yếu tố cơ bản quyết định chất lượng phát triển toàn diện và bền vững của hệ thống Kho bạc Nhà nước. Tập trung thực hiện chiến lược bồi dưỡng, đào tạo với mục tiêu xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ có phẩm chất chính trị và đạo đức, văn hóa nghề nghiệp, có trình độ quản lý giỏi nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng các yêu cầu và định hướng phát triển, hiện đại hóa Kho bạc Nhà nước trong giai đoạn mới.
Bài viết đăng trong Kỷ yếu nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập hệ thống Kho bạc Nhà nước